Kim Sơn phá kỷ lục quốc gia ở chung kết bơi 400 m tự do nam
Thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018
Ngày 21/8
HCB: Phạm Quốc Khánh (wushu), Trịnh Văn Vinh (cử tạ)
HCĐ: Dương Thúy Vi (wushu)
Ngày 20/8
HCĐ: Nguyễn Huy Hoàng (môn bơi, nội dung 800 m tự do nam)
HCB: Thạch Kim Tuấn (môn cử tạ, hạng cân 56 kg)
Ngày 19/8
HCĐ: taekwondo (nội dung quyền đồng đội nam), bắn súng (10 m súng ngắn hơi hỗn hợp nam nữ).
Olympic Việt Nam gặp Olympic Bahrain ở vòng 16 đội ASIAD
Lượt trận cuối vòng bảng bóng đá nam ASIAD chứng kiến nhiều bất ngờ, đặc biệt là ở hai bảng F và bảng E.
Ở bảng E, Olympic Bahrain đứng ở vị trí thứ tư trước khi bước vào trận đấu với Olympic Malaysia. Bằng tinh thần quả cảm và quyết tâm cao độ, đội bóng của HLV Chammam Samir giành thắng lợi chung cuộc 3-2, qua đó lách qua khe cửa hẹp để hẹn Olympic Việt Nam ở vòng 16 đội.
Môn bơi: Chỉ về thứ bảy trong 8 vận động viên tham dự, nhưng Nguyễn Hữu Kim Sơn gây ấn tượng khi phá kỷ lục quốc gia nội dung 400 m tự do nam với thành tích 3 phút 51 giây 67, trong khi kỷ lục cũ thuộc về Nguyễn Huy Hoàng với thời gian 3 phút 51 giây 78.
Nguyễn Hữu Kim Sơn là vận động viên bơi cuối cùng của Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ngày thi đấu thứ ba tại ASIAD 2018.
Môn bơi: Ở chung kết 400 m tự do nam, Kim Sơn về thứ bảy với thời gian 3 phút 51 giây 67. Trong khi, kình ngư Sun Yang của Trung Quốc giành HCV khi có thành tích 3 phút 42 giây 92.
Môn bơi: Danh sách 8 vận động viên tham dự chung kết 400 m tự do nam, trong đó có Nguyễn Hữu Kim Sơn.
Môn bơi: Các đối thủ của Ánh Viên ăn mừng chiến thắng ở nội dung 400 m hỗn hợp nữ trước phóng viên và người hâm mộ có mặt tại cung thể thao dưới nước GBK. Trong đó, VĐV Ohashi Yui của Nhật Bản giành HCV với thành tích 4 phút 34 giây 58. Ảnh: Minh Chiến (từ Indonesia).
Ánh Viên không đạt được mục tiêu mang huy chương về cho Đoàn thể thao Việt Nam ở nội dung 400 m hỗn hợp nữ. Đây là điều đáng tiếc đối với "tiểu tiên cá" của Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến (từ Indonesia).
Môn bơi: Kình ngư Ánh Viên không thể giành huy chương ở nội dung 400 m hỗn hợp nữ khi về thứ năm với thành tích 4 phút 42 giây 81.
Môn bơi: Danh sách 8 vận động viên thi chung kết 400 m bơi hỗn hợp nữ, trong đó có Ánh Viên.
Môn bơi:
Ánh Viên được kỳ vọng mang về huy chương cho Đoàn thể thao Việt Nam khi bước vào thi chung kết 400 m hỗn hợp nữ diễn ra lúc 18h15. Ánh Viên xuất phát ở làn bơi số 6 tại cung thể thao dưới nước GBK.
Bóng đá nữ:
Tuyền Việt Nam gồng mình nhận cơn mưa 7 bàn thua trước đối thủ mạnh Nhật Bản. Tanaka Mina, Yulka Sugasawa lập hai "cú đúp" cùng các pha lập công của Masuya Rika, Emi Nakajima, Momiki Yuka ghi bàn cho đội bóng xứ sở Mặt trời mọc ở trận cầu mà đôi bên đều đã giành quyền đi tiếp.
Sớm có mặt ở tứ kết sau trận thắng Thái Lan, HLV Mai Đức Chung đã "cất" khá nhiều trụ cột, trong đó thủ môn dự bị Kim Thanh được bắt chính trận này. Điều này lý giải cho việc tuyển Việt Nam dễ dàng thua đội bóng từng vô địch thế giới với tỉ số đậm. Tuyền Việt Nam xếp nhì bảng C, nhiều khả năng sẽ đụng độ đội đứng nhì bảng A là Đài Loan TQ.
