Tình yêu và đam mê
Thời gian tiếp tục lấy đi những điều mà Rafael Nadal yêu quý nhất. Anh yêu thích những gì mình làm rất nhiều, thấy việc thi đấu rất thỏa mãn, đến nỗi không muốn nói lời tạm biệt.
Tuy vậy, để đề phòng, toàn bộ 15.000 khán giả ở Philippe Chatrier đứng lên một cách kính trọng - bao gồm Novak Djokovic, Carlos Alcaraz và Iga Swiatek - vỗ tay hào hứng khi kết thúc trận đấu vòng 1 Roland Garros mà ai cũng đoán trước: Nadal thua Alexander Zverev 0-3, sau 3 giờ 5 phút (3-6, 6-7[5-7] và 3-6).
Có thể đó là lần cuối cùng anh đứng ở Roland Garros? Đây có phải lời tạm biệt? "Có lẽ", nhân vật chính, người có 14 chiếc Cúp ngự lâm, lên tiếng. "Nhưng tôi không thể chắc chắn 100%".
Buổi chiều đượm hương vị chia tay. Nadal vẫn còn tâm hồn trẻ thơ. "Ước gì anh ấy 28 chứ không phải 38", một ai đó lên tiếng khi Nadal chuẩn bị vào phòng thay đồ và tham dự họp báo.
Nadal muốn trở lại Paris sau một vài tháng, tham dự Thế vận hội mùa hè. Sau đó chúng ta sẽ thấy điều gì diễn ra, tùy theo tiếng nói cơ thể của anh.
"Nếu đây là lần cuối cùng, tôi rất thích nó", Nadal phát biểu giữa những ánh mắt rưng rưng trên khán đài, gồm cả những thành viên trong gia đình. "Bởi vì, tôi đang bình yên".
Ngay từ thời điểm lá thăm đưa anh gặp Zverev, Nadal đã biết rằng chặng đường của mình có thể rất ngắn. Tay vợt người Đức, đứng thứ 4 thế giới, có lẽ là đối thủ khó chịu nhất.
"Tất nhiên, đó không phải là vòng đầu tiên lý tưởng", Nadal thừa nhận. Trước đó, anh chưa bao giờ bị loại ngay vòng đầu tại Roland Garros.
"Thật khó để tôi thể hiện đẳng cấp cao hơn những gì bản thân đã cống hiến trong trận đấu, ý tôi là trong tình huống này".
Sức lực có thể thất bại nhưng công việc không bị lãng quên. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ thất thế, Nadal nổi dậy, đặc biệt là sự hiệu quả trong set 2, với những cú đánh khiến đối thủ chật vật.
Khán đài không ngừng vang lên những tiếng reo hò sau từng cú đánh ghi điểm của Nadal. Những pha chéo tay cuối sân, những cú thuận tay gợi nhớ về đỉnh cao, Rafa khuấy động khán giả Pháp và set 2 phải giải quyết bằng tie-break.
Cảm xúc đặc biệt
"Allez, Rafa!", âm thanh tiếng Pháp vang lên và kéo dài bất tận ở Philippe Chatrier, bên cạnh những câu "tiến lên, Rafa!" bằng tiếng Anh hoặc Tây Ban Nha.
Ở mọi góc khán đài, ngay từ các khu vực VIP có sự hiện diện của Djokovic, Alcaraz hay Swiatek, làn sóng ủng hộ nhà vô địch 22 Grand Slam cũng bùng nổ: "Raaaaaaaafaaaaaa".
Cho đến cuối cùng, Nadal vẫn luôn là Nadal, huyền thoại và là biểu tượng của Roland Garros.
Ở set thứ 3, dù bị Zverev vượt lên, tay vợt người Tây Ban Nha vẫn ăn mừng điểm giống như ngày đầu tiên xuất hiện tại đây, tung một vài cú đánh bằng cổ tay. Đó là thương hiệu trong cách ăn mừng của riêng anh.
Danh dự, trái tim, tâm hồn. Từ những bước đầu tiên cho đến khi dừng lại, Nadal thi đấu với khát vọng của chính anh.
"Tôi tự hào đã tiến xa đến mức này sau những gì đã xảy ra", Nadal sau đó nói trong phòng họp báo. Không có gì khác, ngoài bản thân anh và khoảng 150 nhà báo ngồi kín phòng. Người đại diện Carlos Costa cũng phải đứng ngoài.
Nadal cố ngăn dòng cảm xúc để hoàn tất buổi họp báo Roland Garros có thể là cuối cùng: "Tôi có nhiều khoảnh khắc tệ, thực sự tồi tệ, có nhiều tháng trời không thấy chút ánh sáng nào.
Nhưng cuối cùng tôi vẫn giữ được kỷ luật, không phải lúc nào cũng nhiệt tình mà là kỷ luật hàng ngày đi rèn luyện và làm mọi việc theo cách tốt nhất có thể, để cho mình cơ hội đến được đây. Cuối cùng tôi đã làm được".
Nadal gợi ý rằng anh không tham dự Wimbledon, để tránh sự thay đổi đột ngột trên bề mặt sân và hướng thẳng tới Thế vận hội Paris.
"Rồi chúng ta sẽ thấy", anh nhấn mạnh một lần nữa. Dù vậy, ngay cả bản thân Rafa cũng không biết những tháng tới sẽ ra sao và cuộc hành trình đi được bao xa.
Trong 2 năm qua, tâm thần Nadal suy sụp, khiến anh "không thể tận hưởng cuộc sống hàng ngày". Giọng anh nghẹn lại: "Thật không may, tôi cũng không xác định được tương lai cho mình. Cuối cùng, thời gian sẽ trả lời".
Theo Ngọc Huy (VietNamNet)