Mới đây, Giám đốc quản lý La Liga khu vực Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Đông Nam Á, ông Ivan Codina tiết lộ Deportivo Alaves đang quan tâm đến thị trường phát triển bóng đá Việt Nam. Họ là một trong những đội muốn cùng La Liga đưa hình ảnh giải đấu và thương hiệu CLB tiếp cận nhiều hơn với CĐV.
Đội bóng này cũng đã có hồ sơ, theo dõi băng hình của Quang Hải và tỏ ra hứng thú. Bởi vậy, có thể coi Quang Hải chính là chiếc cầu nối để thực hiện mục tiêu này.
Trước đó, từng có kế hoạch đưa Quang Hải sang Tây Ban Nha sinh hoạt, tập luyện với CLB Alaves khoảng 10 ngày sau Asian Cup 2019, với mục địch cho cầu thủ này làm quen với không khí bóng đá ở nơi đây. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã không diễn ra.
Như vậy, có thể nhận thấy đại diện của La Liga khẳng định rõ ràng song hành với yếu tố chuyên môn, việc Quang Hải sang Tây Ban Nha thi đấu đi kèm với mục đích mở rộng thương hiệu của giải đấu này.
Đây không phải chuyện hiếm gặp, bởi trong quá khứ cũng có nhiều đội bóng ở châu Âu lựa chọn cách này để thâm nhập thị trường châu Á. Tuy nhiên những trường hợp thành công được như Park Ji-sung, Shinji Kagawa hay Son Heung-min không nhiều. Và Quang Hải hãy cẩn thận, kẻo anh sẽ đi vào vết xe đổ của những bản hợp đồng với mục đích thương mại.
Trong số này, tấm gương tiêu biểu nhất có lẽ là cái tên Dong Fangzhou và chuyến đi bão táp tới Manchester United.
Vào thời điểm năm 2004, Dong Fangzhou gây sốc khi trở thành cầu thủ Đông Á đầu tiên ký hợp đồng với Manchester United. Số tiền mà đội bóng danh tiếng nhất thế giới bỏ ra là 500.000 bảng, có thể tăng tới 3,5 triệu bảng, tùy thuộc vào phong độ.
Dong Fangzhou nổi lên vào năm 2000 khi anh được mệnh danh là cầu thủ xuất sắc nhất trong một giải đấu U17. Sau khi giành được ngôi Á quân ở giải hạng nhất Trung Quốc vào năm 2002, anh chuyển sang thi đấu cho Dalian Shide, câu lạc bộ thành công nhất tại Trung Quốc.
Cần phải khẳng định, thời điểm được Manchester United hỏi mua, Dong Fangzhou thực sự là một tài năng sáng giá của bóng đá Trung Quốc. Anh đã cùng đội trẻ Trung Quốc tham gia giải vô địch trẻ châu Á 2004 và là một trong những ngôi sao sáng nhất của giải đấu này khi dẫn dắt hàng công Trung Quốc lọt vào đến tận trận chung kết. Cũng trong năm đó, cái tên Dong Fangzhuo lọt vào danh sách bình chọn Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của FIFPro, cạnh tranh cùng với những cái tên như Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Arjen Robben hay Bastian Schweinsteiger.
Điều này khiến cho thương vụ Dong Fangzhuo đã lập tức thu hút được sự chú ý của đại đa số người hâm mộ bóng đá Trung Quốc, và ai ai cũng nóng lòng được chứng kiến anh chơi bóng trong màu áo Quỷ Đỏ.
Tuy nhiên không ít người khi đó đã đặt hoài nghi liệu đây có phải chỉ là một bản hợp đồng để M.U bước chân vào thị trường Trung Quốc? Điều này không phải không có lý, bởi trên thực tế bởi Dong Fangzhou khi đó mới 19 tuổi và anh không đủ điều kiện được cấp giấy phép làm việc.
