Super League có thể là giải pháp cho bóng đá châu Âu

10/02/2023 07:07:24

Sau một thời gian “chết lâm sàng”, European Super League (ESL) đã sẵn sàng tái xuất với diện mạo mới. Không như trước, lần này nó có thể mang tới giải pháp cho bóng đá châu Âu.

A22 Sports Management là công ty được lập ra để thực thi dự án European Super League (ESL), cố gắng biến siêu giải đấu từng bị chỉ trích hồi tháng 4/2021 thành hiện thực. Hơn 4 tháng qua, A22 đã tham khảo ý kiến của gần 50 CLB hàng đầu châu Âu, sau đó phát triển 10 nguyên tắc làm nền tảng cho diện mạo mới của ESL.

Super League có thể là giải pháp cho bóng đá châu Âu
Các CLB châu Âu đang góp phần tạo nên một siêu giải đấu mới

Theo chia sẻ mới đây của Giám đốc điều hành Bernd Reichart, ESL dự kiến có sự tham gia của 80 CLB châu Âu theo thể thức chia làm nhiều hạng đấu. Không như phiên bản cũ có 20 đội, với 15 trong số đó có suất cố định, mọi đội bóng giành quyền tham dự giải đấu trong tương lai sẽ dựa trên thành tích thể thao. ESL là một giải đấu mở. Dĩ nhiên, các giải VĐQG vẫn là cơ sở để xét duyệt.

Reichart tin rằng ESL chính là cứu tinh cho nền bóng đá châu Âu, vốn ngày càng có sự chênh lệch giàu nghèo. Như trong kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua, riêng Premier League đã chi ra 830 triệu euro để mua sắm cầu thủ, nhiều hơn các giải VĐQG Tây Ban Nha, Đức, Italia và Pháp cộng lại. Sự bành trướng này sẽ không dừng lại khi 15/20 CLB tại giải đấu hàng đầu nước Anh được sở hữu bởi các ông chủ giàu có nước ngoài. Sắp tới MU có thể được tiếp quản bởi quỹ đầu tư Qatar, càng đào sâu thêm khoảng cách của Premier League với phần còn lại của châu Âu. Sự kiện Man City bị cáo buộc vi phạm quy tắc tài chính tới 115 lần cũng cho thấy sức mạnh đồng tiền đã đè bẹp các quy định.

Dự án ESL phiên bản nâng cấp, với tối thiểu 14 trận cho mỗi CLB, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn doanh thu mới, ổn định và được dự báo trước. Ngoài ra, các quy tắc của giải đấu cũng bao gồm các biện pháp kiểm soát chi phí hiệu quả hơn so với Quy tắc công bằng tài chính (FFP) của UEFA. Các CLB chỉ được chi tiêu chuyển nhượng và trả lương cầu thủ theo một tỷ lệ cố định dựa trên doanh thu hằng năm, ngăn chặn hành động bơm tiền vô tội vạ từ túi tiền chủ sở hữu.

A22 tự tin ESL sẽ trở thành hiện thực trong hơn 2 năm tới. Và lần này, khi nó được tạo ra bởi mong muốn thay đổi vì lợi ích chung của rất nhiều CLB châu Âu, khó có lý do gì để UEFA cấm đoán.

Theo Hải Lý (Tiền Phong)