Ngày 25/3/2014, quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng chính thức trúng cử chức danh chủ tịch VFF khóa 7 với 60 trong 62 phiếu thuận, đánh dấu một nhiệm kỳ mới với thời gian 4 năm.
Thời điểm đó, vị chủ tịch ngân hàng được coi là ứng viên sáng giá (và cũng là duy nhất) có thể đảm đương con tàu VFF sau nhiều biến cố. Ngay tại đại hội, ông Lê Hùng Dũng có bài phát biểu đi thẳng vào những vấn đề của bóng đá Việt Nam cũng như vạch ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Trong đó, ông Lê Hùng Dũng thẳng thắn nhìn vào công tác trọng tài còn nhiều bất cập và đặt mục tiêu phải giải quyết ở nửa đầu nhiệm kỳ. Thực tế, bài toán khó giải này vẫn chưa đến hồi kết và sẽ là "nỗi đau đầu" cho các thành viên BCH nhiệm kỳ VIII tới đây.
World Cup - giấc mơ có thật
Nói tới World Cup, những người lạc quan nhất cũng luôn tiếp cận với thái độ e dè. Nói tới Việt Nam tham dự World Cup, hầu hết đều cho rằng đó là mục tiêu dài hơi tới hàng chục năm.
Ít ai có thể ngờ rằng, chỉ trong vòng hơn 1 năm, Việt Nam đã có 2 đại diện tham dự World Cup. Giải đầu tiên hồi tháng 9/2016. Tháng 5/2017, chúng ta có đại diện thứ 2 ở sân chơi thế giới.
Đội tuyển futsal Việt Nam lọt vào bán kết giải châu Á 2015, qua đó góp mặt ở sân chơi thế giới tại Colombia một năm sau. Ngay ở lần đầu tiên góp mặt, thầy trò HLV Burno Garcia đã vượt qua vòng bảng khi trở thành một trong bốn đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất.
7 tháng sau, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn bước ra sân chơi thế giới dành cho đội tuyển U20. Cũng giống với những người đồng nghiệp ở môn bóng đá trong nhà, U19 Việt Nam lọt vào bán kết giải châu Á năm 2016 để trở thành một trong năm đại diện của châu Á thi đấu tại Hàn Quốc.
Tại đây, U20 Việt Nam đi vào lịch sử bóng đá khu vực khi là đội bóng đầu tiên có điểm tại sân chơi World Cup.
Phát triển vượt bậc về đào tạo trẻ
Thành tích của lứa cầu thủ 1997, 1998 dưới tay HLV Hoàng Anh Tuấn là điểm sáng nhất trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam trong những năm vừa qua.
Như rất nhiều những "công thức" thành công khác, U19 Việt Nam từng nhận thất bại cay đắng ở đấu trường khu vực. Đầu tháng 9/2015, Trọng Đại cùng các đồng đội thảm bại 0-6 ở trận chung kết giải Đông Nam Á trước U19 Thái Lan.
Sau đó, HLV Hoàng Anh Tuấn quyết định cải tổ nhân sự để rồi từ đây thành công liên tiếp đến với đội bóng của ông thầy người Khánh Hòa. U19 Việt Nam đứng nhất bảng G vòng loại giải châu Á. Đội bóng này đứng nhì bảng B tại VCK và tiếp tục vượt qua chủ nhà Bahrain bằng bàn thắng duy nhất của Trần Thành, chính thức góp mặt tại World Cup U20 2017.
Thành công của U19 Việt Nam có thể coi là cú hích cho hàng loạt những bước tiến đáng kể sau đó của bóng đá trẻ nước nhà. Giải vô địch Đông Nam Á 2017, U16 Việt Nam vô địch ngay trên đất Thái Lan sau loạt sút luân lưu cân não. Đoàn quân của HLV Vũ Hồng Việt vượt qua cả Australia và chủ nhà Thái Lan để lần thứ 3 điền tên Việt Nam vào bảng vàng thành tích.
Một trong những đỉnh cao khác của bóng đá trẻ Việt Nam là tấm HCB giải U23 châu Á diễn ra ở Thường Châu hồi tháng 1/2018. Ở cả 3 trận tại vòng trong, thầy trò HLV Park Hang-seo đều phải thi đấu đủ 120 phút. Đặc biệt, dưới cơn bão tuyết Thường Châu, U23 Việt Nam đã khiến cả châu Á phải nể phục vì phong cách đẹp mắt và tinh thần thi đấu đầy ngoan cường.
Tiếp nối những thành công đó, Olympic Việt Nam lọt vào bán kết ASIAD 2018 trước khi để thua đầy đáng tiếc trước Hàn Quốc rồi UAE trên chấm phạt đền.
Những nốt trầm về chuyên môn
Bên cạnh những thành công, bóng đá Việt Nam cũng có những điểm nhất mang gam màu xám trong 4 năm vừa qua. AFF 2014, thầy trò HLV Miura dừng chân tại bán kết sau trận thua 2-4 trước Malaysia, dù có nhiều lợi thế khi dẫn trước đối phương sau trận lượt đi.
Xét cho cùng, nhà cầm quân người Nhât đã hoàn thành chỉ tiêu. Nhưng từng đó là chưa đủ làm hài lòng những "thượng đế" khó tính.
