Mạng ảo nhưng tổn thương là thật
SEA Games 32 là thử thách đầu tiên của HLV Troussier sau khi nhận lời dẫn dắt ĐTQG và đội U23. Chiến lược gia người Pháp muốn tăng khả năng kiểm soát bóng của cầu thủ, đồng nghĩa với việc yêu cầu của ông rất cao. Và U22 Việt Nam, với những cái tên còn rất trẻ, đã bộc lộ nhiều hạn chế trong thời gian chuẩn bị cho giải đấu trên đất Campuchia.
Những thay đổi, thử nghiệm của HLV Troussier chưa mang lại hiệu quả về mặt tỷ số. Chúng ta để thua cả ba trận tại giải giao hữu Doha Cup mà không ghi được bàn nào, tiếp tục để thua hai trận giao hữu trước CLB TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu. Những kết quả này đã trở thành lý do để một bộ phận CĐV Việt Nam chỉ trích cay nghiệt các cầu thủ trẻ vào ban huấn luyện.
Họ đòi sa thải ...HLV Troussier dù ông chỉ mới nhậm chức không lâu. Họ so sánh với HLV Park Hang-seo - nhà cầm quân thành công bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam với với thế hệ vàng. Thay vì những lời chúc, họ "trù úm" các cầu thủ trẻ sớm bị loại, với những lời lẽ dành cho kẻ thù. Tâm lý "chỉ muốn bóng đá chiến thắng", cùng hiểu biết hạn hẹp khiến họ mất lý trí, thỏa sức nấp đằng sau bàn phím tấn công các cầu thủ trẻ. Rất tiếc, số lượng những CĐV này rất đông đảo trên mạng xã hội.
Người viết hy vọng các cầu thủ chưa đọc được những bình luận này trong thời gian chuẩn bị giải đấu. Bởi lẽ, người ngoài cuộc cũng phải "nổi gai ốc" với những ngôn từ của những CĐV kể trên. Ngay cả trợ lý ngôn ngữ của HLV Troussier cũng bị những người không có chuyên môn chỉ trích vì phong cách làm việc không giống trợ lý cũ của ông thầy người Hàn Quốc?
Thêm một nghịch lý chính là thái độ của nhiều CĐV bóng đá Việt Nam khi nhắc đến SEA Games. Một mặt, họ ra sức bỉ bôi đây là giải 'ao làng' và bóng đá Việt Nam không cần quan tâm đến kết quả. Nhưng cũng chính họ, xem HCV SEA Games như một điều bắt buộc phải có trong giai đoạn chuyển giao như hiện nay. Việc dừng bước từ vòng bảng, theo họ, là thảm họa không thể chấp nhận được.
Người ta có thể mặc kệ những quan điểm này, "chó cứ sủa và đoàn người cứ đi". Nhưng chúng ta vẫn cần phải lên án, vì những bình luận vô văn hóa này có thể làm tổn thương đến các cầu thủ và gia đình họ. Nghề nghiệp chính của họ là đá bóng và không dễ dàng đối mặt với những chỉ trích như giới showbiz. Với U22 Việt Nam, nhiều bạn còn rất trẻ và cần sự động viên, chứ không phải trù dập từ những người cùng màu da, sắc áo.
Lửa thử vàng
HLV Troussier cảm nhận được nhiều áp lực trong lần đầu tiên dự SEA Games. "Chúng tôi có áp lực về mục tiêu ở SEA Games. Chúng tôi có áp lực phải chơi thứ bóng đá tốt nhất của mình. U22 Việt Nam có áp lực phải chơi thứ bóng đá đẹp. Tôi hy vọng rằng những áp lực sẽ giúp các cầu thủ chơi với tinh thần cao nhất", ông Troussier nói khi vừa đến Campuchia.
U22 Việt Nam hiện tại không được đánh giá cao như lứa đàn anh. Họ cũng không có nhiều cơ hội chinh chiến ở V-League để tích lũy kinh nghiệm như các cầu thủ dưới thời ông Park. Họ phải tiếp cận với một lối chơi hiện đại và những yêu cầu khắt khe ngay từ kỹ thuật cơ bản như cách mở người khi nhận bóng để tối ưu hóa lựa chọn chuyền bóng.
Muốn phát triển, bóng đá Việt Nam không thể cứ mãi chơi bóng theo thế cửa dưới, phòng ngự chặt và chờ đợi cơ hội phản công. Chúng ta không thể mơ tiến xa ở châu Á nếu không có một thế hệ cầu thủ có thể chơi đa dạng chiến thuật. Cái gì mới cũng khó và cần thời gian để 'thẩm thấu'. Nếu theo dõi kỹ ở Doha Cup, U22 Việt Nam đã bắt đầu thành hình những ý niệm về gây áp lực tầm cao, di chuyển hoán đổi vị trí để phục vụ chiến thuật.
HLV Troussier muốn các cầu thủ kiểm soát bóng tốt hơn và bình tĩnh hơn với các lựa chọn khi có bóng trong chân. Như đội tuyển Thái Lan ở AFF Cup 2022, một vài cầu thủ bình tĩnh khi cầm bóng như Theerathon cũng đã khiến lối chơi của họ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nói vậy để thấy, những chệch choạc hiện tại là cần thiết để mở ra con đường mới cho bóng đá Việt Nam, để những mục tiêu như World Cup không chỉ là lời nói suông.
Với HLV Troussier, ông cũng có áp lực chứng tỏ bản thân dù đã trải qua rất nhiều nền bóng đá, từng dẫn dắt đội tuyển ở đẳng cấp World Cup. Không ai muốn đứng dưới cái bóng của người tiền nhiệm, và với lòng tự trọng của một người làm nghề, nhà cầm quân người Pháp cũng muốn để lại dấu ấn với bóng đá Việt Nam.
U22 Việt Nam sẽ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo và vì khao khát muốn chứng tỏ bản thân của những người trẻ sống dưới sự nghi ngờ. Bóng đá không thể nói trước điều gì, huy chương vàng chỉ có một và đội nào cũng muốn có. Nhưng tin chắc, U22 Việt Nam sẽ không phụ lòng những người hâm mộ chân chính. Và mong các cầu thủ trẻ sẽ giữ được "niềm vui chân phương" khi được chơi bóng ở SEA Games - giải đấu mà các em đã biết và nghe quá nhiều trên quá trình trưởng thành.
Theo Mạnh Tùng (Tiền Phong)