Thể lực kém là lý do chính khiến tuyển VN thua trắng 0-5 trước tuyển Thái Lan ở vòng 2 Davis Cup 2016 - nhóm II khu vực châu Á - Thái Bình Dương kết thúc tại Nonthaburi (Thái Lan) ngày 17-7.
Nhân viên y tế chăm sóc cho Hoàng Thiên sau trận đấu với Pruchya Isarow. Ảnh: LTAT |
Trước giờ thi đấu, giới chuyên môn đánh giá Thái Lan chỉ nhỉnh hơn VN nhờ có đôi hạng 112 thế giới Sanchai Ratiwatana/Sonchat Ratiwatana. Ở các trận đơn, tuyển Thái Lan có hai VĐV khá đều (Pruchya Isarow hạng 904 thế giới và Kittiphong Wachiramanowong hạng 933 thế giới) nhưng Lý Hoàng Nam (hạng 870 thế giới) mới là người có thứ hạng ATP cao nhất trong thành phần hai đội.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng đoàn tuyển VN tại Thái Lan Đoàn Quốc Cường cho biết: “Hai VĐV đánh đơn của Thái Lan khá ngang tầm Hoàng Nam và Hoàng Thiên. Tôi rất tiếc vì nếu đánh đúng sức, một mình Hoàng Nam có thể mang về một hoặc hai trận thắng đơn cho VN”. Trận đầu tiên, Hoàng Nam thắng ván đầu 6-3 trước Kittiphong Wachiramanowong nhưng sau đó phải bỏ cuộc ở ván thứ ba vì vọp bẻ. Ông Cường cho biết: “Hoàng Nam đuối sức và bị vọp bẻ nên bỏ cuộc vì các trận đấu Davis Cup đánh theo thể thức 5 ván thắng 3. Đêm trước ngày thi đấu, Hoàng Nam bị mất ngủ, có thể vì quá căng thẳng”.
Ở trận đơn thứ hai, Hoàng Thiên cũng thắng ván đầu tiên trước Pruchya Isarow nhưng đuối sức nên thua lại 1-3. Suốt trận, Hoàng Thiên nhiều lần phải đi cà nhắc và đi lùi để tránh bị vọp bẻ. Đến trận đôi diễn ra một ngày sau đó, đôi Hoàng Thiên/Hoàng Nam thua tiếp 0-3 ở trận gặp đôi Sanchai/Sonchat. Trong hai trận đơn cuối chỉ còn mang tính thủ tục diễn ra hôm qua (17-7), đội trưởng Trương Quốc Bảo đã tung hai tay vợt trẻ Phạm Minh Tuấn và Nguyễn Đắc Tiến vào sân học hỏi kinh nghiệm. Và cả hai cũng không tránh khỏi thất bại khiến VN thua trắng Thái Lan 0-5.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt VN (VTF) - nói: “Tôi khá bất ngờ khi ngay cả Hoàng Nam cũng đuối thể lực. Thất bại lần này giúp đánh giá lại quần vợt VN. Rõ ràng chúng ta thiếu những HLV thể lực, một yếu tố cực kỳ quan trọng của quần vợt chuyên nghiệp nhưng lại chưa được quan tâm ở VN”. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, năm ngoái VTF có thuê chuyên gia thể lực người Hà Lan Mark sang huấn luyện một thời gian và đa số VĐV VN đều bị đuối sức trước những bài tập rất bình thường ở châu Âu. Nhưng sau đó VTF không thể giữ ông Mark ở lại vì nhiều ý kiến phản đối mức lương 2.000 USD/tháng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết thêm: “Chúng ta cứ chăm bẳm đào tạo VĐV các mảng miếng kỹ - chiến thuật nhưng lại thiếu tập thể lực bổ trợ. Đó là bài toán chúng ta chưa có lời giải bởi không có sức thì không thắng được ai. Vì thế, VTF đã chỉ đạo ban chuyên môn tính toán lại chuyện này từ khâu đào tạo VĐV trẻ. Ở cấp đội tuyển, từ bây giờ trở đi cứ mỗi quý (3 tháng) đội tuyển sẽ tập trung một lần, ít nhất 15 ngày, để VTF thuê chuyên gia thể lực nước ngoài kèm và phổ biến những bài tập tốt nhất. Sau đó, VĐV sẽ được trả về CLB tự tập luyện tiếp”.
Theo Tấn Phúc (Tuổi trẻ)