Lạm dụng các chân sút ngoại, rồi tư tưởng sợ thua của các đội bóng khiến V.League ngày càng trở nên nhàm chán, thiếu đi yếu tố cống hiến. Điều này cũng vô tình làm khó HLV Hữu Thắng trong quá trình tuyển quân.
Sau 3 vòng đấu, V.League 2016 đang có 45 bàn thắng nhưng 20 bàn trong số đó thuộc về các chân sút ngoại. Chưa hết, 25 bàn của các cầu thủ ngoại thì chỉ có 7 bàn do các tiền đạo ghi. Như vậy, chưa cần HLV Nguyễn Hữu Thắng công bố danh sách ĐTQG cho 2 trận đấu cuối của vòng loại World Cup cũng biết chắc là hàng tiền đạo của đội tuyển sẽ là nơi “khô hạn” nhất.
HLV Hữu Thắng gặp khó trong quá trình tuyển quân ở V.League. |
Đây không phải là chuyện mới mẻ gì nhưng ở thời điểm này, có vẻ như tình hình đang ngày càng xấu đi bất chấp nỗ lực cắt giảm ngoại binh của VFF. Hay nói đúng hơn, ngoại binh chưa hẳn là vấn đề của việc thiếu hụt các tay săn bàn nội địa mà là do bóng đá Việt Nam không có khả năng sản sinh những ngôi sao trên hàng công.
Nhìn rộng ra, với chỉ 2,37 bàn/trận, V.League có vẻ như đang có chiều hướng nặng về khâu phòng ngự. Đây là vấn đề về quan điểm thi đấu của các đội bóng. Sự cẩn trọng, sợ thua lấn át tính chất trình diễn trong thi đấu. Nhu cầu giành chiến thắng không lớn hơn mục tiêu đừng để thua. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời nằm ở cách thức tổ chức và các mục đích thi đấu tại V.League.
Lấy ví dụ: trận HAGL - Than Quảng Ninh kết thúc mà không có bàn thắng nào là một điều đáng tiếc. Đội chủ nhà vốn chọn lối đá kỹ thuật trong khi đội khách lại không hề thiếu những ngôi sao trên hàng công, thế nhưng số cơ hội mà 2 đội tạo ra lại không nhiều, ấn tượng đậm nhất vẫn là các pha tranh chấp quyết liệt. Tại sao một đội bóng được đánh giá là mạnh hơn, kinh nghiệm hơn, tham vọng hơn như Than Quảng Ninlại không “dám” chơi đôi công để thắng thay vì chỉ cần 1 điểm?
Ngược lại, trận đấu giữa SLNA và QNK Quảng Nam có 6 bàn thắng thì đến 4 bàn thuộc về cầu thủ Việt, đều là những gương mặt quen như Thành Trung, Phi Sơn, Văn Vinh… Rõ ràng, khi các đội mở trận mà đá, việc cầu thủ nội tham gia vào danh sách ghi bàn sẽ phong phú hơn chứ chẳng phải lệ thuộc hoàn toàn vào các ông Tây.
Khi nói về chất lượng của V.League, người ta hay bàn nhiều về khâu đào tạo, về lối chơi thô bạo, về sự thận trọng khi dùng cầu thủ trẻ mà ít khi nói đến yếu tố chiến thuật và quan điểm thi đấu. Các quy định trong công tác tổ chức, thường cũng tập trung vào việc tổ chức trận đấu sao cho an toàn, ngăn ngừa các tình huống bạo lực chứ ít có những động thái khuyến khích bóng đá đẹp, lối chơi tấn công. Tính tranh đua tại V.League tập trung quá nhiều vào khu vực trụ hạng thay vì cuộc đua vô địch hay những vị trí tốp đầu. Chính sự bất hợp lý này dẫn đến cách chọn lựa đấu pháp luôn có xu hướng thiên về phòng thủ ở đa số đội bóng V.League.
Theo Hồ Việt (Sài Gòn Giải Phóng)