Cử tạ:
Cuộc đua ở hạng 62kg nam chỉ nóng lên kể từ khi lực sĩ chủ nhà Eko Yuli Irawan vào cuộc muộn nhất nhưng lại thực hiện động tác giật với khối lượng tạ cao nhất 137kg. Eko tiếp tục nâng tạ lên 141 kg và tiếp tục thành công, như một lời cảnh báo đến mọi đối thủ. Ở động tác giật, hai lực sĩ Việt Nam là Trịnh Văn Vinh và Đinh Xuân Hoàng chỉ dừng lại ở mức 133 và 129kg.
Chuyển sang động tác cử đẩy, Văn Vinh lần lượt thực hiện thành công hai mức tạ 162 rồi 166kg, gần như cầm chắc tấm HCB. Chỉ tiếc là Eko Yuli Irawan lại tỏ ra quá vượt trội khi thành công ở mức tạ 170kg, nâng mức tổng cử lên con số 311kg. Trịnh Văn Vinh quyết định "tố" tạ lên 179kg nhưng không thành công, lại để tạ rơi trúng gối chấn thương khá nặng.
Như vậy, cả hai niềm hy vọng của cử tạ nam Việt Nam là Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh chỉ giành được HCB.
Wushu:
Hai giờ sau Dương Thuý Vi, võ sĩ Phạm Quốc Khánh ra sàn đấu môn Nam côn với quyết tâm chinh phục "vàng". Chỉ tiếc là với tổng điểm 9,71 cho hai nội dung Nam quyền-Nam côn, Quốc Khánh chỉ về nhì sau Huang Jun-hua (Macau TQ), người có điểm số 9,73.
Li Jing-de (Trung Quốc), người xếp nhất Nam quyền với số điểm cực cao 9,75 bất ngờ rớt phong độ, rơi xuống vị trí 16 chung cuộc với tổng điểm... 9,39!
Đồng đội Cao Khắc Đạt với 9,70 điểm chỉ giành hạng 5 chung cuộc cũng ở nội dung này. Như vậy, wushu đã mang về 1 HCB, 1 HCĐ cho đoàn TTVN sau ba ngày tranh tài.
Chỉ giành được tổng điểm 9,70 cho hai môn Thương thuật và Kiếm thuật, đương kim vô địch Á vận hội 2014 Dương Thuý Vi chính thức mất ngôi, chỉ giành được tấm HCĐ ASIAD 2018. Xếp trên cô ở bục nhận huy chương là hai võ sĩ Guo Meng-jiao (Trung Quốc, 9,74 điểm) và Kiani Ziahra (Iran, 9,71 điểm).
Đây là tấm HCĐ thứ tư của của các tuyển thủ Việt Nam tại Asian Games 2018 và với 5 huy chương các loại, đoàn TTVN tạm xếp vị trí thứ 15 đồng hạng với Hong Kong TQ (0 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ) tính đến 11 giờ ngày 21-8.
Bóng chuyền nữ:
Sau trận thua mở màn 0-3 trước đối thủ mạnh Trung Quốc, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã có chiến thắng như dự báo trước Ấn Độ, cũng trong ba ván trắng (25-18, 25-22, 25-13).
Tại bảng B, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt còn đối đầu với hạt giống số 1 của giải Hàn Quốc, hạt giống số 5 Đài Bắc-Trung Hoa và Kazakhstan để tranh vé vào vòng sau.
Bắn súng:
Khởi đầu tương đối suôn sẻ với những loạt bắn đạt 97 hay 98 điểm, thế nhưng ở hai loạt đạn thứ tư và năm, Hoàng Xuân Vinh chỉ đạt 96 rồi 94 điểm. Dù "gỡ" lại 97 điểm ở loạt bắn cuối, Xuân Vinh cũng chỉ có thể giành tồng điểm 579 sau 6 loạt bắn, chính thức bị loại.
Cùng có được 579 điểm nhưng xạ thủ Hàn Quốc Lee Daem-yung vẫn được nhận vị trí thứ 8 và suất cuối cùng vào tranh chung kết. Một khởi đầu thất vọng đối với Hoàng Xuân Vinh khi anh quyết chí tìm "vàng" ở ASIAD sau lần thành công ở Olympic Rio cách đây 2 năm. Nỗi buồn càng chất chứa khi anh chứng kiến các hảo thủ quen thuộc như cựu vô địch London 2012 Jin Jong-goh (Hàn Quốc), Wu Jia-yu, Wang Meng-yi (Trung Quốc)... nối bước nhau vào chung kết!
Đồng đội Trần Quốc Cường chỉ đạt 574 điểm, xếp hạng 14 và cũng phải dừng chân từ vòng loại nội dung này.
