"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, 'Mùng một tết cha, mùng 3 Tết thầy' và điều này đã cho thấy tầm quan trọng của người thầy chỉ đứng sau cha mẹ. Như ca dao cũng có câu "Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".
Đạo lý kính trọng thầy cô vẫn tồn tại cho đến ngày nay, không chỉ trong học thuật mà còn trong cả những lĩnh vực khác như thể thao, cụ thể đây là bóng đá. Các đời HLV đội tuyển Việt Nam đều được các cầu thủ gọi là 'thầy', vừa tôn nghiêm vừa gần gũi. Ở phương Tây, ý niệm này không rõ ràng khi HLV và cầu thủ thường có mối quan hệ công việc đơn thuần, cùng hợp tác để hướng đến mục tiêu chung.
Những tháng cuối năm 2017, HLV Park Hang-seo chính thức ra mắt đội tuyển Việt Nam. Hàn Quốc là một quốc gia đồng văn với Việt Nam, cùng đón Tết âm lịch. Do đó, tình thầy trò đến một cách tự nhiên ngay từ những ngày đầu: Ông Park trông giống một thầy giáo mà họ đã từng gặp gỡ trong suốt cuộc đời.
Sau thất bại trong trận chung kết U23 châu Á 2018, HLV Park Hang-seo động viên các cầu thủ trẻ bằng câu nói: “Tại sao chúng ta lại phải cúi đầu, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình mà”. Trong bóng đá chuyên nghiệp, không thiếu những cách 'làm tâm lý' với các cầu thủ. Nhưng với phần đông người hâm mộ Việt Nam, những lời nói và gương mặt dễ mến ấy của HLV Park Hang-seo mang đến liên tưởng về cảnh một người thầy giáo già vẫn cặm cụi cho sự nghiệp 'trồng người'. Trên mạng xã hội, người ta cũng thân thương gọi ông Park Hang-seo là 'thầy Park'.
Từng có ý kiến cho rằng, việc gọi HLV là 'thầy' sẽ khiến các cầu thủ lép vế trong quan hệ khi làm việc, do sợ bị mang tiếng 'phản thầy'. Nhưng lập luận ấy không hẳn là chính xác, khi cầu thủ Việt Nam cũng rất sẵn sàng đấu tranh với HLV để đòi quyền lợi chính đáng. HLV Đặng Trần Chỉnh từng phát biểu, "ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ nắm 3 chân". Cầu thủ Việt Nam gọi HLV Park Hang-seo là thầy, cùng sự kính trọng to lớn, tất cả đến từ tình cảm thật sự giữa đôi bên, và bản thân nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng cho thấy mình hoàn toàn xứng đáng với chữ 'thầy', về cả chuyên môn lẫn nhân cách.
Trong suốt 5 năm đồng hành cùng bóng đá Việt Nam, người hâm mộ đã quá quen với hình ảnh HLV Park Hang-seo bật ra khỏi ghế, tranh cãi với trọng tài khi các học trò bị phạm lỗi. Gần đây nhất, Văn Hậu bị truyền thông và mạng xã hội 'tấn công', tố cầu thủ này thi đấu bạo lực ở AFF Cup 2022. Chính HLV Park Hang-seo đã bảo vệ Văn Hậu trong các buổi họp báo.
Ông thân thiết, yêu chiều cầu thủ đến mức con trai ông đã gọi Tiến Linh là 'Park Tiến Linh', đùa rằng tiền đạo sinh năm 1997 được xem như một thành viên gia đình ông Park. Những hình ảnh HLV Park Hang-seo vuốt má, âu yếm các học trò cũng xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội. Ông Park nhận được sự tôn trọng tuyệt đối của các học trò từ những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt, gần gũi nhất.
Trường hợp của cựu tiền đạo Nguyễn Anh Đức đặc biệt hơn. Anh từng tỏa sáng ở Asiad 2018 và cũng là nhân tố chính giúp đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup cuối năm đó dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo.
Sau khi giải nghệ, Anh Đức theo đuổi công việc HLV. Và HLV Park Hang-seo tiếp tục là người thầy dẫn dắt, chỉ bảo Anh Đức những kinh nghiệm đầu tiên trên cương vị mới. Ông cũng tạo điều kiện để Anh Đức tham gia vào thành phần ban huấn luyện tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022, giải đấu cuối cùng của chiến lược gia người Hàn Quốc.
Nhưng đội tuyển Việt Nam không chỉ có một người thầy, cũng như cuộc đời mỗi người cũng sẽ có rất nhiều người thầy dạy dỗ, bảo ban. Nếu HLV Park Hang-seo là một người thầy quyết đoán, quán xuyến mọi việc như một vị giáo viên chủ nhiệm thì trợ lý Lee Young-jin lại nhẹ nhàng hơn, nắm bắt đầy đủ những tâm tư tình cảm.
Trước khi chia tay bóng đá Việt Nam, trợ lý Lee Young-jin khiến nhiều người xúc động vì những lời nhắn nhủ đến các học trò. “Tôi nghĩ tôi sẽ nhớ các cầu thủ nhất khi rời Việt Nam. Khi phải rời xa các cầu thủ mà tôi đã gắn bó 5 năm, tôi vừa buồn vừa nuối tiếc và cũng khá lo lắng.
Tôi lo lắng khi không có tôi ở đây, các cầu thủ có gặp chuyện gì không và giải quyết như thế nào. Hi vọng sẽ không ai bị thương. Tôi mong rằng các học trò sẽ phát triển hơn nữa”.
Trợ lý Lee thường được bắt gặp cầm một cuốn sổ ngồi cạnh các cầu thủ. Ông luôn ghi chép lại những mong muốn, suy nghĩ của cầu thủ để giúp họ cải thiện điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Với kinh nghiệm của một cựu cầu thủ từng dự 2 kỳ World Cup, những điều ông truyền lại với thế hệ cầu thủ Việt Nam là rất đáng trân trọng.
Ngoài ra, còn là rất nhiều trợ lý người Việt Nam và người Hàn Quốc đã đóng góp vào thành công chung của bóng đá Việt Nam cũng như sự phát triển của các cầu thủ. Họ đều xứng đáng với một lời tri ân, vì "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". 'Huấn luyện viên' là tên gọi riêng cho những người thầy cô giáo trong thể thao. Nhưng từ 'thầy' với ý nghĩa thân thương và sự tôn trọng cao nhất sẽ vẫn là điều rất riêng của thể thao Việt Nam.
Theo Mạnh Tùng (Tiền Phong)