Từ Công Vinh, Hải Quế đến Hải Huy: Đi đêm, bẻ kèo & quay xe

23/10/2021 20:00:48

Quế Ngọc Hải nhận cọc 200.000 USD (tương đương 4,6 tỷ), Hải Huy nhận 700 triệu đồng cũng từ CLB TP.HCM. Thế nhưng cả 2 đều “quay xe” từ chối đội bóng Thành phố…

Vài ngày nay, bóng đá Việt Nam rần rần chuyện tiền vệ Nguyễn Hải Huy có thể phải đền bù 5 tỷ đồng cho CLB TP.HCM do anh này đã nhận tiền cọc nhưng lại muốn về đầu quân cho Hải Phòng. Ban đầu đội bóng Thành phố muốn Huy đền 1 tỷ. Phía cầu thủ này nói rằng, cứ chiếu theo hợp đồng mà làm. Thế là, CLB TP.HCM sửng cồ lên, muốn nhờ pháp lý can thiệp, giải quyết rõ ràng.

Mới đây, lại “lòi” ra vụ Quế Ngọc Hải cũng đã nhận 200.000 USD tiền cọc của CLB TP.HCM. Thế nhưng, vào phút chót trung vệ này “quay xe” xin xề đầu quân cho đội bóng cũ SLNA.

Khi bị cắc cớ, tại sao không làm căng Quế Ngọc Hải mà chỉ nhắm vào Hải Huy? Lãnh đạo đội bóng Thành phố chia sẻ, Quế Ngọc Hải là đội trưởng ĐTQG, nếu làm căng thì ảnh hưởng nhiều thứ. Hơn nữa, nguyện vọng về thi đấu cho đội bóng quê hương của Hải là hợp tình hợp lý, chứ không phải nhận tiền xong đã “bẻ kèo”, lại còn tráo trở.

Từ Hải Huy, Hải Quế người ta lại nhớ đến vụ “bẻ kèo” kinh điển của Công Vinh với bầu Hiển. Năm 2011 khi đáo hạn hợp đồng với Hà Nội FC (bây giờ là Hà Nội FC), bầu Vinh dường như đã “chốt đơn” tại nhà bầu Hiển.

Từ Công Vinh, Hải Quế đến Hải Huy: Đi đêm, bẻ kèo & quay xe
Những vụ quay xe như Hải Huy, Công Vinh... sẽ còn xuất hiện rất nhiều nếu các CLB chưa xứng xử chuyên nghiệp trong các thương vụ chuyển nhượng

Vậy mà vào phút cuối, Công Vinh đầu quân cho đội bóng của bầu Kiên với cái giá được đồn đoán lên đến 14 tỷ đồng. Công Vinh về với bầu Kiên không được bao lâu thì đội bóng này giải thế. Sau đó tiền đạo này “quy cố hương” chơi cho SLNA.

Thực tế, bóng đá Việt Nam từng diễn ra rất nhiều vụ “bẻ kèo” và gần như chủ yếu xuất phát từ tiền bạc. Có một kịch bản quen thuộc, một cầu thủ dù đã “ký nháp” với đội A, nhưng anh ta sẵn sàng ném nó vào "thùng rác" để đến với đội B, do được trả nhiều tiền hơn. Một kịch bản khác, đội B dùng nhiều tiền hơn để chèo kéo dẫu cầu thủ đã đặt thoả thuận với đội A. Thậm chí, anh ta đã chuẩn bị khăn gói dọn đến nhà mới…

Lạ lùng thay, các CLB Việt Nam đã và đang xem việc “đi đêm” với cầu thủ giống chuyện thường ngày ở phố huyện. Tức, đội bóng B có thể tiếp cận đàm phán, chèo kéo, đặt cọc với cầu thủ mà họ muốn ký, bất chấp anh ta vẫn còn hợp đồng với đơn vị chủ quản.

Đã có những câu chuyện dở khóc dở cười trong làng bóng Việt Nam. Sau khi nhận tiền đặt cọc hay “ký nháy”, các cầu thủ bắt đầu chây ì, không chịu tập luyện, báo bệnh để không phải ra sân… Nguyên do, anh ta sợ không may bị chấn thương thì coi như “công cốc”, bể hợp đồng đã giao kèo.

Thực tế, cứ đến độ giữa mùa bóng rất nhiều “tin đồn” cầu thủ này chuyển đến đội nọ xuất hiện với tần xuất dày đặc. Các đội bóng chủ quản biết nhưng họ cũng phải bó tay bởi cái gọi là “đi đêm” hay "đạn bắn sau lưng"...

Nếu cuối những thập niên 90 và đầu những năm 2000, các “tay cò” lũng đoạn bóng đá Việt Nam, với việc chăn dắt, nẫng tay trên cầu thủ; thì thời gian gần đây, hầu hết các cầu thủ “tự làm tự ăn”. Nguyên do, họ làm như vậy để không phải cắt tiền “phế” (hoa hồng) cho người môi giới hay đại diện.

Chẳng hạn như “tin đồn” Quế Ngọc Hải đã không còn thất thiệt khi cầu thủ này được cho là đã nhận tiền cọc của CLB TP.HCM. Một câu hỏi được đặt ra: Từ bao giờ CLB TP.HCM liên hệ với Quế Ngọc Hải? Liệu có phải trong giai đoạn trung vệ này vẫn còn hợp đồng với Viettel?.

Chỉ có người trong cuộc mới có thể giải đáp được câu hỏi đặt ra. Trong trường hợp, CLB TP.HCM bí mật đàm phán với Quế Ngọc Hải thì có thể họ đã phạm luật?. Đương nhiên, cầu thủ cũng phạm luật do thiếu sự hiểu biết. Hoặc các bên đàm phán một cách bất chấp miễn ra đặt mục tiêu đề ra…

Cho đến nay người ta vẫn chưa quên vụ CLB Khánh Hoà kiện Ninh Bình “đi đêm” với 4 cầu thủ vẫn còn hợp đồng với đội bóng này là thủ môn Đức Hùng, Hữu Chương, Tấn Điền, Trọng Bình. Vụ việc ầm ĩ này cuối cùng được phán quyết: Ninh Bình bị phạt tiền do “đi đêm”, còn 4 cầu thủ này sau đó được giải phóng do Khánh Hoà không đủ lý để trói chân.

Gần 20 năm lên chuyên nghiệp nhưng bóng đá Việt Nam vẫn ứng xử một cách.. nghiệp dư trong việc đàm phán, chuyển nhượng các cầu thủ. Thế nên, đừng ngạc nhiên với những vụ “quay xe” của Công Vinh, Hải Quế, Hải Huy hay nhiều người khác.

Như đã nói, cầu thủ một phần không hiểu luật và bất chấp để có thu nhập tốt hơn. Nhưng phần lớn, những vụ “quay xe” này đều có sự tiếp tay từ các ông bầu hay các đội bóng.

Theo Thạch Yên (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật