Bóng đá là bộ môn thể thao vua, được hàng triệu người trên thế giới phát cuồng. Để có được những giây phút huy hoàng trên sân cỏ, nhiều người đã phải nỗ lực rất lớn để luyện tập mỗi ngày. Những chấn thương xảy ra khi tập luyện hay tham gia thi đấu là điều khó có thể tránh.
Mới đây, một trận đấu giữa Flamengo và Corinthians tại Brazil khiến cho mọi người không khỏi bàng hoàng khi trung vệ Gustavo Henrique phải rời sân giữa trận vì bị vỡ tinh hoàn. Nhìn cảnh tượng vùng kín của trung vệ người Brazil đầy máu, cổ động viên và khán giả không khỏi rợn người.
Dù chưa biết hậu quả cuối cùng về chấn thương này, nhưng ít nhiều tai nạn này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chàng cầu thủ 27 tuổi.
Trong lịch sử bóng đá từ trước đến nay, không thiếu những trường hợp tai nạn liên quan đến vùng kín. Những ngôi sao nổi tiếng trong làng bóng đá từng bị tai nạn như thế này phải kể đến Marin Galic (22 tuổi) của câu lạc bộ Zrinjski Mostar bị đá vào hạ bộ trong lúc đang tranh bóng, anh buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn. Hay trường hợp khác phải kể đến Bale phải chịu đau đớn, khi bị trung vệ Jeison Murillo đá vào phần nhạy cảm trong trận đấu giữa Real và Granada ở vòng 21 La Liga.
Hoặc gần hơn thì là trường hợp cầu thủ Công Phượng của đội tuyển Việt Nam bị đá trúng "chỗ hiểm" trong một lần gặp gỡ đội tuyển Thái Lan.
Nếu là một người yêu thích thể thao, có lẽ bạn sẽ hiểu được cảm giác đau đớn như thế nào, khi chỗ hiểm của mình không may bị va đập.
Chấn thương tinh hoàn nguy hiểm như thế nào?
Theo thống kê, 50% chấn thương hạ bộ ở nam giới là do chơi thể thao hoặc võ thuật. Tinh hoàn bị va đập mạnh thường là bởi lực đá hoặc một số dụng cụ như trái banh. Chấn thương như vậy nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng tụ máu bầm, càng để lâu càng dễ bị hoại tử tinh hoàn.
Ở đàn ông, cơ quan dễ bị tổn thương nhất chính là tinh hoàn. Đây là cơ quan sản sinh ra tinh trùng và hormone nam tính. Thế nên, chỉ cần một va chạm nhỏ cũng đủ khiến cho đàn ông đau đớn.
Theo một chuyên gia về sức khỏe nam giới thì đàn ông khi bị đá trúng hay tác động mạnh, những sợi dây thần kinh dày đặc ở tinh hoàn sẽ truyền tín hiệu về hệ thần kinh tự chủ, làm cho ruột quặn thắt, nín thở, khiến nạn nhân có cảm giác như 'mắc nghẹn' ngay cổ họng. Từ đó, dân gian mới có câu "trứng chạy lên cổ" chứ thực chất, tinh hoàn chẳng thể chạy đi xa thế, cao nhất chúng chỉ có thể dịch chuyển lên xuống chừng 5cm mà thôi.
Dấu hiệu dễ nhận biết khi bệnh nhân bị chấn thương tinh hoàn đó là đau đớn đến mức tím tái, cổ họng như bị mắc nghẹn, có thể ngất xỉu. Phần bìu đau nhức dữ dội, có thể xuất hiện những vết đốm đỏ do tụ huyết.
Chấn thương tinh hoàn là một tình trạng rất nguy hiểm, cần khẩn trương cấp cứu ngay. Đối với những chấn thương mạnh, khu vực bìu bị tụ máu nghiêm trọng, lan rộng, tinh hoàn có thể bị dập nát. Với trường hợp nặng hơn, vùng bìu bị dập sâu, có vết rách, vùng tụ máu lan rộng, đội ngũ chuyên gia y tế sẽ tiến hành phẩu thuật khẩn cấp cho nạn nhân, khử trùng vết thương (nếu có nhiễm trùng) để tránh hoại tử, phải cắt bỏ tinh hoàn.
Trong một số trường hợp bệnh nhân bị chấn thương nhẹ, vùng máu bầm ở hạ bộ ít, không lan rộng, cơn đau giảm dần, chỉ cần nghỉ ngơi, cố định bìu bằng băng, uống thuốc giảm đau là có thể thuyên giảm.
Theo Phan Hằng (Pháp luật & Bạn đọc)