Hôm qua, một tờ báo đưa tin Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện ra ứng cử chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Hôm nay, tờ báo khác đưa tin Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải ra ứng cử, còn bộ trưởng sẽ rút.
Trước đó thì thông tin theo chiều ngược lại: Cả bộ trưởng Thiện lẫn thứ trưởng Hải cùng được giới thiệu ra ứng cử nhưng thứ trưởng Hải sẽ rút, bộ trưởng sẽ ở lại.
Chẳng biết đâu mà lần!
Theo dõi dư luận qua báo chí và mạng xã hội thì thấy rất nhiều người - trong đó khá nhiều cá nhân thông hiểu bóng đá - ủng hộ bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ tịch VFF, tin tưởng ông là người đủ tầm duy nhất vào lúc này có thể vực dậy con thuyền VFF đang chênh chao.
Và, nếu thông tin ông Thiện rút lui là có thật, người ta lại đặt niềm tin lên vai thứ trưởng Lê Khánh Hải, theo kiểu nhất đi - nhì nổi. Về phẩm trật và quyền lực, ông Hải dưới ông Thiện một bậc. Khi mà hầu hết các quan chức trong bộ sậu VFF đương nhiệm đã bị mất niềm tin gần như tuyệt đối còn nhiều ông bầu bóng đá danh tiếng thì đã thay nhau từ chối ứng cử thì việc tin cậy vào quan chức nhà nước cấp cao chuyên ngành VH-TT-DL là điều dễ hiểu. "Có bệnh thì vái tứ phương" mà!
Niềm tin không bị đóng thuế, do vậy ai cũng có quyền đặt ở bất kỳ đâu tùy phân tích, đánh giá định tính. Ví như thời ông Lê Hùng Dũng (chủ tịch VFF khóa VII) và Trần Quốc Tuấn (phó chủ tịch thường trực VFF khóa VII), xong đại hội là lời khen lên mây "thành công tốt đẹp", "tin tưởng sâu sắc"... Nhưng rồi thực tế cho thấy VFF khóa VII trong suốt nhiều năm mất đoàn kết nội bộ, liên tục có chuyện lùm xùm, tai tiếng, bên trong "đánh" ra, bên ngoài "đánh" vào, người hâm mộ bóng đá ngao ngán, Thủ tướng Chính phủ đã phải lên tiếng yêu cầu chấn chỉnh một cách cơ bản.
Đại hội khóa VIII nhì nhằng mãi đến giờ vẫn chưa tổ chức được cũng là bởi sự yếu kém kể trên. Không thể kéo dài tình hình đó nữa, trong tháng 9-2018, VFF cần có tân "thuyền trưởng" để chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam ra khỏi ao làng, tìm hải trình để lần mò ra biển lớn.
Cũng có lẽ vì quá sốt ruột mà người hâm mộ và giới làm bóng đá đặt tín nhiệm cao vào bộ trưởng Thiện hay thứ trưởng Hải chăng? Theo quan sát, hai ứng viên này đang sáng giá nhất hiện nay bởi có trong tay nhiều thế mạnh, nhất là về quản lý nhà nước chuyên ngành.
Thực ra, chính bộ trưởng và thứ trưởng mới rõ hơn ai hết bản thân mình có thể làm tròn vai chủ tịch VFF được hay không. Chưa vội đặt vấn đề vì bằng cấp chuyên môn là kinh tế (Cử nhân Kinh tế, Tiến sĩ Kinh tế chính trị, Cử nhân Lý luận chính trị), chẳng dính gì tới thể thao hay bóng đá mà tiên lượng ông Nguyễn Ngọc Thiện sẽ không làm tốt nhiệm vụ ở VFF, chúng tôi chỉ đoan chắc rằng một "tư lệnh" ngành đang gánh khối lượng công việc khổng lồ ở bộ chủ quản như ông sẽ không thể nào đủ sức đài đương thêm trọng gánh ở VFF hay bất kỳ tổ chức xã hội nghề nghiệp nào tương tự!
Người ta càng tin tưởng, áp lực đối với ứng viên càng thêm nặng nề. Thử hình dung bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đang nắm 3 mảng rất lớn là VH, TT và DL, là đương kim chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam, công việc "ngút trời mây" thế nào (ở nhiều nước, mỗi mảng VH, TT hay DL được tách riêng một bộ).
Còn nhớ, trong buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8-2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng than: "Trung bình mỗi tuần có 40 cuộc họp, tối thiểu 30 cuộc. Chỉ riêng phân công họp cho lãnh đạo bộ đi họp cũng rất mệt mỏi và nếu có đồng chí nào đi công tác đột xuất là đảo lộn tất cả".
Với 3 mảng như đã nói trên, so với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ VH-TT-DL chắc chắn... họp nhiều hơn! Nói thật, nếu phải dự đủ các cuộc họp, bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện còn không đủ thời gian đi họp. Trường hợp nắm thêm ghế VFF mà họp hành suốt thì còn đầu óc đâu để nghĩ ra chiến lược.
Nhiều người nói bộ trưởng - chủ tịch VFF không cần "sờ vào việc", chỉ cần định hướng thôi, miễn sao các cấp phó hỗ trợ thật tốt và đội ngũ thư ký giúp việc phụ tá cho ông thật "lực" thì công việc sẽ trôi chảy, bóng đá Việt Nam sẽ sớm cải thiện (?!).
Chúng tôi nghĩ ngược lại. Không nắm sát việc, chỉ thông qua báo cáo của cấp dưới thì sẽ thua trắng; đó là chưa kể tới tình trạng cấp dưới báo cáo láo, qua mặt hoặc để cho hài lòng cấp trên. Cũng xin nói thẳng rằng nếu phải có cấp trưởng trong khi phần lớn việc nhờ cấp phó làm cả rồi thì cần cấp trưởng làm gì nữa?!
Chúng ta tín nhiệm bộ trưởng nhưng cũng phải tìm hiểu và cảm nhận gánh nặng trên vai ông đang và sẽ như thế nào, để từ đó hình dung ra sự thành - bại ở cương vị chủ tịch VFF.
Theo Huỳnh Lê (Nld.com.vn)