CLB Hà Nội đã giành quyền thăng hạng nhất 2018 sau khi thắng Bình Thuận 3-0 ở VCK giải hạng nhì 2017 hồi tháng 8. Đội gồm các cầu thủ trẻ ở độ tuổi 17-19 do HLV Phạm Minh Đức dẫn dắt và được xem là tuyến hai của CLB đang chơi ở V-League là Hà Nội.
Chơi ở giải hạng nhất 1 năm mới được chuyển
Ngày 1-3 vừa qua, Công ty cổ phần thể thao T&T (chủ sở hữu đội bóng) và Công ty TNHH phát triển thể thao Thịnh Phát đã ký hợp đồng chuyển đổi chủ sở hữu CLB hạng nhất Hà Nội. Ngày 15-3, cả hai đã gửi công văn, hợp đồng cùng các tài liệu khác có liên quan lên VFF đề nghị xem xét, chấp thuận việc chuyển đổi chủ sở hữu này nhằm đăng ký thi đấu tại Giải hạng nhất 2018 khởi tranh vào tháng tới với tên gọi CLB Hà Tĩnh và đăng ký sân Hà Tĩnh làm sân nhà.
Ban tổng thư ký VFF sau khi xem xét đã gửi tờ trình cho ban bóng đá chuyên nghiệp vào chiều 28-3 để xin ý kiến có đồng ý hay không việc chuyển đổi này qua email (chậm nhất vào lúc 16h hôm nay 30-3). Tuy nhiên, công văn cũng cho rằng việc chuyển đổi chủ sở hữu CLB hạng nhất Hà Nội từ Công ty cổ phần thể thao T&T cho Công ty TNHH phát triển thể thao Thịnh Phát là không đúng với quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (QCBĐCN) 2015 vì CLB này chưa tham dự Giải hạng nhất quốc gia 2018 do Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) tổ chức nên sẽ không được VFF công nhận (điểm c, khoản 2, điều 14 QCBĐCN 2015).
Trưởng ban bóng đá chuyên nghiệp Phạm Ngọc Viễn cho biết: “CLB Hà Nội muốn chuyển về Hà Tĩnh thì phải theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp hiện hành. Tức là việc chuyển đổi mà khác địa phương thì phải đá ở giải hạng nhất một năm thì mới được chuyển giao”.
Mua bán hay cho tặng?
Việc chuyển đổi chủ sở hữu này rõ ràng là không đúng với quy định của QCBĐCN. Nhưng nếu nhìn lại vụ chuyển “hộ khẩu” CLB Hà Nội vào TP.HCM và đổi tên thành CLB Sài Gòn ở V-League 2016 (sau vòng 4 chuyển giao, vòng 5 mang tên mới thi đấu) khiến dư luận phản ứng không ít thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ngay cả tổng giám đốc VPF khi đó là ông Cao Văn Chóng cũng từng bày tỏ ý kiến cá nhân là không ủng hộ việc chuyển “hộ khẩu” và đổi tên đội bóng như thế, nhất là khi mùa giải đang diễn ra mà không có lý do chính đáng. Nhưng khi đó, VFF cho rằng CLB Hà Nội đổi tên và trụ sở chứ không phải là chuyển đổi chủ sở hữu.
Còn hiện nay, trong số 5 thành viên ban bóng đá chuyên nghiệp VFF, có hai người được cho là có đội bóng có liên quan đến ông bầu Đỗ Quang Hiển là ông Nguyễn Quốc Hội (chủ tịch CLB Hà Nội ở V-League) và ông Bùi Xuân Hòa (chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng). Vì vậy, việc xin ý kiến chuyển đổi chủ sở hữu CLB hạng nhất Hà Nội cũng không khách quan.
Ông Nguyễn Quốc Hội cũng chia sẻ cần ủng hộ cho CLB hạng nhất Hà Nội chuyển về Hà Tĩnh để phát triển phong trào bóng đá. Ông nói: “Bóng đá ở các nơi đều phát triển thì tốt cho bóng đá VN và cần ủng hộ. Hơn nữa, lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh rất mong muốn có đội bóng thi đấu đỉnh cao. Gọi chuyển giao bởi chúng tôi có mua bán gì đâu, chỉ toàn cho tặng và có khi còn phải giúp thêm về kinh nghiệm làm bóng đá và kiếm tài trợ cho đội bóng nữa”.
Làm bóng đá thành công cũng khổ
Ông Nguyễn Quốc Hội cho rằng làm bóng đá thành công như CLB Hà Nội cũng khổ khi nói: “Các cầu thủ trẻ đá hết mình và thăng hạng. Chẳng lẽ mình cứ bảo các cháu cứ đá thua đi để không lên hạng. Mỗi lần đội lên hạng là phức tạp vì quy định là không được có hai đội bóng ở cùng một giải đấu. Điều này khiến khi thăng hạng V-League cứ phải chuyển giao. Khổ lắm!”.
Theo ông Hội, việc chuyển giao này xét theo quy chế thì không được nhưng cần phải xét về tình. “Cứ nói lý thì bóng đá VN không thể phát triển được, vì các em có cơ hội được thi đấu và giúp bóng đá phát triển ở Hà Tĩnh cũng tốt. QCBĐCN do chúng ta đặt ra nên nếu không hợp lý thì có thể sửa đổi” - ông Hội nói.
Theo Nguyên Khôi (Tuổi Trẻ)