Như một thói quen xấu, trước các kỳ đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) luôn có những lùm xùm liên quan đến vấn đề nhân sự. Từ trước đến nay vẫn vậy, nhưng sau khi số lượng thành viên Ban chấp hành VFF giảm xuống còn 17 người cho một nhiệm kỳ, thì “tỉ lệ chọi” cũng tăng lên và nhiệt độ của những đấu đá bên ngoài cũng nóng như lò lửa.
Nhưng việc ông chủ của HAGL Đoàn Nguyên Đức công khai chỉ trích Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú là gần như chưa có tiền lệ. Họ đều đang nằm trong tốp 5 vị trí quan trọng nhất của cùng một tổ chức VFF, giống như những trụ cột của một gia đình. Vậy nhưng bầu Đức tuyên bố nếu bầu Tú là người kế nhiệm vị trí phó Chủ tịch tài chính VFF thì ông sẽ bỏ bóng đá. Đây không phải là lần đầu tiên bầu Đức dọa như vậy, nhưng là lần đầu tiên xuất phát từ yếu tố rất cụ thể và quyết liệt đến mức trở thành công kích cá nhân.
Đa số người hâm mộ đều cảm thấy chán nản khi nhìn thấy tình cảnh ấy. Bóng đá nước nhà mới bùng lên tín hiệu tích cực từ hiệu ứng của U23 Việt Nam. Sân cỏ V-League vừa đông khán giả trở lại. Tưởng như, chỉ cần thêm sự xông xáo của những nhà quản lý và các ông bầu thì mọi thứ sẽ tốt lên. Nhưng, cuộc đấu giữa ứng viên lãnh đạo VFF và ông bầu hàng đầu V-League giống thùng nước lạnh dội vào mặt người hâm mộ.
Hơn 10 năm trước, khi bắt tay vào xây dựng Học viện HAGL – Arsenal JMG, có lẽ bầu Đức cũng không nghĩ đến việc một ngày nào đó người hâm mộ sẽ ghi nhận công lao của ông bằng một chức vụ nào cả. Lúc đó bầu Đức thậm chí còn nổi tiếng hơn cả bây giờ. Thành công thì chưa biết, thất bại nghĩa là sẽ có hàng trăm tỷ đồng mất đi. Vậy mà ông vẫn kiên trì để có lứa Xuân Trường, Công Phượng... hiện nay.
Hơn 10 năm trước, có ai biết gì về bầu Tú đâu. Khi ông lập đội Thái Sơn Nam, môn futsal thậm chí còn chưa được xem là một thành phần của bóng đá Việt Nam. Thật khó nói rằng khi ấy bầu Tú có tham vọng gì đó ở VFF. Thế rồi futsal Việt Nam vươn lên và tìm được chỗ đứng như thế nào, có lẽ không cần phải nói thêm.
Họ đều xứng đáng có vị trí quan trọng tại VFF. Bởi những gì họ đã làm được xem là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác. Lấy ví dụ, Trung tâm đào tạo trẻ PVF do tập đoàn Vingroup đầu tư đã đóng góp nhiều gương mặt cho U23 Việt Nam nhưng PVF không có vai trò nào trong VFF. Bóng đá trẻ Đồng Tháp trong cùng một năm vô địch cả ba lứa tuổi U15, U17, U19 dù CLB Đồng Tháp năm ngoái suýt nữa phải xuống hạng Ba. Và đội tuyển U23 vừa qua là tập hợp của cả chục CLB và lò đào tạo khác nhau, không chỉ riêng quân bầu Đức và cũng chẳng nhờ tiền của bầu Tú…
Để hóa giải cuộc xung đột giữa bầu Đức và bầu Tú, có lẽ phải có một bên gạt bỏ cái tôi của mình. Hai con người ấy, ở cùng một thời điểm từng có cùng cách suy nghĩ khi làm bóng đá, dù số tiền và lĩnh vực mà họ đổ tâm huyết khác nhau. Vậy mà giờ đây, có nguy cơ họ không thể bắt tay để ngồi cùng nhau. Sự đổ vỡ ấy, nhìn từ quá khứ đến tương lai, thật là điều vô cùng đáng tiếc cho bóng đá Việt Nam.
Xét cho cùng, ai được bầu vào VFF cũng không làm nên uy tín cho chính tổ chức này, cũng như nội lực nền bóng đá so với những gì họ làm trước và sau khi được bầu. Điều quan trọng nhất là họ có thể đóng góp thế nào cho nền bóng đá. Họ có thể không nhìn nhau, nhưng hy vọng họ có cùng một hướng nhìn. Cái áo đâu làm nên thầy tu, chiếc ghế tại VFF cũng không đủ để nói hết những gì mà bầu Đức đã cống hiến. Vậy thì việc ông nói sẽ từ bỏ, chẳng phải là đi ngược lại với tâm huyết cả một đời bóng đá vốn ba chìm - bảy nổi. Liệu bầu Đức có thanh thản được không khi “những đứa trẻ” của ông không còn được chơi chung với nhau trong một tập thể tuyệt vời nếu như “người cha” dẹp bỏ CLB. Còn bầu Tú, người ta sẽ cảm ơn ông nhiều hơn nếu bằng cách nào đó, HAGL vẫn tồn tại. Hơn nữa, ở vị trí của một ứng viên đứng đầu tài chính của VFF, để cho một doanh nghiệp rời bỏ bóng đá chắc chắn là thất bại.
Có lẽ, cả hai đều biết rằng người hâm mộ Việt Nam không quan tâm đến chuyện ông Tú làm gì để kiếm tiền? Cũng không phải ai cũng thắc mắc bầu Đức có lợi ích gì từ việc đầu tư bóng đá? Cái mà họ muốn thấy đó là những thành công của các đội tuyển trên đấu trường quốc tế, là những trận đấu V-League hấp dẫn mỗi cuối tuần để đến sân giải trí, là một cơ hội nghề nghiệp cho con cái họ khi phải lựa chọn tương lai... Khi những kỳ vọng đó được thể hiện, tự nhiên những con người như bầu Đức, bầu Tú hay bất kỳ ai đã đóng góp cho bóng đá, đều sẽ được ghi nhận.
Chính vì thế, người hâm mộ hy vọng đây chỉ là vấn đề cá nhân của những quan điểm khác biệt chứ không phải là đấu đá tranh giành quyền lực.
Cuối cùng, cũng cần nói đến trách nhiệm của VFF, một tổ chức mà như từng có một lãnh đạo của họ nói rằng: "Có đoàn kết bao giờ đâu mà sợ mất”. Gần 30 năm hoạt động, câu hỏi bao giờ thì những người trong đó có thể "nắm tay anh thật chặt, giữ tay anh thật lâu" để cùng đóng góp cho bóng đá Việt Nam vẫn không có lời giải.
Đó lẽ ra phải là nơi tập hợp những người giỏi nhất chứ không nên là chỗ có thể kết thúc một đam mê.
Theo Song Việt (VnExpress.net)