Trong tổng số 52 trận đã chơi ở mọi mặt trận mùa giải 2022/23, chỉ 18 trận Erling Haaland không ghi bàn. Tuy nhiên anh bù đắp thiếu hụt đó bằng 1 “bàn tay nhỏ”, 5 hat-trick, 7 cú đúp để cán đích với 52 bàn, tức bình quân mỗi bàn một trận.
Cho đến nay, câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn Haaland vẫn chưa có lời giải đáp. Theo Javi Montero, hậu vệ người Tây Ban Nha khoác áo Besiktas từng đối mặt Haaland thời ở Dortmund (mùa 2021/22), thì “ngoại trừ việc giết cậu ta, tôi không chắc có cách nào tốt hơn”.
“Haaland đã ghi bàn ở trận lượt đi, và lượt về, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết cậu ta dự bị”, Montero nói với tờ The Athletic, “Nhưng rồi Haaland vào sân và ghi 2 bàn. Cậu ấy thật phi thường. Mỗi lúc cậu ta chạm bóng đều mang lại cảm giác nguy hiểm, và nếu nó xảy ra trong vòng cấm, chắc chắn sẽ có bàn thắng được ghi”.
Có một khoảng khắc ở trận đấu tại vùng Ruhr, khi hậu vệ trái Dortmund chuẩn bị đưa bóng vào vòng cấm. Montero theo sát Haaland và tin tưởng đã kiểm soát được tình hình. Thế nhưng chỉ 1 giây, khi Montero đang dõi theo quả tạt, Haaland đã lùi lại phía sau và chiếm lĩnh khoảng trống, đánh đầu đưa bóng vào lưới trong sự ngỡ ngàng của hàng thủ Besiktas.
Là người từng chơi bóng bên cạnh Haaland nhiều năm, từ Dortmund tới Man City, Manuel Akanji cũng cấp một giải pháp khác. “Cậu ấy mỗi ngày một tốt hơn, đạt đến trình độ cao hơn và ghi nhiều bàn thắng hơn. Nhưng nếu phải theo kèm, cách tốt nhất phải làm là luôn theo sát, chọc tức để khiến Haaland bực bội, đồng thời mong đợi sự hỗ trợ từ các đồng đội để chặn cậu ta di chuyển”, hậu vệ người Thụy Sỹ cho biết.
Mặc dù vậy, nói luôn dễ hơn làm. Không phải ai cũng có thể vô hiệu hóa Haaland và khiến tiền đạo của Man City nổi khùng, ngoại trừ Antonio Ruediger. Sở hữu thể hình cao lớn, sức mạnh sung mãn và rất kinh nghiệm, lại lắm chiêu trò, trung vệ của Real thành công trong việc “bắt chết” Haaland ở bán kết Champions League. Suốt trận lượt đi, Haaland bị theo như hình với bóng, sau đó nổi khùng vì không thể áp đặt ảnh hưởng lên trận đấu.
Những gì Ruediger đã làm chính là gợi ý tốt cho Inter. Trước trận chung kết Champions League tại Istanbul, HLV Simone Inzaghi tiết lộ “sẽ học hỏi Ruediger để vô hiệu hóa Haaland”.
Tuy nhiên, ngay cả khi Matteo Darmian, Francesco Acerbi và Alessandro Bastoni của Nezzaruzzi thành công với nhiệm vụ khó khăn đó, cũng không chắc họ ngăn được Man City ghi bàn. Như Inzaghi nói, “City không chỉ có Haaland, họ có nhiều cầu thủ khiến chúng tôi gặp rắc rối”.
Ở 18 trận Haaland không nổ súng, Man City vẫn ghi được 32 bàn, tức 1,7 bàn mỗi trận. Điển hình ở trận lượt về với Real. Chân sút người Na Uy một lần nữa im tiếng nhưng đội quân của Pep Guardiola vẫn nã 4 bàn vào lưới đội vô địch Champions League 14 lần, thông qua màn trình diễn áp đảo và rực lửa.
Đây là một đội bóng rất khác của Guardiola. HLV người Tây Ban Nha từng nói, điều làm nên sự khác biệt giữa Haaland và Messi chính là việc Messi có thể tự làm mọi thứ mà không cần sự hỗ trợ từ đồng đội. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, Inter của Jose Mourinho đã khiến Barca của Pep ôm hận cách đây 13 năm. Tại Nou Camp, Mou đã thiết kế một cái “lồng” để nhốt Messi, tức 3 hay 4 cầu thủ sẵn sàng vây chặt La Pulga mọi lúc. Khi Messi bị “cầm tù”, Barca cũng bế tắc, sau đó vỡ vụn trước đòn phản công bên phía Inter.
Bây giờ Man City không phụ thuộc vào Haaland, dù anh ta ghi tới 52 bàn thắng. Ngoài chân sút người Na Uy, The Citizens có tới 16 cầu thủ khác có tên trong danh sách làm bàn, góp công tạo nên tổng số 150 bàn ở mọi đấu trường. Nói cách khác, không chỉ Haaland là “quái vật”, mọi học trò của Pep đều có khả năng “hóa thú” trong đêm trọng đại ở Istanbul.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)