Có nhiều lý do để nghi ngại về cơ hội bảo vệ thành công tấm HCV của đội tuyển U22 Việt Nam. Rõ ràng so với 2 kỳ SEA Games trước, U22 Việt Nam hiện nay không còn tối ưu hoá được lợi thế nhờ lực lượng (sử dụng 3 cầu thủ quá tuổi triệt để so với các đối thủ) và sân nhà (như SEA Games 32).
Dù có đẳng cấp World Cup, HLV Philippe Troussier bất lợi khi thời gian làm quen với đội ít, lực lượng non hơn về cả trình độ, kinh nghiệm, áp lực thì vẫn rất cao. Ông Troussier cho rằng đây là đội hình trẻ nhất trong 20 năm dự SEA Games của Việt Nam vừa qua. Đó là thực tế không thể chối cãi, và có thể hiểu khi nói ra những điều này, nhà cầm quân người Pháp muốn giới hâm mộ và những người làm bóng đá Việt Nam chấp nhận nó.
Khi đánh giá đúng thực lực của mình, U22 Việt Nam có thể chọn được chiến thuật, phương án hợp lý hơn trước từng đối thủ khi bước vào SEA Games 32. Đồng thời, sức ép lên HLV Troussier và các học trò cũng sẽ giảm bớt, thay vì bị đẩy lên cao như trước đây. Nhờ vậy, Vũ Tiến Long và các đồng đội có thể lại chơi bóng với những đôi chân thoải mái, thanh thoát hơn.
Nếu 2 kỳ SEA Games trước, U22 Việt Nam vào trận với tâm thế “cửa trên” nhờ sự vượt trội về lực lượng thì tại SEA Games 32, nhiều khả năng U22 Việt Nam sẽ phải “liệu cơm, gắp mắp”, tuỳ đối thủ để có chiến thuật hợp lý, dù mục tiêu của HLV Troussier là tăng khả năng kiểm soát bóng của đội.
Chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận dần thực tế là sau một chu kỳ thăng hoa, bóng đá Việt Nam cần một giai đoạn tích luỹ cho những bước tiến tiếp theo. Để gặt hái được thành công như lứa đàn anh Quang Hải, Công Phượng…trước đây, U22 Việt Nam hiện nay cũng cần một quá trình bầm dập, có thể bắt đầu từ chính SEA Games 32.
Chẳng phải trước khi thăng hoa, Công Phượng, Quang Hải và các đồng đội cũng từng thảm bại ở AFF Cup 2016 và SEA Games 2017?
Theo Tiểu Phùng (Tiền Phong)