"Như tôi vừa nói, bóng đá thay đổi từng ngày, khi làm việc có rất nhiều các đội bóng tiếp cận mình và tôi chọn đội phù hợp nhất với mục tiêu đề ra. Việc tôi hay lãnh đạo nói nhiều hơn trong các buổi làm việc không phải là chi phí mà là những mục tiêu về thành tích. Chi phí chỉ là con số. Tôi và lãnh đạo ngồi với nhau và tìm ra những điều phù hợp nhất, đó là làm sao để xây dựng đội bóng ngày càng phát triển đạt được nhiều thành tích".
Đấy là đoạn chia sẻ đang rất "hot" của Quang Hải, với điểm nhấn "Chi phí chỉ là con số". Con số Quang Hải nhắc tới được cho là lên đến 27 tỷ đồng, khoản phí lót tay mà CLB CAHN đồng ý trả cho siêu sao này để gắn bó với nhau thêm 3 mùa giải nữa. Đấy là kỷ lục mới về phí lót tay ở bóng đá Việt Nam.
Trước đấy ít tuần, kỷ lục về phí lót tay của bóng đá Việt Nam cũng từng bị phá khi Phạm Tuấn Hải gia hạn hợp đồng với CLB Hà Nội. Tuấn Hải được cho là nhận 24 tỷ đồng tiền lót tay cho 3 năm.
Thật đáng mừng cho bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB, khi có những đội bóng đủ tiềm lực tài chính để đãi ngộ hậu hĩnh cho giới cầu thủ. Càng đáng mừng cho các cầu thủ khi họ nhận được đãi ngộ khủng, có thể chăm lo tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Nhưng giữa thời điểm bóng đá Việt Nam liên tục phá kỷ lục chuyển nhượng lại là một thực trạng đáng lo của ĐTQG. ĐT Việt Nam đang trong giai đoạn thoái trào, lép vế thấy rõ trước các cường địch Thái Lan và Indonesia.
Sau giai đoạn khủng hoảng đến đáng quên cùng HLV Troussier, dù bây giờ ĐTQG đã có tân HLV Kim Sang-sik, người ta vẫn phải vô cùng lo lắng khi hướng về AFF Cup vào cuối năm nay.
Khi nhận xét lý do khiến ĐT Việt Nam sa sút, có không ít chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân quan trọng là vì nhiều trụ cột đã no nê danh hiệu, đã có những bản hợp đồng hậu hĩnh để chăm lo ổn thỏa cho tương lai, dẫn đến bớt khát khao với trái bóng tròn.
Không rõ những nhận xét ấy đúng sai tới đâu nhưng bóng đá đỉnh cao là nghề cần rất nhiều sự hy sinh. Cầu thủ bóng đá đỉnh cao không chỉ như một người làm công ăn lương, sáng tới tập, tối về, thi thoảng ra sân thi đấu mà còn phải chuyên nghiệp trong cả sinh hoạt, từ miếng ăn, giấc ngủ tới việc thư giãn, vui chơi… tất cả đều cần hướng về việc làm sao phục vụ tốt nhất cho khả năng thi đấu trên sân cỏ.
Để đạt được sự chuyên nghiệp cao nhất, không chỉ cần sự hy sinh từ bản thân cầu thủ mà còn từ cả những người xung quanh. Giống như câu chuyện ở nhà, tới thay bóng đèn Ronaldo cũng không làm mà là việc của... cô bạn gái Georgina Rodriguez, để tránh mọi rủi ro gây chấn thương với siêu sao Bồ Đào Nha.
Nói như vậy không phải để chê trách rằng cầu thủ Việt Nam thiếu chuyên nghiệp nhưng việc ĐT Việt Nam sa sút phong độ là sự thật, việc nhiều ngôi sao của ĐTQG sa sút phong độ là sự thật.
Mong rằng khi mức đãi ngộ nhận được ngày càng cao, các cầu thủ Việt Nam sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn nữa, chấp nhận hy sinh nhiều hơn nữa để trong những năm ngắn ngủi của sự nghiệp, có thể đạt tối đa khả năng của mình. Có như thế, ĐTVN mới ngày một mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều vinh quang cho NHM nước nhà.
Theo Bộ Kinh Vân (Nguoiduatin.vn)