Bản thân ông Võ Quốc Thắng tuyên bố 6 năm làm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF cũng chưa bao giờ lãnh lương, không xài một lít xăng, không đụng đến một đồng bạc của VPF vào việc cá nhân. Ông Thắng tự bỏ tiền túi, thời gian và công sức đóng góp cho VPF, vì cho rằng các đội bóng ở Việt Nam còn rất khó khăn nên cần phải trách nhiệm san sẻ mọi thứ.
Bầu Thắng cho rằng: “Chúng ta cần những người sẵn sàng hy sinh thời gian, trí tuệ, vật chất để đóng góp cho bóng đá, không kiếm những người tham gia vào để hưởng tiền là không nên”.
Ông Phạm Ngọc Viễn (cựu Tổng giám đốc VPF) cũng thừa nhận bầu Thắng là một người cống hiến hết mình vì VPF, với ví dụ ông Thắng từng lấy tiền túi trả cho những bữa tiệc của VPF, không bao giờ xài tiền của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Có thể nói, VPF từng may mắn có bầu Thắng là một người hết mình vì bóng đá Việt Nam thì bầu Đức cũng làm điều tương tự như thế ở VFF. Bầu Đức bỏ tiền túi trả tiền cho ông Park Hang Seo, từng tuyên bố lo hết cho ĐTQG.
Đây cũng là trăn trở lớn của người hâm mộ lẫn các ông bầu trước Đại hội VFF khóa VIII, với hy vọng có được bộ sậu lãnh đạo hết mình vì bóng đá Việt Nam. Những con người được chọn làm lãnh đạo VFF sẽ đi kiếm tiền để phát triển bóng đá, thay vì tận dụng quyền lực kiếm tiền cho chính mình.
Nói về hình mẫu Chủ tịch VFF khóa VIII, bầu Đức hy vọng rằng: “Chủ tịch là một người đủ uy tín, để đi việc với các tổ chức bên trong lẫn bên ngoài, các nhà tài trợ… và đủ thuyết phục Ban chấp hành hiểu các đường đi a,b,c.
Chúng ta không lẫn lộn chuyện ông Chủ tịch có quyền quyết hết. VFF là tổ chức xã hội, nếu làm không tốt là tội lỗi lắm vì tiền của nhân dân cũng ủng hộ vào đây”.
Theo bầu Thắng, VFF muốn sạch, phát triển vững mạnh thì cần có một Ban chấp hành sạch. Thế nên, Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII là hết sức quan trọng, với việc lựa chọn những người tài giỏi, có tâm, có tầm để vào Ban chấp hành VFF khóa VIII.
Thực sự, bóng đá Việt Nam bây giờ đang đứng trước một cơ hội lớn để làm sức bật vươn lên, đó là thành công vang dội của U23 Việt Nam ở U23 châu Á.
Để thành công của U23 Việt Nam không lãng phí thì VFF cần lắm những người tâm huyết, hy sinh thời gian, tiền bạc, công sức và hết mình vì bóng đá nước nhà lên làm lãnh đạo.
HLV Lê Thụy Hải nói rất hay rằng: “Theo tôi, tại sao VFF không thay đổi đi. Như ở các nước khác, khi chủ tịch liên đoàn bóng đá là người giàu có, doanh nhân, họ không làm vì tiền, vì lương, không “cấu véo” gì vào liên đoàn, không nhận hối lộ. Theo quan điểm của tôi, nếu mới có 100 triệu đồng mà đã nhận là điều rất buồn. Bóng đá không phải là cái mang lại tiền bạc, mà cần phải người yêu, người làm.
Tôi luôn trăn trở là VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp thì cần gì đến những người nhà nước vào đó ngồi. Khi anh vẫn là người nhà nước, sang VFF làm thì không hiểu có lĩnh lương 2 lần không? Tôi không hiểu VFF sẽ như thế nào. Tôi là người làm bóng đá lâu rồi, tôi đặt ra câu hỏi đó mà không ai trả lời tôi. Nhiều người cũng hỏi tôi như vậy nhưng tôi không thể trả lời”.
Tựu trung, VFF bây giờ cần bầu Đức, bầu Thắng, các doanh nhân yêu bóng đá… chứ không phải những người tìm cách leo lên chức to rồi suy nghĩ kiếm tiền bỏ túi riêng.
Theo Văn Nhân (Saostar.vn)