Tại Indonesia, giá vé thấp nhất để vào sân tương đương gần 4 bữa ăn. Nó quá đắt với phần lớn người hâm mộ vốn có thu nhập thấp và nghề nghiệp không ổn định. Nhưng đây không phải vấn đề lớn. Họ sẽ ở ngoài sân, la hét hoặc đập phá trong lúc chờ đợi thời khắc “jebolan”.
“Jebolan” là tiếng lóng của dân Indo, chỉ thời điểm lực lượng an ninh xả cổng cho đám đông không vé. Thường thì điều này xảy ra sau một nửa thời gian trận đấu, hoặc khi không thể ngăn làn sóng người hâm mộ liên tục tràn vào. Trường hợp hai phổ biến hơn, bởi các ultra Indonesia luôn có sẵn mối ác cảm với cảnh sát.
Vào tháng 5/2016, ở trận đấu giữa Persija Jakarta và Persela Lamongan, CĐV 16 tuổi Muhammad Fahreza cùng dòng người không vé cố lao qua cánh cổng để vào Gelora Bung Karno. Khi tan trận, anh trai của Fahreza tìm thấy em mình trong xe cấp cứu. Khi trở về nhà, tình trạng của Fahreza xấu đi trong đêm, sau đó qua đời tại bệnh viện.
Anh trai Fahreza quả quyết em mình nói rằng đã bị cảnh sát đánh. Điều này đã kích động các Jakmania, fan của Persija Jakarta. Trong trận tiếp theo, sau khi ném pháo sáng, họ tràn vào sân và tấn công cảnh sát. Một cảnh sát đen đủi rời khỏi hàng ngũ đã bị đám đông đánh đập tàn tệ. Qua vài ngày hôn mê, anh đã tỉnh lại nhưng mất vĩnh viễn mắt trái…
Tại Indonesia, Jakmania là một thế lực nổi tiếng bên cạnh Persib’s Vikings, fan của Persib Bandung. Tuy nhiên nếu nói về sự đoàn kết và khả năng tàn phá, cả hai chưa chắc đã bằng Bonek, người hâm mộ trung thành của Persebaya, CLB thành lập từ năm 1927 và mang tính biểu tượng nhất xứ vạn đảo.
Bonek xuất phát từ “bondo nekat”, cụm từ có nghĩa là “không có gì ngoài tấm lòng”. Là tập hợp những người thất nghiệp, các sinh viên nghèo và sống trong khu ổ chuột, họ đi khắp đất nước Indonesia để cổ vũ cho Persebaya mà không cần tiền. Bonek sẽ quỵt vé xe khách, chôm hoặc cướp không đồ ăn ở các quầy hàng trên phố, sau đó trèo rào, phá cổng vào sân vận động. Khi xã hội còn chưa phát triển, Bonek là nhóm CĐV đầu tiên và duy nhất ở Indonesia luôn có mặt ở những chuyến làm khách xa xôi nhất.
Andie Peci được coi là thủ lĩnh của Bonek. Anh ta có một vết sẹo lớn nơi khuỷu tay trái, chứng tích cho cuộc đụng độ bằng dao với lực lượng an ninh. Peci nói rằng nó chỉ là một trong số. Anh còn rất nhiều vết sẹo khác ở lưng và chân. Cứ mỗi vết thương mới xuất hiện, sức phản kháng của Peci cũng như các Bonek lại tăng lên gấp bội.
Bonek là một ví dụ tiêu biểu của ultra Indonesia. Họ không chỉ gây chiến với người hâm mộ đối thủ mà còn tự coi bản thân có sứ mệnh chống lại Liên đoàn bóng đá Indo (PSSI), thậm chí cả FIFA.
Mặc dù hâm mộ Persebaya, song Peci không phải một Bonek cho đến những năm 2010, CLB bị xuống hạng và không được PSSI thừa nhận (vì một đội khác nhân cơ hội Persebaya vắng mặt ở giải hạng Nhất để mạo danh). Sau đó, Peci đăng ký để trở thành một Bonek và sớm có được vị trí lãnh đạo bởi đã chiến đấu không ngừng chống lại PSSI.
