Trong bài viết trên trang Linkedln.com, Lahm khẳng định HLV Loew và đội ngũ lãnh đạo tuyển Đức cần áp dụng phong cách quản lý và huấn luyện nghiêm khắc hơn để “trị” các ngôi sao ngày càng trở nên ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân thay vì tập thể.
Theo Bavarian Football Works, nhiều chuyên gia bóng đá Đức, bao gồm cựu danh thủ Dietmar Hamann, nhận định tuyên bố của Lahm là nước cờ để cựu đội trưởng “Die Mannschaft” tự ứng cử mình vào một vị trí quản lý ở Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB).
Thậm chí chính Chủ tịch CLB Bayern Munich Karl-Heinz Rummenigge cho rằng Lahm cần phải đảm nhận vai trò phó chủ tịch DFB. “Tôi nghĩ Philipp là nhân sự hoàn hảo dành cho DFB, bởi cậu ấy có đủ năng lực để làm việc cho liên đoàn. Đó sẽ là một giải pháp thú vị”, Quả bóng vàng châu Âu năm 1980 và 1981 khẳng định.
Khi Loew giận học trò cũ
Ông Rummenigge thậm chí còn chỉ trích rằng trong DFB toàn là những “tay mơ” và cho rằng sự hiện diện của Lahm sẽ “đem lại cho ban lãnh đạo liên đoàn một chút chuyên nghiệp”.
Ông Loew tỏ ra không mấy hài lòng khi nghe lời khuyên của Lahm. “Tôi đã nghe nói. Tôi không nghĩ cách tư vấn như vậy là chính xác. Chúng tôi biết cách kết nối với các cầu thủ trẻ và hiểu rõ cần phải ứng dụng phong cách lãnh đạo nào”, HLV tuyển Đức tuyên bố.
“Chúng tôi đã đạt được nhiều thành công với cách thức của mình. Do đó tôi không mấy hài lòng với lời khuyên (của Lahm)”, ông Loew thẳng thừng chỉ trích người học trò cũ của mình, người đã từng gắn bó với ông trong nhiều năm ở tuyển Đức.
Trước vụ lời qua tiếng lại này, báo chí Đức đã rất ồn ào với việc DFB và giám đốc “Die Mannschaft” Oliver Bierhoff chỉ trích tiền vệ Mesut Oezil. Bierhoff cho rằng lẽ ra “Cỗ xe tăng” cần xem xét việc loại bỏ Oezil sau vụ anh và Ilkay Guendogan chụp ảnh chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Sau đó, đến lượt Chủ tịch DFB Reinhard Grindel tuyên bố các cổ động viên Đức “xứng đáng nhận được lời giải thích” từ Oezil về vụ lùm xùm này. Phản ứng lại, cha của Oezil cho rằng anh nên từ giã tuyển quốc gia vì bị đối xử không công bằng.
Hành vi đổ lỗi của Bierhoff và ông Grindel đã vấp phải những phản ứng dữ dội. Báo Berliner Zeitung mô tả Grindel “đổ dầu vào lửa để làm đẹp mặt mình”. Còn chính trị gia Armin Laschet, lãnh đạo bang North Rhine-Westphalia thẳng thừng chỉ trích: “Chỉ có các quan chức DFB mới nghĩ ra ý tưởng một bức ảnh với Erdogan là nguyên nhân khiến Đức sụp đổ trước người khổng lồ bóng đá Hàn Quốc”.
Cựu danh thủ Đức Thomas Berthold lên tiếng kêu gọi Bierhoff từ chức. Trên báo Kicker, Berthold viết: “Hình ảnh của bóng đá Đức bị ảnh hưởng nặng nề (sau thất bại ở World Cup 2018) và Oliver Bierhoff phải chịu trách nhiệm. Ông ta đã thương mại hóa quá mức đội tuyển và là nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ giữa đội tuyển với cổ động viên và giới truyền thông”.
Cuộc khủng hoảng tồi tệ
Còn trên kênh truyền hình ZDF, ông Hermann Winkler, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá bang Saxony, cũng nhận định đã có một sự chia rẽ sâu sắc giữa các cổ động viên và “một đội tuyển quốc gia đầy kiêu ngạo”. “Chúng ta đang chìm trong khủng hoảng. Đây là cuộc khủng khoảng lớn nhất từ trước đến nay ở DFB”, ông cảnh báo.
Trên các diễn đàn bóng đá Đức, nhiều cổ động viên “Die Mannschaft” cũng cho rằng Bierhoff và Chủ tịch Grindel biến Oezil thành “vật tế thần” để biện minh cho thất bại lịch sử của tuyển Đức tại World Cup 2018. Theo họ, đó cũng là hành vi “đánh bùn sang ao” để lấp liếm chuyện HLV Loew vẫn giữ ghế bất chấp thành tích tồi tệ chưa từng thấy của Đức trên đất Nga.
Nhiều fan của “Cỗ xe tăng” cho rằng ông Loew phải là người chịu trách nhiệm chính chứ không phải là Oezil. Bởi tiền vệ số 10 không phải là người lựa chọn chiến thuật hay nhân sự tuyển Đức ở World Cup 2018. Bản thân anh cũng không thể tự đưa mình ra sân thi đấu. Tất cả mọi quyết định đều nằm trong tay ông Loew.
Hiện tại, HLV Loew đang phải suy tính những bước đi kế tiếp của “Die Mannschaft”. “Các cầu thủ cần đi nghỉ dưỡng, tìm sự thanh thản và tự suy nghĩ. Sau đó chúng tôi sẽ đưa ra những quyết định cần thiết về nhân sự”, ông cho biết. Theo Bild, “Hoàng đế” Franz Beckenbauer kêu gọi ông Loew loại bỏ một số công thần.
Dù ông Loew có làm gì đi nữa thì chắc chắn chưa bao giờ vị thế của ông suy yếu đến vậy. Và người hâm mộ có quyền lo ngại cho tương lai của “Cỗ xe tăng” tại Euro 2020 dưới sự dẫn dắt của ông Loew, dùng hiện tại bóng đá Đức vẫn sản sinh hàng loạt tài năng sáng giá.
Theo Nhật Hạ (Tri Thức Trực Tuyến)