Trong báo cáo của Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA) hôm thứ Năm (20.5), các câu lạc bộ ở Lục địa già được dự báo sẽ mất 8,7 tỉ Euro (10,6 tỉ USD) doanh thu khi phải vật lộn để đối phó với tình trạng thất thoát tài chính khủng khiếp từ đại dịch COVID-19.
Nghiên cứu thường niên Toàn cảnh bóng đá Châu Âu hàng năm cho biết, dự đoán hiện tại về doanh thu thất thoát trong các năm tài chính 2019-20 và 2020-21 là 7,2 tỉ Euro cho các câu lạc bộ hàng đầu và 1,5 tỉ với những đội ở hạng thấp hơn.
Trong lời nói đầu, Chủ tịch UEFA - Aleksander Ceferin cho biết: "Trong báo cáo năm ngoái, tôi đã nói rằng bóng đá Châu Âu mạnh mẽ, đoàn kết, kiên cường và sẵn sàng cho những thử thách mới. Nhưng không ai có thể đoán được rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất đối với bóng đá, thể thao và xã hội trong thời gian này".
Những trận đấu ở các giải trong nước, các giải đấu cấp câu lạc bộ của UEFA, Champions League và Europa League, phần lớn đã diễn ra trong những cánh cửa đóng kín kể từ khi đại dịch xảy ra ở Châu Âu vào đầu năm 2020.
"Mọi cấp độ và mọi ngóc ngách của bóng đá chuyên nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề", báo cáo từ cơ quan điều hành bóng đá Châu Âu viết. "Các câu lạc bộ phụ thuộc nhiều vào sự hiện diện của cổ động viên đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi đại dịch".
Do ngân sách cắt giảm, chi tiêu chuyển nhượng của các câu lạc bộ Châu Âu trong mùa Hè năm ngoái đã giảm mạnh 39%.
Nguồn thu giảm đã buộc UEFA phải tạm thời nới lỏng các quy tắc của luật Công bằng tài chính (FFP). Vốn được xây dựng nhằm đảm bảo các câu lạc bộ không chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được, tuy nhiên Ceferin thừa nhận rằng, có thể cần có nhiều thay đổi lâu dài hơn đối với FFP.
Năm ngoái, Tòa án Trọng tài thể thao đã giúp Manchester City lật ngược lệnh cấm thi đấu tại Cúp châu Âu trong 2 mùa giải do UEFA đưa ra vì vi phạm các quy tắc của FFP. Trong mùa giải đầu tiên mà lẽ ra Man City bị cấm thi đấu, họ đã lần đầu tiên lọt vào trận chung kết Champions League (gặp Chelsea vào ngày 29.5 tới).
"Báo cáo này cho thấy rằng, bóng đá hiện đang hoạt động trong một thực tế mới về tài chính và rõ ràng là các quy định về FFP hiện tại cần được điều chỉnh và cập nhật", Ceferin nói. "Sự bền vững về tài chính sẽ vẫn là mục tiêu. UEFA và bóng đá Châu Âu sẽ chung sức để có những quy tắc mới cho tương lai".
Các câu lạc bộ chịu thiệt hại nặng nề nhưng gần đây, UEFA đã tuyên chiến với European Super League - giải đấu do 12 đội bóng lớn đứng lên thành lập để có thể mang về nguồn tài chính khổng lồ bù đắp cho thua lỗ trong đại dịch. Trong khi đó, kế hoạch cải tổ Champions League của UEFA cũng không hoàn toàn nhận được sự đồng tình.
Theo báo cáo, phân tích từ hàng chục nghìn trận đấu đã ghi nhận tỉ lệ thắng của các đội chủ nhà giảm đáng kể, từ 45% trước COVID-19 xuống 42% khi đại dịch xảy ra. Ngoài ra, số thẻ vàng và thẻ đỏ của đội khách cũng giảm đáng kể.
Theo Tam Nguyên (Lao Động)