Trong một quán café ở trung tâm Surabaya, Peci vừa uống café rang xay vừa ăn mấy món đồ chiên kèm ớt tươi và nói với tờ ShootFarken lý do tại sao anh ta lại được coi là ketua - thủ lĩnh. Với lịch sử lâu đời, Persebaya có hàng chục ngàn Bonek, cả chính thức lẫn tự do. Khác với các nhóm ultra được thành lập sau này, Bonek không có hình thái tổ chức và hệ thống phân cấp cụ thể. Tất cả dựa trên sự tin tưởng. Sau nhiều cuộc giao tranh, những vết sẹo trên người Peci đổi lấy niềm tin tuyệt đối từ các Bonek khác.
“Ngày nay, phương tiện truyền thông xã hội tạo ra sự kết nối tuyệt vời, và chúng tôi sử dụng chúng một cách hiệu quả. Chỉ cần một dòng tweet, tôi có thể dễ dàng huy động khoảng 10.000 Bonek sẵn sàng chiến đấu để tổ chức một cuộc biểu tình”, Peci nói.
Ví dụ năm 2016, Peci đã dẫn đầu đoàn xe khổng lồ chở các Bonek tới Jakarta, yêu cầu PSSI thừa nhận lịch sử và truyền thống của Persebaya. Không có câu trả lời thỏa đáng từ Cơ quan bóng đá quyền lực nhất xứ vạn đảo, Peci phát động chiến dịch Surabaya Membara, tức Surabaya bùng cháy. Trong trạng thái giận dữ, các Bonek đã tấn công các tòa nhà chính phủ và đụng độ lực lượng an ninh. Peci lại có thêm những vết sẹo mới.
“PSSI đánh giá quá thấp tinh thần các Bonek”, Peci nói, “Họ quên mất Surabaya có truyền thống nổi dậy lâu đời (từ thời chống thực dân Hà Lan) và chúng tôi được biết đến là Thành phố của những anh hùng, danh hiệu không nơi nào ở Indonesia có”.
Khi mối bận tâm của Bonek là PSSI, họ cũng ít có thời gian quan tâm đến người hâm mộ đối thủ. Trận derby trên đảo Đông Java là giữa Persebaya họ hâm mộ với Arema FC. Tuy nhiên các Bonek đã không tới Malang vào ngày 1/10 vừa rồi, phần vì theo quy định được Chính phủ ban hành từ năm 2006 nhằm ngăn ngừa bạo lực, người hâm mộ hai đội bị cấm đến thành phố của CLB kình địch.
Không tìm thấy fan đối địch để xả những cái đầu nóng, các Aremania, người hâm mộ Arema FC, đã ném gạch đá vào chiếc xe bọc thép chở cầu thủ Persebaya. Và khi đội nhà thua trận, Aremania trút giận lên đầu các cầu thủ, những người mà họ vừa cổ vũ trong trận đấu, sau đó đụng độ cảnh sát dẫn đến cuộc bạo loạn kinh hoàng làm 125 người chết.
Điều này một lần nữa nhấn mạnh, văn hóa bạo lực là một phần nhức nhối của bóng đá Indonesia, đồng thời quyền lực nằm trong tay các ultra. Họ có thể tấn công bất kỳ ai, vào bất cứ lúc nào. Cái cách cảnh sát trấn áp bằng vũ lực chỉ càng làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, đồng thời đào sâu sự ác cảm.
Trở lại năm 2016, sau cái chết của Fahreza, người ta tìm thấy một cuốn sổ trong đó thanh niên 16 tuổi này tự nhận mình là một “ultra”, đồng thời tô đậm dòng chữ ACAB, viết tắt của cụm từ “mọi cảnh sát đều vô lại”.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)