Năm 1998, HLV Alfred Riedl dẫn dắt tuyển Việt Nam đến chung kết Tiger Cup (tiền thân AFF Cup). Tuyển Việt Nam thua Singapore 0-1 đầy tiếc nuối. Đây được xem là mốc thành công đầu tiên của tuyển Việt Nam, trong đó có chiến thắng Thái Lan 3-0 ở bán kết. Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Việt Hoàng, Đức Thắng, Quang Hà, Công Minh… là thế hệ cầu thủ in sâu trong trái tim người hâm mộ.
Trước khi có HLV Alfred Riedl, tuyển Việt Nam từng được dẫn dắt bởi ba HLV ngoại gồm HLV Tavares (Brazil), Weigang (Đức), Colin Murphy (Anh). Vòng lẩn quẩn về việc chọn HLV ngoại cho tuyển Việt Nam xoay liên tục thêm 5 lần, trong đó có những người lặp đi lặp lại gồm HLV Tavares, Alfred Riedl, Calisto. Tổng cộng có 8 lần thay tướng gồm tạm quyền và chính thức trong 10 năm.
HLV Calisto được bổ nhiệm lần thứ 2 vào tháng 6/2008. Liên đoàn bóng đá Việt Nam được bầu Thắng (ông chủ CLB Đồng Tâm Long An) đồng ý để HLV người Bồ Đào Nha dẫn dắt tuyển Việt Nam và lần đầu tiên vô địch AFF Cup 2008.
Trong hành trình vô địch AFF Cup 2008, HLV Calisto từng đối diện với nhiều sự nghi ngờ về khả năng thành công. Chúng ta có một thế hệ cầu thủ xuất sắc gồm Công Vinh, Việt Thắng, Tài Em, Quang Thanh, Như Thành, Phước Tứ, Minh Phương, Dương Hồng Sơn, Vũ Phong…
Tuy nhiên, câu chuyện 10 năm tái diễn với việc 8 lần thay tướng và đội tuyển Việt Nam rơi vào cảnh bết bát thành tích, mất niềm tin với người hâm mộ cả nước. Có ba đời HLV ngoại sau cuộc chia tay của ông Calisto gồm Falko Goetz (Đức), Toshiya Miura (Nhật Bản) và HLV Park Hang Seo (Hàn Quốc).
Tháng 10 năm 2017, HLV Park Hang Seo chính thức trở thành tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Ông Park được bầu Đức kết nối từ việc liên hệ đến đàm phán và ký 2 năm đầu tiên với tiền lương do ông chủ HAGL trả thay VFF. Dù đến Việt Nam trong sự hoài nghi của dư luận nhưng ông Park gắn bó đến 5 năm và tạo ra vô số thành công. Đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang Seo cũng nhận được sự tín nhiệm cao nhất về tình yêu của người hâm mộ. Chu kỳ thành công được kéo dài nhất nếu xét theo sự tiến bộ lẫn các cột mốc sau chức vô địch AFF Cup 2018. Tuyển Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2019, vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Nhìn từ các cột mốc năm 1998, 2008, 2018 có thể thấy đội tuyển Việt Nam gắn với chu kỳ 10 năm để mở ra một giai đoạn thành công. Giả sử chọn năm 2028 làm chu kỳ kế tiếp ba mốc kể trên thì bóng đá Việt Nam đã rút ngắn được 5 năm trong việc thay tướng. Nhưng tuyển Việt Nam đã không thể vô địch trong hai kỳ AFF Cup tiếp theo (2020 và 2022), tức chưa có thêm danh hiệu sau AFF Cup 2018.
Một vấn đề khác có thể nhận thấy là lứa Công Phượng, Quang Hải bắt đầu chạm đỉnh phong độ. Nhiều cầu thủ giỏi từng dính chấn thương nặng sau AFF Cup 2018 như Văn Thanh, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Đức, Văn Hậu, Xuân Trường… Điều đó có nghĩa bóng đá Việt Nam sắp bước qua đỉnh cao với thế hệ vàng thời HLV Park Hang Seo.
Trong bối cảnh nhìn rõ được trình độ so với tuyển Thái Lan và Indonesia tiến bộ dưới thời HLV Shin Tae Yong, đội tuyển Việt Nam cần một làn gió mới để hướng đến thành công mới. Việc chọn được một HLV giỏi và phù hợp sau cuộc chia tay với HLV Park Hang Seo là bài toán lớn của bóng đá Việt Nam trong năm 2023.
Những cột mốc lịch sử đã cho thấy trường hợp không tìm được người thích hợp thay ông Park thì bóng đá Việt Nam dễ rơi vào vòng xoáy thay tướng. Hệ luỵ kéo theo là đội tuyển Việt Nam sa sút về thành tích lẫn chỉ số niềm tin. Hy vọng rằng chúng ta sẽ tránh được vết xe đổ quá khứ.
Theo Văn Nhân (Saostar.vn)