Ông thầy người Hàn Quốc hiểu rằng, sự kỳ vọng người hâm mộ dành cho ĐT Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh đó, việc VFF mới ông sang Việt Nam thay thế người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Thắng cũng với mục đích giúp ĐTQG giành kết quả cao nhất ở sân chơi khu vực. Bản thân ông Park khi được hỏi về mục tiêu cũng đặt trong vai những người tuyển dụng mình để nói về kết quả mong muốn.
Tuy nhiên, cũng như nhiều HLV trước đây, ông Park đang đứng trước bài toán làm sao để thắng được Thái Lan. Đây là đội bóng mà chúng ta thường thua cả về đẳng cấp lẫn tâm lý. Theo ông Park phân tích thì trong bóng đá mỗi một đội bóng đều có đối thủ khiến họ cảm thấy thiếu tự tin. Việt Nam thường có tâm lý thoải mái và chơi tốt khi gặp các đội bóng Tây Á nhưng ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan luôn là đối thủ khiến các cầu thủ Việt Nam gặp tâm lý “chưa đá đã thua”.
Thế nên HLV Park Hang-seo xác định đấy là điều mà ông phải khắc phục cho các cầu thủ trước khi bước vào AFF Cup 2018. Sau giải U.23 Châu Á và ASIAD 18, ông tính sử dụng lực lượng nòng cốt của ĐT U.23, những cầu thủ ít nhiều đã có được sự tự tin khi đối đầu với các đội bóng lớn ở sân chơi châu lục và có thể khắc chế được người Thái. Tất nhiên,từ cấp độ U.23 đến ĐTQG là cả một vấn đề lớn, hơn nữa khi trở về đấu trường khu vực thì sẽ khó để nói trước được điều gì.
Ông Park cần hiểu rằng, ở 2 kỳ AFF Cup gần nhất, các đối thủ khiến chúng ta dừng bước ở bán kết đều không phải Thái Lan. Điều đó cho thấy rằng bây giờ ở sân chơi Đông Nam Á, không chỉ Thái Lan là đối thủ lớn duy nhất. Và cả 2 thất bại ở 2 kỳ AFF Cup gần đây của ĐT Việt Nam đều xuất phát từ yếu tố tâm lý. Chúng ta mắc những sai lầm trước các đối thủ bị đánh giá thấp hơn, thế nên bài toán được đặt ra cho ông Park không chỉ đơn thuần là giải mã Thái Lan.
Hy vọng, với việc đã nắm bắt được tâm lý các cầu thủ ở U.23 Việt Nam, ông Park sẽ hoá giải yếu điểm này của ĐT Việt Nam với tất cả các đối thủ ở những thời điểm quan trọng.
Theo Hoài Đan (Lao Động)