Một năm sau, thêm một thất bại tại bán kết nữa của bóng đá nước nhà tại đấu trường khu vực. U23 Việt Nam chỉ giành HCĐ tại SEA Games 28. U23 Việt Nam xếp nhì bảng B, thua U23 Myanmar 1-2 ở bán kết trước khi vượt qua Indonesia 5 bàn trắng ở trận tranh HCĐ.
Sau đó, bầu Đức và chủ tịch Lê Hùng Dũng khẳng định sẽ dồn toàn lực để lứa cầu thủ 1995 đoạt HCV tại SEA Games 29. Kết quả, U22 Việt Nam của HLV Hữu Thắng thậm chí còn không thể vượt qua vòng bảng.
Ngày nhậm chức, ông Lê Hùng Dũng mạnh dạn đặt nhiều mục tiêu lớn nhưng tất cả mục tiêu này đều không thể thành hiện thực.
Bài toàn khó giải về công tác trọng tài
Cải tổ công tác trọng tài là một trong những mục tiêu hàng đầu của BCH VFF khóa VII. Tuy nhiên, trong suốt nhiệm kỳ của mình, các thành viên BCH và thường trực VFF vẫn phải chịu bó tay trước bài toán hóc búa này.
Vài mùa bóng trở lại đây, hàng loạt trọng tài, trợ lý trọng tài được cho là có chuyên môn "cứng" trong nghề đưa ra những quyết định hết sức khó hiểu. Trọng tài Phùng Đình Dũng gây ngạc nhiên với "lỗi không fair-play" (vòng 15 V.League 2016).
Cũng trong năm này, trọng tài Hà Anh Chiến nhận "án treo còi" vĩnh viễn. Dư luận lúc đó cho rằng ông Chiến chỉ là "tốt thí". Phía ban trọng tài, như thường lệ phủ nhận tất cả.
Trọng tài FIFA Nguyễn Hiền Triết, Trần Văn Lập hay kể cả ông Nguyễn Trọng Thư đều là những người có kinh nghiệm không ít trong việc điều hành các trận đấu tại V.League. Thế nhưng, dường như năm nào họ cũng mắc phải những sai lầm hết sức khó hiểu và cũng khó giải thích.
Cá nhân ông Thư - người được ví như thái tử bởi mối quan hệ bố - con với ông trưởng ban Nguyễn Văn Mùi - thậm chí còn bị VPF công khai phản đối việc tham gia điều hành. Thế nhưng, bằng cách nào đó, vị trọng tài từng trượt bài kiểm tra thể lực này vẫn làm nhiệm vụ ở nhiều trận đấu.
Sẽ không có gì đáng nói nếu ông Thư liên tục rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát có "kịch bản" quen thuộc: phạm sai lầm, cho nghỉ một số vòng đấu để rút kinh nghiệm, sau đó trở lại và tiếp tục mắc sai lầm.
Với cương vị trưởng ban trọng tài, ông Nguyễn Văn Mùi không ít lần bị chỉ đích danh yếu kém trong công tác điều phối trọng tài. Thậm chí, ông này còn bị đem ra hội nghị BCH để lấy tín nhiệm. Thế rồi, những người ở phe đối lập phải ngậm ngùi khi số phiếu tín nhiệm cao áp đảo.
Mới đây, tới lượt ông phó ban Dương Văn Hiền trở thành tâm điểm trong scandal nội bộ thượng tầng. Ông trở thành đối thủ trong cuộc tranh cãi với VPF. Sau đó, ông Hiền còn đăng đàn chỉ trích Chủ tịch và Phó chủ tịch công ty này.
Chưa hết, ông Hiền là nhân vật trung tâm trong bê bối giữa VPF và Ban trọng tài. Một đoạn băng ghi âm cuộc họp hòa giải giữa mình và Phó chủ chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng được tung ra ít lâu sau cuộc họp với nội dung, lời lẽ phản cảm được phát ra từ vị lãnh đạo quê Hải Phòng.
Chưa có thống kê chi tiết nào về những lùm xùm trong công tác trọng tài Việt Nam từ ngày "lên chuyên". Thế nhưng có điều chắc chắn rằng những thống kê này (nếu có) sẽ ngày càng dài và với nhiều lý do theo kiểu trời ơi đất hỡi hơn.
Trong khi đó, lực lượng trọng tài trẻ hiện nay lại đang rơi vào cảnh vừa thiếu vừa yếu. Niềm tin xuống thấp tới mức ở nhiều trận cầu đinh, BTC phải mời trọng tài ngoại bởi vấp phải những làn sóng chỉ trích và hoài nghi về khả năng của trọng tài nội.
Mùa giải 2018, theo trang chủ của FIFA, Việt Nam chỉ có 4 trọng tài và 5 trợ lý nam đạt chuẩn FIFA. Trong đó, trọng tài Ngô Duy Lân và một trợ lý mới được công nhận năm 2017.
Đây sẽ là một trong những thách thức rất lớn đối với ban chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ được bầu ra từ ngày mai (8/12).
Theo Đỗ Hải (Tri Thức Trực Tuyến)