Cuộc chiến dư luận giữa bầu Đức và bầu Tú chưa có hồi kết. Sau những chỉ trích, những tiết lộ kiểu "vạch áo cho người xem lưng" và cả đe dọa nữa, bầu Đức dần im lặng. Ở phía bên kia, bầu Tú sau tâm thư cùng bước nhượng bộ rời hai ghế vẫn im lặng, không phản pháo hay đáp trả bất cứ điều gì. Ngay cả khi đôi bên im lặng, mọi chuyện chưa chấm dứt khi những người có liên quan liên tiếng "đính chính" thông tin có thể vì hạ nhiệt, hoặc một mục đích khác, ai biết được?
Dẫu vì bất cứ mục đích nào, cuộc chiến giữa hai ông bầu cho thấy sự bấp bênh của cả một nền bóng đá. Bầu Đức, người không ít lần ngầm nhận "có tâm" với bóng đá Việt một lần nữa tuyên bố bỏ bóng đá. Nhiều người nói rằng bầu Đức chỉ... nói cho đỡ tức, bởi ông dọa bỏ nhiều lần lắm nhưng vẫn tiếp tục đấy thôi.
Nhưng có thế nào đi nữa, tuyên bố của bầu Đức cùng sự nhượng bộ của VFF cho thấy một mặt khác về sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt, hay nói cách khác là V-League. Nếu bầu Đức bỏ bóng đá thật thì sao, HAGL sẽ đi về đâu, hay biến mất trong bản đồ bóng đá quốc nội như nhưng Vissai Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành,...?
Từ trước đến nay, các CLB ở V-League vẫn sống bằng nguồn sữa của các ông bầu, chưa thể tự cung tự cấp theo mô hình hiện đại của bóng đá thế giới. Bầu Đức làm bóng đá đủ lâu để hiểu nếu giờ ông "vứt" HAGL tự lo, lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Thanh,... sẽ đối diện với tương lai bất định. Đó là viễn cảnh người hâm mộ không muốn, giới chuyên môn không muốn và VFF càng không muốn, thế nên ông mới lấy HAGL làm "con tin" để ra điều kiện.
Sự nhượng bộ của bầu Tú hay chính VFF cho thấy cơ quan cao nhất của bóng đá Việt tồn tại rất nhiều vấn đề. Việc Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông, ông Nguyễn Xuân Gụ khẳng định bản thân cùng bầu Đức đang bị cô lập cho thấy một mặt khác của VFF. Đó là khái niệm phe cánh, quân anh quân tôi vốn nhiều người ngầm hiểu với nhau. Sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede được đồn từng lý giải rằng trong nội bộ VFF không phải ai cũng mong muốn đội tuyển thành công.
Dù sau đó ông phủ nhận rằng giới truyền thông hiểu nhầm ý nhưng càng khiến người ta hiểu rõ thêm về thực trạng của VFF. Nếu VFF là một chiếc thuyền thì không phải ai trên đó cũng muốn chèo theo một hướng, người lái xuôi, kẻ chèo ngược, kết quả thì ai cũng thấy trên mặt báo thời gian qua. Thay vì định hướng cho nhiệm kỳ mới, ghế của anh, của tôi lại trở thành vấn đề chính trước thềm Đại hội khóa tới.
Bầu Đức và bầu Tú vốn hiếm khi đụng chạm đến nhau, một người lo tài chính cho đội nam, từ U23 cho đến tuyển quốc gia, người còn lại phụ trách futsal và tài trợ cho cả bóng đá nữ. Nhưng vì chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách Tài Chính, người ta một lần nữa chứng kiến mặt trái của VFF khi các ông bầu đánh nhau, còn bộ mặt của cả một nền bóng đá bị biến thành con tin.
Kể cả vụ việc lần có được "dàn xếp" ổn thỏa từ trong nội bộ, không ai dám chắc những việc tương tự còn tái diễn. Có thể bầu Tú không đúng nhưng trong tâm thư ông gửi cho bầu Đức có một câu nói rất hay: "Vì bóng đá, theo tôi chỉ nên là phép cộng của những bàn tay đóng góp chứ không nên là phép trừ từ những khác biệt quan điểm của những người cùng mục đích".
Bóng đá Việt Nam cần những lời bàn bạc để cùng nhau tiến lên, thay vì những lời chỉ trích bởi chuyện cái ghế.
Theo Như Đạt (Bongda24h.vn)