Theo qui định mới của FIFA, ban chấp hành của VFF sắp tới chỉ có 17 người, gọi là ủy viên Ban chấp hành. Con số này đã bao gồm một Chủ tịch, ba phó Chủ tịch, như vậy tỉ lệ các chức vụ chủ chốt chiếm đến 25%. Trong khi đó, các nhiệm kỳ trước, tăng giảm dựa trên số lượng ủy viên Ban chấp hành. Nhưng cao nhất cũng chỉ là 17% ở hai nhiệm kỳ gần nhất. Cá biệt như nhiệm kỳ IV, chỉ có ba lãnh đạo trên tổng số 41 ủy viên Ban chấp hành, tỷ lệ là 7%.
Yêu cầu của FIFA là nhằm tách bạch hai bộ phận quản lý và điều hành. Theo đó, Ban chấp hành không cần nhiều người bởi chủ yếu làm công tác định hướng, các công việc cụ thể do Ban tổng thư ký và các phòng chức năng đảm nhiệm. Đây là cơ cấu của một công ty mà ở đó, Hội đồng quản trị chủ yếu quyết định những chính sách, còn thực hiện là do bộ máy của Ban giám đốc vốn không hạn chế số lượng nhân sự. Hơn nữa, các ủy viên đều thuộc dạng bán chuyên trách, đang có công việc khác, được bầu vào VFF để đại diện nền bóng đá làm công tác quản lý, giám sát chứ không phải nhận lương tháng để làm việc nên càng đông càng rối chứ không ích lợi gì.
Đã vậy, bên dưới Ban chấp hành của VFF có 11 Ban khác nhau, cũng do chính các ủy viên đứng đầu. Trưởng ban truyền thông đối ngoại thường do phó Chủ tịch truyền thông kiêm nhiệm, như vậy có đến hai chức vụ cho một công việc. Tương tự là Trưởng ban tài chính và vận động tài trợ cũng thuộc quyền của phó Chủ tịch tài chính. Đấy là chưa kể đến các phòng tài trợ, phòng truyền thông của hệ thống Tổng thư ký đảm trách.
Vì nhiều ghế, nhiều lãnh đạo nên phát sinh nhiều vị trí trong các hoạt động, nhất là những chuyến thi đấu của đội tuyển. Nghe thì tưởng cần thiết, nhưng nhiều người đi theo đoàn hầu như chẳng làm gì bởi… chẳng có gì cho họ làm.
17 ủy viên là chừng đó chức vụ. Xét ở góc độ của một tổ chức đang quản lý gần 70 thành viên, điều hành cả một nền bóng đá liên quan đến số phận của hàng chục nghìn con người, tạo ảnh hưởng lớn đến cộng đồng thì 17 chiếc ghế ấy không phải quá nhiều. Bởi vậy, bản chất không phải là chiếc ghế đó hoặc vị trí đó có cần thiết hay không, mà cái chính là người ta phải làm gì khi ngồi vào đó.
Ví dụ như vị trí phó Chủ tịch phục trách tài chính. Ai cũng biết VFF phải kiếm tiền mới có thể vận hành hệ thống các đội tuyển, chăm lo cho phong trào. Trung bình các nhiệm kỳ gần đây, ngân sách mỗi năm cần đến 50-60 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc tài trợ cho các dự án bóng đá trẻ, bóng đá học đường đang phải “gửi gắm” cho xã hội lo giúp. Chính vì vậy có nhiều vị trí liên quan đến tài chính, tài trợ là điều bình thường. Tuy nhiên, sau khi đã trao quyền tổ chức các giải chuyên nghiệp cho công ty VPF, quyền khai thác tài trợ các đội tuyển quốc gia cho công ty quảng cáo Densu (Nhật Bản) thì số “sản phẩm” có thể khai thác tài chính của VFF hầu như không còn, đồng nghĩa việc tạo ra hệ thống kiếm tiền trở nên thừa thãi. Từ đây, nảy sinh chuyện một vị trí phó Chủ tịch tài chính thì thực ra là làm cái gì? Không có cũng đâu có sao?
Hoặc một vị trí khác là phó Chủ tịch truyền thông. Đây có lẽ một cái ghế thuộc dạng “xưa nay hiếm” mà bóng đá Việt Nam tạo ra. Mỗi bộ phận đều có một người đứng đầu, trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan, bao gồm phát ngôn hay trả lời báo chí. Những vấn đề rộng hơn đã có Chủ tịch hoặc người do vị này ủy quyền. Hơn nữa, ở thời buổi công nghệ, các thông báo, phát ngôn vẫn có thể thông qua trang web, mạng xã hội… hoặc cùng lắm, khi cần họp báo thì sử dụng một phát ngôn viên cũng được. Đằng này, VFF có chiếc ghế phó Chủ tịch truyền thông hầu như không có một chức năng cụ thể nào. Vì thế mà ở các nhiệm kỳ gần đây, vị trí này luôn có nhiều ứng cử viên muốn tham gia. Ai mà chẳng thích ngồi vào nơi không có một trách nhiệm gì cụ thể nhưng vẫn có chức to, đi kèm bổng lộc?
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ở từng vị trí, có những tiêu chí và trách nhiệm cụ thể. Trong khi vị trí Chủ tịch luôn chịu áp lực với hàng loạt tiêu chí như: người thành đạt, có chức vụ và uy tín cao trong bộ máy nhà nước hoặc xã hội, am hiểu bóng đá và từng đóng góp lớn… thì ngược lại, các tiêu chí cho những vị trí phó lại rất mơ hồ dù theo điều lệ VFF thì những người này giúp việc cho Chủ tịch, lẽ ra phải được sàng lọc kỹ với điều kiện ứng cử nghiêm ngặt.
Ví dụ, đã là người đứng đầu về tài chính, tài trợ thì phải có bản kế hoạch kiếm tiền. Mỗi năm phải có con số bao nhiêu? Có thêm bao nhiêu nhà tài trợ sẽ đến với bóng đá Việt Nam? Phải là doanh nhân và đã chứng minh năng lực bằng các hoạt động vận động tài chính chứ không chỉ là tự bỏ tiền túi ra thì khác gì tự mình “mua ghế”. Hoặc phó Chủ tịch truyền thông thì dứt khoát phải có năng lực ngoại ngữ, có quan hệ rộng, từng trải qua các công việc trong nghành truyền thông… Kế tiếp, đã là bầu cử, thì dứt khoát mỗi vị trí buộc phải có ít nhất hai ứng cử viên thì mới tổ chức bầu bán… Thay vì đặt ra những sự việc sòng phẳng, công bằng như vậy thì mới đây, bộ phận nhân sự của VFF lại đề xuất các ứng viên phải có bằng đại học. Một loại tiêu chí mang tính chất đánh đố, thừa thãi và không phù hợp với hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam.
Với tất cả những bất cập mang tính di chứng từ nhiều đời kể trên, dễ hiểu vì sao ở VFF chỉ có Chủ tịch, phó Chủ tịch chuyên môn hoặc Tổng thư ký bị thôi chức hoặc phải từ chức do thành tích thi đấu của các đội tuyển, chứ những vị trí khác chỉ cần ngồi yên là an toàn. Và chắc chắn, nếu có sẵn những tiêu chí rõ ràng, thì sẽ hạn chế được những đề cử gây tranh cãi như hiện nay ở vị trí phó Chủ tịch truyền thông hay màn độc diễn của ông Trần Anh Tú cho chức phó Chủ tịch tài chính.
Theo Song Việt (VnExpress.net)