Một trong những điều mà Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cần rút kinh nghiệm sau trận Manchester City (M.C) gặp tuyển VN đêm 27-7 tại sân Mỹ Đình là không nên sử dụng thương hiệu đội tuyển một cách tùy tiện trong tương lai
|
Các CĐV VN trên sân Mỹ Đình trong đêm 27-7. Ảnh: Nam Khánh
|
Có lẽ ở khu vực Đông Nam Á, chỉ duy nhất Việt Nam mới mang đội tuyển quốc gia ra “thử lửa” với CLB nước ngoài, năm 2013 là với Arsenal và 2015 là với đội bóng M.C. Từ hơn chục năm nay, FIFA đã bắt buộc phải chào cờ và hát quốc ca mỗi khi đội tuyển quốc gia thi đấu. Với quy định này, FIFA cũng khuyến cáo đội tuyển quốc gia nên hạn chế tối đa việc đá với các CLB vì đá với CLB thì không thể thực hiện việc chào cờ từ một phía.
Để lách quy định của FIFA, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia mỗi khi mời các CLB nổi tiếng sang đá giao hữu vào dịp hè thì họ không dùng danh xưng là đội tuyển quốc gia mà thường gọi là “tuyển các ngôi sao”. Ví dụ mới đây, Thái Lan mời Chelsea sang đá giao hữu tại Bangkok, họ đặt tên cho đội này là “Các ngôi sao Thái Lan”.
Việc tránh sử dụng đội tuyển quốc gia còn có một lợi ích khác là nếu đội nhà thua đậm thì cũng “đỡ tủi” hơn. Năm 2013, tuyển VN thua đậm Arsenal 1-7. Đêm 27-7 vừa rồi, lưới của tuyển VN rung lên đến 8 lần trước M.C tại Mỹ Đình. Trong lịch sử bóng đá VN, đây là trận thua đậm đà nhất của đội tuyển quốc gia. Điều đáng nói là sau mỗi lần lưới của Vĩnh Lợi (rồi Thanh Diệp) rung lên thì bốn phía khán đài lại rộ lên những tràng pháo tay tán thưởng cho người ghi bàn thắng!
Có lẽ chỉ ở VN khi đội tuyển quốc gia bị thủng lưới thì mới có cảnh khán giả vỗ tay chúc mừng bàn thắng của đội khách?!
Hi vọng VFF sẽ rút kinh nghiệm, không nên tùy tiện sử dụng thương hiệu đội tuyển VN trong những trận giao hữu sắp tới.
>> Cổ động viên nước ngoài chỉ trích "trò hề" của fan Việt
>> Báo chí Anh chê công tác tổ chức trận Việt Nam-Man City
>> Clip fan Việt đốt vé vì Man City gây xôn xao nước Anh
>> Từ sự kiện Man City đến Việt Nam: Bầu Hiển “chịu đòn” thay VFF?
Theo S.H (Tuổi Trẻ)