Bơi:
Nguyễn Thị Ánh Viên về nhì đợt đấu loại đầu tiên cự ly 400m hỗn hợp nữ và thành tích 4 phút 47 giây 56 đưa cô vào đợt thi chung kết vào buổi chiều. Xếp trên Ánh Viên là hai VĐV Nhật Bản Yui Ohashi (4 phút 42 giây 11), Shimizu Sakiko (4 phút 45 giây 88) và tay bơi Trung Quốc Zhou Min (4 phút 42 giây 83).
Ngô Đình Chuyền dừng chân ở vòng loại 50m tự do nam với thành tích 24 giây 49.
Phạm Thành Bảo ở cự ly 200m ếch nam đạt thành tích 2 phút 16 giây 51, xếp hạng 9 và được trao suất dự bị cho đợt thi chung kết vào chiều tối nay.
Ở đường bơi 100m bướm, nhà vô địch SEA Games Lê Thị Mỹ Thảo chỉ đạt thành tích 1 phút 01 giây 26, phải nhường cả suất dự bị thi chung kết cho một tay bơi Đông Nam Á khác là Alkhaldi Jasmine (Philippines, 1 phút 01 giây 04 )!
Nguyễn Hữu Kim Sơn giành quyền vào chung kết 400m tự do nam với thành tích 3 phút 54 giây 01.
Nhận định chung các nội dung thi đấu trong ngày:
Từng giành 2 HCĐ ở các nội dung 200m ngửa và 400m hỗn hợp tại ASIAD Incheon 2014, sau 4 năm tập luyện và thi đấu thử sức trên nhiều đấu trường, đây có lẽ là thời điểm để Nguyễn Thị Ánh Viên đổi màu những tấm huy chương cho bơi lội Việt Nam.
Xen kẽ giữa Incheon 2014 và Indonesia 2018, Ánh Viên đã toả sáng ở hai kỳ SEA Games lẫn Đại hội Võ thuật và thể thao trong nhà châu Á (AIMAG 5) với những thành tích đáng ghi nhận. Đó là kết quả của những chuyến tập huấn xa nhà nối tiếp nhau hàng năm trời và Ánh Viên đã thực sự tự tin nghĩ đến việc chinh phục đấu trường lớn châu lục.
Không dàn trải số nội dung tranh tài, Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn thống nhất sẽ chỉ thi đấu đúng 2 cự ly thế mạnh 200m hỗn hợp và 400m hỗn hợp. "Nhật Bản chứ không phải Singapore mới là đối thủ lớn nhất của tôi ở đường đua châu lục", Ánh Viên nhận định trước giờ lên đường và thực tế cho thấy thách thức sẽ đến với cô kình ngư số 1 Việt Nam ngay ở đợt thi đấu đầu tiên nội dung 400m hỗn hợp từ các kình ngư xứ sở Mặt trời mọc.
Đó là Shimizu Sakiko với mức thành tích đăng ký chỉ kém Ánh Viên chưa đầy nửa giây (4 phút 37 giây 37 và 4 phút 36 giây 68), hay ở đợt vòng loại thứ nhì, Ohashi Yui với 4 phút 30 giây 82 cũng như Kim Seo-yeong (Hàn Quốc) có thành tích đăng ký 4 phút 36 giây 83… đều là những đối thủ đáng gờm với Ánh Viên.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng có những kỷ niệm khó quên ở ASIAD, nơi cách đây 8 năm, anh từng để vuột mất tấm HCV trong nuối tiếc khi bắn hỏng loạt quyết định ở nội dung 25 m súng ngắn ổ quay tại kỳ đại hội diễn ra ở Quảng Châu - Trung Quốc hồi năm 2010. Mới nhất, việc chỉ giành được tấm HCB nội dung súng ngắn 10 m hơi nam sở trường tại SEA Games 29 càng hun đúc thêm quyết tâm của nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh tại sân chơi châu lục.
Cùng tranh tài ở nội dung10m súng ngắn hơi nam với Xuân Vinh từ 9 giờ sáng nay tại xạ trường Palembang là những hảo thủ từng thành danh ở Olympic như cựu vô địch London 2012 Jin Jong-goh (Hàn Quốc), Wu Jia-yu, Wang Meng-yi (Trung Quốc), Gai Bin (Singapore)… Người hâm mộ sẽ lại dõi mắt trông theo từng phát bắn của Xuân Vinh như khi anh tranh tài ở kỳ Olympic Rio cách đây hai năm.
Cử tạ với Trịnh Văn Vinh ở hạng cân 62 kg nam hay Dương Thúy Vi, Phạm Quốc Khánh ở các nội dung chung kết môn Wushu có tạo được kỳ tích, ít nhất cũng giúp "cô gái vàng" Dương Thúy Vi bảo vệ được ngôi vô địch giành được 2 năm trước?
Theo Nhóm PV (Tri Thức Trực Tuyến)