Hôm nay (23/9) là ngày kỷ niệm 68 năm kể từ ngày cái tên Thể Công ra đời. Theo nhiều nguồn tin, rất có thể từ mùa giải 2023 trở đi, CLB Viettel sẽ trở lại với cái tên Thể Công.
Theo đó, đội Viettel sẽ mang tên Thể Công Viettel để tham dự các giải trong nước kể từ mùa giải năm tới. Thông tin này cũng đã được những người có trách nhiệm của CLB Viettel khẳng định và chỉ chờ quyết định chính thức của lãnh đạo cấp cao.
Trước đó, Hội thảo về việc lấy lại tên Thể Công cho Viettel đã được tổ chức vào tháng Tư vừa qua, với sự tham dự của những người có liên quan.
Trong quá khứ, cái tên Thể Công Viettel đã từng được sử dụng ở mùa giải 2005 khi đội bóng này xuống chơi ở giải hạng Nhất. Ở mùa giải ngay sau đó V-League 2006, Thể Công Viettel lên hạng là đổi lại tên thành Thể Công. Tuy vậy, đến ngày 22/9/2009, Thể Công được đổi tên thành Viettel.
Sau đó không lâu, các đội của Viettel lần lượt được bàn giao cho Thanh Hóa và Hà Nội T&T. Kể từ đó, một đội bóng kế thừa được Trung tâm thể thao Viettel gây dựng lại từ đầu. Cũng bởi thế mà lâu nay CLB Viettel được gọi với danh xưng “Hậu duệ Thể Công”.
Kể từ khi góp mặt ở V.League, Viettel đã giành một chức vô địch vào năm 2020 và hiện vẫn là đội bóng lớn của V.League.
Thành công của Viettel là nhờ tiềm lực tài chính tốt để mua sắm hàng loạt cầu thủ giỏi như Nguyên Mạnh, Trọng Hoàng, Ngọc Hải… Đặc biệt, Viettel chú trọng đến công tác đào tạo trẻ trong hơn chục năm qua và đã giới thiệu được nhiều gương mặt có chất lượng cho bóng đá Việt Nam như Hoàng Đức, Đức Chiến, Tiến Dũng…
Thể Công là tên viết tắt của cụm từ "Thể dục thể thao công tác đội" - đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội, được thành lập ngày 23/9/1954 theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh.
Cầu thủ Thể Công trong thời chiến còn là những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, dân vận. Những trận bóng của Thể Công lúc bấy giờ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người hâm mộ cả nước mỗi dịp cuối tuần.
Giai đoạn 1955 -1979, Thể Công đã 13 lần vô địch giải hạng A Việt Nam. Giai đoạn 1981-1998 Thể Công 5 lần vô địch giải A1 toàn quốc.
Trên trường quốc tế, đội bóng đại diện Việt Nam trở thành niềm tự hào với những chiến thắng vẻ vang.
Chiến thắng 4-1 trước Bát Nhất (đội bóng mạnh nhất Trung Quốc lúc đó) trên sân Công Nhân Trung Quốc vào 24/8/1974 trước 100 nghìn người xem Bắc Kinh được coi là trận đấu hay nhất lịch sử Thể Công.
Trong những giai thoại về Thể Công, có thể nói chiến thắng 3-2 trước đội Cuba trên sân Hàng Đẫy năm 1970 dưới sự chứng kiến của hàng vạn khán giả và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những kỷ niệm oanh liệt nhất.
Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)