Bỏ lại sau lưng màn trình diễn thảm họa tại World Cup 2018, Raheem Sterling ghi bàn ngay trong trận ra quân Premier League mùa mới, kéo theo câu hỏi: Sterling về Premier League là cá gặp nước hay giải đấu này quá dễ để tỏa sáng?
Raheem Sterling chỉ mất đúng 14 phút để tạo ra cuộc tranh cãi kéo dài trong những ngày qua và có lẽ sẽ còn tiếp tục kéo dài. Đó là thời khắc tiền đạo này đi ngang khung thành Arsenal, vượt qua 2 hậu vệ rồi tung cú sút hạ gục Petr Cech. Chỉ mới là lần thứ 3 trong sự nghiệp, Sterling ghi một bàn thắng từ ngoài vòng cấm địa.
Tranh cãi bùng lên xoay quanh câu hỏi: Tại sao Sterling cùn đến vậy tại World Cup vừa qua mà ngay khi trở về Premier League đã lập tức vụt sáng? Phải chăng với Sterling, Premier League là “vùng an toàn”, còn World Cup là thách thức. Hổ về rừng thì gầm vang, nhưng xuống đồng bằng lại khúm núm, sợ sệt liệu có phải là cách ví von về trường hợp của Sterling hay không?
Một vài người hâm mộ nâng cao quan điểm còn đặt ra giả thuyết: Sterling không hết mình cho đội tuyển quốc gia, mà chỉ hết mình cho đội bóng trả anh 250.000 bảng mỗi tuần.
Tuy nhiên, những thống kê và câu chuyện lại đang chỉ ra rằng Sterling không tỏa sáng trong màu áo đội tuyển Anh có vẻ như lại là vấn đề của tuyển Anh, chứ không phải vấn đề của Sterling. Nếu ai đó cho rằng Sterling không biết cách tỏa sáng ở những sân chơi lớn, mà chỉ vùng vẫy trong vùng an toàn Premier League thì hãy xem thống kê sau.
Tại Premier League, Sterling chỉ ghi 0,25 bàn mỗi trận, trong khi đó ở sân chơi Champions League, tỷ lệ nổ súng trung bình của anh là 0,29 bàn mỗi trận. Champions League là giải đấu luôn được coi là hệ quy chiếu chính xác nhất để đánh giá đẳng cấp thật sự của một cầu thủ, và với 2 thống kê trên, rõ ràng là Sterling thậm chí còn chơi ở đấu trường lớn hay hơn cả ở Premier League. Thống kê này cũng phủ định kết luận: Premier League là vùng an toàn với Sterling.
Vậy tại sao Sterling lại chơi tệ đến vậy tại World Cup vừa qua? Câu trả lời liên quan tới chuyện “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Nhật báo The Times phân tích: “Ở Man City, Sterling được trọng dụng như một mũi nhọn trên hàng công. Anh ta được dạy phải ghi bàn ra sao, di chuyển thế nào. Trong khi đó ở đội tuyển Anh, Sterling bị ra lệnh phải tỏa sáng. Hai cảm giác này khác nhau hoàn toàn”.
Pep Guardiola yêu cầu Sterling phải biết ghi bàn, và ông đã để tiền đạo cánh này làm việc cùng trợ lý Mikel Arteta suốt 1 năm ròng rã. Theo miêu tả của Guardiola, Arteta giống như một gia sư của Sterling. Họ tập luyện cùng nhau mỗi ngày. Arteta đã nghiên cứu rất nhiều, từ thói quen của các hậu vệ cho tới cách di chuyển của một tiền đạo rồi truyền dạy hết cho Sterling.
Hai con người này tìm tới nhau vì mục đích cụ thể: Biến Sterling thành một cây săn bàn ở Man City thay vì chỉ đóng vai trò một cầu thủ quấy rối như thời đá cho Liverpool. Đây là quyết định táo bạo nhưng chính xác của Pep Guardiola. Mẫu cầu thủ nhanh, lắt nhắt như Sterling rất thích hợp với vai trò quấy rối, nhưng ông còn muốn cậu học trò của mình lợi hại hơn thế.
Buồn thay, bao nhiêu công sức và tâm huyết của Man City đã bị đội tuyển Anh đổ xuống sông xuống bể. Sterling trong màu áo "Tam sư" được sử dụng đúng tính chất của một cầu thủ phá lối chơi và quấy rối hàng thủ đối phương. Tờ Daily Mail từng viết: “Ở World Cup, mỗi khi Sterling nhận bóng, anh đều ở vào tư thế không thuận lợi và bị bao vây. Trong khi đó ở Man City, ngay đến vị trí và tư thế nhận bóng của Sterling cũng khác”.
Những thống kê, những bài phân tích trên các đầu báo lớn của Anh đã chứng minh Sterling tậm tịt tại World Cup vừa qua đơn giản là do bị sử dụng sai cách, chứ bản thân anh vẫn là một cầu thủ rất có tiềm năng. Bàn thắng vào lưới Arsenal đã chứng minh điều đó. Sterling đã bắt đầu biết ghi bàn từ những pha dứt điểm ngoài vòng cấm địa. 2018/19 hy vọng sẽ là mùa bóng rực rỡ của cầu thủ này.
Theo Kiều Phong (Tri Thức Trực Tuyến)