Bản danh sách mà HLV Moriyasu Hajime tung ra trước thềm ASIAD 18 khiến báo chí khu vực chú ý. Đặc biệt ở ASIAD 2018, Olympic Việt Nam lại nằm cùng bảng với Olympic Nhật Bản nên lực lượng của họ được chúng ta quan tâm hơn. Olympic Nhật Bản công bố đội hình trễ nhất.
Mục tiêu tối thượng của người Nhật
HLV Moriyasu Hajime là trợ lý của ông Akira Nishino ở World Cup 2018. Ông được chọn dẫn dắt ĐTQG, là người cùng Olympic Nhật Bản tranh tài tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 ngay trên sân nhà.
Kế hoạch của chiến lược gia 49 tuổi đã được xây dựng trong nhiều năm. Hàng loạt cầu thủ ở nhóm tuổi từ 21 tuổi trở xuống đã, đang được sàng lọc nhằm nhắm đến chiếc huy chương vàng môn bóng đá nam Olympic 2020.
Người Nhật luôn tính xa, đòi hỏi cao và làm việc chăm chỉ. Triết lý của ông Moriyasu Hajime rất rõ ràng, đặc biệt là khi ông chốt danh sách dự VCK U23 châu Á 2018 cũng với dàn cầu thủ U21 tuổi, ông từng nói:
“Tôi không lo lắng gì về tuổi khi cầu thủ U21 Nhật Bản cần có khả năng đương đầu với những đối thủ lớn hơn hai tuổi”. Điều này không phải lúc nào cũng đúng và Nhật Bản đang chấp nhận thất bại. U21 Nhật Bản đã thua đến 0-4 trước U23 Uzbekistan, đội bóng sau này lên ngôi vô địch AFC U23.
Để đương đầu với đối thủ hơn hai tuổi, danh sách của U21 Nhật Bản cũng thay đổi đến chóng mặt. Họ thường triệu tập đến hơn một nửa đội hình khác sau mỗi giải đấu để có những lựa chọn phù hợp nhất cho mình.
Ông Moriyasu Hajime chia sẻ: “Tôi muốn gọi nhiều cầu thủ khác nhau ở mỗi đợt tập trung để có cái nhìn rộng về lứa cầu thủ ở nhóm tuổi này. Và dù là giải chính thức hay giao hữu, tôi đều muốn giành chiến thắng”.
“Nhìn xa, chúng tôi chỉ có 20 cầu thủ, trong đó có 3 thủ môn mà có thể chơi tối đa 6 trận thì các cầu thủ phải chơi được nhiều vị trí. Ở Olympic chỉ có 18 cầu thủ để đá 6 trận nên không thể có cầu thủ chỉ chơi một vị trí”, nhà cầm quân từng ba lần vô địch J.League 1 với Sanfrecce Hiroshima nhấn mạnh.
Tính luôn cả bốn lần tập trung trong năm nay, HLV Moriyasu đã triệu tập đến 92 lượt cầu thủ dưới 21 tuổi.
Chín cầu thủ J.League 1, năm cầu thủ sinh viên
20 cầu thủ dự ASIAD 18 của Olympic Nhật Bản không có mặt hàng loạt các tài năng đang thi đấu ở nước ngoài. Trong đó, chỉ có chín cầu thủ từng tham dự VCK U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc hồi đầu năm.
Trước khi kéo đội U21 Nhật Bản dự ASIAD 18, HLV Moriyasu Hajime đã có ba giải đấu trước đó. Đầu tiên là Giải M-150 tại Thái Lan (12/2018), VCK U23 châu Á (1/2018), Giải Sport For Tomorrow ở Nam Mỹ (tháng 3/2018). Riêng giải Toulon thứ 46 trùng thời điểm World Cup 2018 nên ông không đi cùng.
Tiền vệ Tatsuya Ito của Hamburger SV bị chấn thương nên vắng mặt. HLV Moriyasu cũng đã trả thủ môn gốc Pháp Louis Takaji Julien về đội hạng Nhì Tây Ban Nha Extremadura UD. Hậu vệ Tomiyasu Takehiro cũng trở về Sint-Truidense V.V (Bỉ) sau giải đấu Toulon thứ 46 tại Pháp vừa rồi.
U23 Nhật Bản vất vả đánh bại U23 Thái Lan Pha lập công duy nhất của Ko Itakura giúp U23 Nhật Bản giành chiến thắng 1-0 trước U23 Thái Lan, qua đó giành quyền vào tứ kết U23 châu Á. |
“Các cầu thủ đều tập luyện rất chăm chỉ, một số người thi đấu ở nhiều cấp độ khác nhau và chắc chắn họ mệt mỏi trong tư tưởng và cơ thể. Chúng tôi luôn thảo luận để đưa ra quyết định tốt hơn cho cầu thủ, họ có thể trở lại vào một dịp khác”, ông Moriyasu Hajime từng lấy ví dụ để nói như vậy về “Messi Nhật Bản”.
Takefusa Kubo là tài năng hiếm có của bóng đá Nhật. Cậu bé 17 tuổi là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở J.League, thi đấu ở U20 World Cup nhưng không được HLV cho dự VCK U23 châu Á vì đơn giản là muốn “Messi” có sự chuẩn bị tốt cho giải vô địch quốc gia. Và lần này cũng vậy, Kubo ở nhà để nhường cơ hội cho cầu thủ khác.
Năm cầu thủ sinh viên được bổ sung là thủ môn số một Ryosuke Kojima của Đại học Waseda, hai trong ba tiền đạo tới từ cấp độ bóng đá không chuyên là Reo Hatate (Đại học Juntendo) và Ayase Ueda (Đại học Hosei).
Thế hệ tham dự Olympic Tokyo 2020 vẫn được xây dựng từ những nhân tố cơ bản nhất là bóng đá học đường. Ông Hajime không giấu mục đích xây dựng đội bóng và nâng cấp từng cá nhân qua các giải đấu quốc tế. Ở đó, tất cả cầu thủ đều có cơ hội tiếp thu và rèn luyện để trở nên đáng giá hơn.
Có thể tạm lấy lời ông HLV trưởng hồi tháng 3/2018 để kết luận: “Chúng tôi còn cả chặng đường dài để đưa đội bóng đến trình độ căn bản nhất, đó là phải có khả năng phối hợp ghi bàn trước khung thành đối phương, hạn chế bàn thua và tích lũy kinh nghiệm thật nhiều”.
Còn mục tiêu của Olympic Việt Nam là gì? Thành tích ở ASIAD hay chỉ là tiền đề cho AFF Cup 2018? Còn ASIAN Cup 2019 vào đầu năm sau thì sao? Ông Park Hang-seo có tính đến hai ván cờ đó như người Nhật nhìn về Tokyo 2020?
Theo Quang Thịnh (Tri Thức Trực Tuyến)