Cầu thủ này bị M.U đem cho mượn, với điểm đến tại CLB Royal Antwerp (Bỉ). Sau 3 năm rưỡi mòn mỏi trên những sân cỏ chất lượng thấp ở giải hạng Nhất Bỉ, Dong Fangzhou cuối cùng cùng được gọi trở lại Manchester và cho thi đấu ở đội dự bị để làm quen với môi trường bóng đá Anh. Trước đó, trong mỗi chuyến du đấu hè, tiền đạo người Trung Quốc cũng được cho ra sân, nhưng đó chỉ là những trận đấu giao hữu vô thưởng vô phạt với mục đích đánh bóng thương hiệu, giống y như cái cách mà M.U đưa anh về.
Cuối cùng, sau một vài trận đấu chính thức chơi mờ nhạt, cộng với chấn thương hành hạ Dong Fangzhou và M.U đồng ý chấm dứt sớm hợp đồng để anh có thể đến chơi bóng ở nơi khác.
Chỉ có điều mọi việc sau đó với Dong Fangzhou cũng chẳng khá khẩm hơn. Quay về với Dalian Shide, điểm khởi đầu của chuyến phiêu lưu, nhưng rốt cuộc Dong không thể hiện được gì và không ghi nổi bàn nào trong 26 lần ra sân. Thế nhưng đến năm 2009, cánh cửa châu Âu một lần nữa mở ra khi anh thử việc thành công tại CLB Legia Warsaw của Ba Lan.
Sau những màn trình diễn ấn tượng trong các trận giao hữu đầu mùa giải, Dong đã kiếm được một bản hợp đồng có thời hạn 18 tháng kèm điều khoản gia hạn lên 2 năm. Thế nhưng một lần nữa anh phải chịu kiếp dự bị của dự bị. Trong suốt thời gian thi đấu tại giải VĐQG Ba Lan, anh chỉ được ra sân vỏn vẹn 2 trận. Những mùa giải sau đó, Dong Fangzhuo lưu lạc hết Bồ Đào Nha đến Armenia, trước khi một lần nữa trở về Trung Quốc năm 2012.
Tại đây, anh thi đấu tại giải hạng Hai Trung Quốc với hy vọng một lần nữa vãn hồi lại sự nghiệp. Tưởng như tia hy vọng đã lóe lên khi anh ghi được 7 bàn trong 25 lần ra sân trong màu áo Hunan Billows, nhưng rồi phong độ của anh một lần nữa sụt giảm. Với vỏn vẹn 2 bàn trong cả mùa giải 2014-15 cùng Hebei Zhongji, anh bị CLB thải hồi. Dong Fangzhou sau đó cũng tuyên bố giải nghệ ở tuổi 29, kết thúc sự nghiệp thi đấu đầy phiêu lưu nhưng ít thành công của mình.
Tất nhiên, Quang Hải chẳng phải Dong Fangzhou và tầm cỡ của Deportivo Alaves cũng không bao giờ so sánh được với Manchester United. Nhưng cứ nhìn những gì đang xảy ra với Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm sẽ thấy việc xuất ngoại không hề dễ dàng chút nào với cầu thủ Việt.
Ông Ivan Codina khẳng định không chỉ một mình Quang Hải, mà có thể là một cầu thủ Việt Nam hoặc Đông Nam Á khác sẽ sang La Liga thử việc. Đó là một tín hiệu vui cho sự phát triển của bóng đá khu vực. Tuy nhiên nhìn vào bài học Dong Fangzhou, có lẽ chúng ta chớ vội vui mừng.
Còn nhớ cách đây chỉ vài tháng, một cây viết thể thao có tiếng của Việt Nam từng chia sẻ trên sóng truyền hình rằng người phụ trách đào tạo trẻ của CLB Fiorentina đánh giá Công Phượng và Quang Hải “chắc chắn không lên được đội một, lên được đội trẻ cũng còn khó”. Đó là câu chuyện mà những người có liên quan sẽ cần phải hết sức lưu tâm.
Kiều Phong (SHTT)