Ngày mai (8/12), Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội. Đại hội này sẽ bầu lại toàn bộ các vị trí chủ chốt của VFF đồng thời định hướng con đường bóng đá Việt Nam trong 4 năm kế tiếp.
Không quá khi nói, kết quả Đại hội VFF hôm 8/12 còn quan trọng hơn cả thành tích thi đấu của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018.
Bàn tay sắt và bình minh hy vọng của bóng đá Việt Nam
Hơn một năm qua, nền bóng đá đã chịu nhiều tác động tiêu cực của “cuộc chiến vương quyền” trước thềm Đại hội VFF khóa VIII. Có thời điểm, xuất hiện 4 tới 5 cái tên ứng cử vào vị trí Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Cuộc đua vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, tài chính và truyền thông cũng cực kỳ khốc liệt với nhiều tên tuổi lớn.
Song song với quá trình chuẩn bị chậm chạp từ VFF, Đại hội VIII liên tục bị hoãn lại, tạo điều kiện cho những tranh cãi, đấu đá. Những con sóng ấy ngầm ngấm nhưng mạnh mẽ, không buông tha một ai và khiến cả nền bóng đá bị ảnh hưởng. Khi VFF không thể tự xử lý vấn đề, cơ quan quản lý đã phải vào cuộc.
Sự xuất hiện của Thứ trưởng Lê Khánh Hải trong vai trò ứng viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch VFF được ví như một “bàn tay sắt”. Việc một lãnh đạo cao cấp của Bộ được đề cử vào vị trí này đã dẹp yên mọi luồng dư luận chống đối, khiến các phe phái phải im lặng. Có thể tin rằng, việc ông Hải đắc cử sẽ tạo điều kiện cho sự đoàn kết và ổn định. Hai điều đó dù ở bất kỳ mức độ nào cũng là rất cần thiết cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Nhưng điều đó không có nghĩa bóng đá giờ chỉ là câu chuyện mang tính “nhà nước”. Ngoài chiếc ghế Chủ tịch, nhiều vị trí quan trọng khác đều có dấu ấn của các doanh nhân.
Ba trên bốn ứng viên cho vị trí Phó Chủ tịch tài chính là doanh nhân, 2 người trong số họ đã công bố đề cương tranh cử. Bầu Đức rút lui, bầu Hiển từ chối tranh cử nhưng các doanh nhân vẫn hướng về bóng đá. Bản đề án Hệ sinh thái bóng đá Việt Nam của ông Trần Văn Liêng hay những kế hoạch cụ thể của ông Nguyễn Hoài Nam là bằng chứng cho thấy lứa doanh nhân mới này thực sự hứng thú, muốn tham gia và góp sức cho bóng đá Việt Nam.
Thành công với mô hình bóng đá, doanh nhân và xã hội hóa
Hiệu ứng U23 Việt Nam và cơ chế cởi mở của VFF đã tạo điều kiện cho giới doanh nhân trở lại với bóng đá. Chính họ với nguồn lực tài chính dồi dào và tư duy táo bạo từng tạo ra những cuộc cách mạng cho bóng đá Việt Nam (mà sự ra đời của VPF với bầu Kiên là điển hình tiêu biểu).
Ông Liêng hay ông Nam có thể chỉ là những người đi đầu. Khi thành tích của các đội tuyển càng tiến bộ, khi VFF càng minh bạch và cởi mở, giới doanh nhân sẽ trở lại. Và chính họ có thể là nguồn gốc cho những tiến bộ mới của bóng đá Việt trong tương lai gần.
Dù kết quả cuộc bầu cử hôm 8/12 có thế nào, ghế Phó Chủ tịch tài chính và vận động tài trợ nhiều khả năng sẽ thuộc về một doanh nhân. Cùng với ông Trần Anh Tú ở vị trí Chủ tịch VPF, nhóm lãnh đạo bóng đá Việt Nam sẽ có đại diện tới từ cả 3 phía: cơ quan chủ quản Bộ, Liên đoàn và những doanh nhân bên ngoài.
Tranh cãi về vai trò của Bộ chủ quản và mô hình ấy vẫn còn rất nhiều. Nhưng hiệu quả của nó là không thể phủ nhận. Có tình cờ không khi giai đoạn 2014-2018 thành công nhất của bóng đá Việt Nam lại gắn liền với bộ máy lãnh đạo ấy?
Chỉ trong 4 năm ngắn ngủi, U20 Việt Nam và đội tuyển futsal đã giành vé dự World Cup, đội tuyển bóng đá nữ vô địch SEA Games và có mặt tại vòng loại cuối Olympic 2016. Thành công của U23 và tuyển quốc gia dưới triều đại Park Hang-seo rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng đó chỉ là kết quả tất yếu sau một chuỗi thăng hoa của cả nền bóng đá.
Chỉ riêng trong năm 2018, 3 học viện bóng đá lớn đã được khai trương. Sự góp sức của giới doanh nhân và những nguồn lực xã hội hóa đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nên những thay đổi.
Thành tựu ấy chắc chắn có phần đóng góp rất lớn từ những người lãnh đạo VFF khóa VII.
Bức tranh vẫn còn những mảng xám
Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là khóa VII VFF đã làm mọi thứ hoàn hảo. Nhiệm vụ của những người lãnh đạo khóa VIII vẫn còn rất nặng nề.
Ngày nhận chức tại Hội trường Liên đoàn 4 năm trước, Chủ tịch Lê Hùng Dũng từng nói: “Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc việc chuyển từ thuê chuyên gia đơn lẻ, mùa vụ thành định hướng hợp tác, hỗ trợ toàn diện, chiến lược với một nền bóng đá tiên tiến, hàng đầu châu lục trong một giai đoạn từ 5-10 năm tới nhằm thực hiện giai đoạn đầu của chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020”.
Đối tác chiến lược của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn ấy là Nhật Bản với cái tên tiêu biểu là HLV Toshiya Miura. Nhưng kế hoạch ấy nhanh chóng sụp đổ đi kèm với những vấn đề sức khỏe của Chủ tịch Dũng. Giai đoạn sau của nhiệm kỳ VII, bóng đá Việt Nam chuyển hướng hợp tác với Hàn Quốc với sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo, các chuyến tập huấn của U20 và tuyển quốc gia... Lần này, quá trình ấy phải diễn ra liên tục và lâu dài hơn.
Tham vọng thay đổi ban trọng tài và cuộc chiến chống lại bạo lực sân cỏ chưa mang tới những kết quả thực sự rõ ràng. Thay đổi trong năm 2018 mạnh mẽ hơn cả khi bầu Tú ngồi vào ghế Chủ tịch VPF. Nhưng Liên đoàn vẫn cần hành động quyết liệt hơn và có những biện pháp cụ thể.
Nhìn chung, nhiệm kỳ VII VFF đã làm được rất nhiều điều. U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam thậm chí đang làm được những điều chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt. Hy vọng với những tín hiệu tích cực đang có, Đại hội VFF khóa VIII sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.
Theo Thanh Hà (Tri Thức Trực Tuyến)