SEA Games 29 chính thức bế mạc vào ngày 30/8 và đoàn Việt Nam đứng thứ 3 với 58 HCV, 50 HCB và 60 HCĐ. Thành công của Thể thao Việt Nam đến nhờ sự tỏa sáng với những cá nhân đặc biệt như Ánh Viên, Thanh Tùng, Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền hay Thúy Vi.
So với SEA Games 28, Thể thao Việt Nam vẫn kém một chút so với mức chỉ tiêu đặt ra trên đất Malaysia. Nhưng trong giải đấu mà đối thủ sử dụng nhiều tiểu xảo, thì thành công của các vận động viên Việt Nam thực sự đáng ghi nhận, giúp Việt Nam chỉ xếp sau Malaysia, Thái Lan trên bảng tổng sắp huy chương.
Ánh Viên chơi xuất sắc tại SEA Games 29 với 8 HCV, 2 HCB |
Nguyễn Thị Ánh Viên chắc chắn là người được nhắc đến nhiều nhất tại SEA Games lần này, không chỉ của Việt Nam mà còn cả khu vực. Báo giới Đông Nam Á kinh ngạc với thành tích 8 HCV của Ánh Viên và cô xứng đáng là vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 29.
Ánh Viên tham gia tổng cộng 16 nội dung bơi lội và giành 8 HCV, 2 HCB. Nhiều ngày Ánh Viên phải bơi ba nội dung với quãng thời gian nghỉ ngắn ngủi, nhưng “kình ngư” người Cần Thơ đã xuất sắc vượt qua.
8 HCV mà Ánh Viên giành được ở các nội dung 00 m ngửa nữ, 200m ngửa nữ, 400m tự do, 200m hỗn hợp, 800m tự do, 50m ngửa, 400m hỗn hợp, 200m tự do, trong đó có hai nội dung cô phá kỷ lục SEA Games.
Nguyễn Thị Huyền mang về 3 HCV cho điền kinh Việt Nam |
Ngoài Ánh Viên, thì bơi lội Việt Nam có hai tấm HCV đáng giá của Nguyễn Huy Hoàng (1500m tự do nam) và Nguyễn Kim Sơn (400m hỗn hợp nam), đều phá kỷ lục SEA Games. Bên cạnh đó, cả hai đều là tương lai của bơi lội Việt Nam khi đều dưới 17 tuổi.
Môn thi đấu được coi là thành công nhất của Việt Nam chính là điền kinh, khi chúng ta giành đến 17 HCV. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam vượt mặt Thái Lan để thống trị môn thể thao “nữ hoàng” của khu vực.
Nguyễn Thị Huyền là người được nhắc đến nhiều nhất, khi cô giành 3 HCV (400m rào nữ, 400m nữ và 4x400m nữ). Tú Chinh cũng để lại dấu ấn đặc biệt khi cô giành HCV ba nội dung 100m, 200m nữ, nội dung mà trước đây đàn chị Vũ Thị Hương đã thống trị khu vực Đông Nam Á.
Thạch Kim Tuấn vẫn giữ được sự ổn định ở môn Cử tạ |
Một môn thể thao Olympic bản lề là Cử tạ cũng thành công rực rỡ tại SEA Games lần này. Thạch Kim Tuấn (56kg nam) giữ nguyên phong độ, trong khi ngôi sao mới nổi Trịnh Văn Vinh (62 kg nam) cũng giành HCV, đồng thời phá kỷ lục SEA Games với mức tổng cử 310 kg.
Nhắc đến SEA Games 29, Dương Thúy Vi là trường hợp khá đặc biệt. Giống như hai kỳ SEA Games trước cũng như Asiad 2014, Thúy Vi là người giành HCV đầu tiên cho Việt Nam và đó là sự mở hàng may mắn.
Năm nay, Thúy Vi cũng có hai tấm HCV wushu các nội dung thương thuật, kiếm thuật nữ. Một số môn võ thuật khác như Taekwondo, Karatedo hay Pencak Silat vẫn đảm bảo số HCV đề ra, dù đó đều là những nội dung thi đấu chịu xử ép khá nhiều từ các trọng tài.
Thúy Vi giành 2 HCV Wushu và là người "mở hàng" cho TTVN tại SEA Games 29 |
Môn Thể dục dụng cụ đánh dấu sự tỏa sáng của Lê Thanh Tùng với 2 HCV ở các nội dung nhảy chống nam, xà đơn. Đồng đội của anh là Đinh Phương Thành và Đặng Nam dù không đạt phong độ cao nhất, nhưng vẫn có được tấm HCV cho riêng mình.
Môn đấu kiếm không thi đấu nhiều nội dung, nhưng chúng ta vẫn có được hai HCV của Lâm Tiến Nhật (kiếm 3 cạnh nam) và Vũ Thành An (kiếm chém nam).
Bên cạnh đó, tấm HCV bóng đá nữ thực sự quý giá, khi chúng ta đánh mất vào tay người Thái cách đây 4 năm tại Myanmar. Trong khi đó, bóng bàn Việt Nam làm nên lịch sử khi đánh bại đối thủ mạnh Singapore ở chung kết và giành HCV đồng đội nam.
Danh sách các VĐV Việt Nam giành HCV tại SEA Games 29 (58 HCV): - Nguyễn Thị Ánh Viên (8 HCV bơi - 100 m ngửa nữ, 200m ngửa nữ, 400m tự do, 200m hỗn hợp, 800m tự do, 50m ngửa, 400m hỗn hợp, 200m tự do) - Nguyễn Văn Trí (pencak silat, 90kg nam) - Nguyễn Văn Tuyến (pencak silat, 80kg nam) - Phạm Thị Tươi (pencak silat, 50kg nữ - Trịnh Văn Vinh (cử tạ- hạng cân 62 kg) - Thạch Kim Tuấn (cử tạ- hạng cân 56 kg nam) - Nguyễn Thị Như Ý (Judo- hạng cân dưới 78 kg nữ) - Hà Thị Nguyên (Taekwondo- hạng cân dưới 62 kg nữ) - Bóng bàn đồng đội nam - Điền kinh 4x400m nữ - Nguyễn Huy Hoàng (bơi- 1500m tự do nam) - Đội quyền Taekwondo nữ - Nguyễn Văn Lai (điền kinh- chạy 5000m) - Nguyễn Thị Yến Hoa (điền kinh- chạy 100m rào nữ) - Nguyễn Hữu Kim Sơn (bơi- 400m hỗn hợp nam) - Nguyễn Thị Oanh (điền kinh- chạy 5000m) - Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh- nhảy xa nữ) - Điền kinh (4x100m nữ) - Đội tuyển bóng đá nữ - Bùi Văn Đông (điền kinh- nhảy xa nam) - Dương Thị Việt Anh (điền kinh- nhảy cao nữ ) - Nguyễn Thị Oanh (điền kinh - chạy 1500 m nữ) - Karate - biểu diễn kata đồng đội nữ - Karate - nội dung kumite đồng đội nam - Dương Văn Thái (2 HCV điền kinh- 800m nam, 1500m) - Vũ Thị Ly (điền kinh-800m nữ) - Vũ Thị Mến (điền kinh- nhảy 3 bước nữ) - Hồ Thị Thu Hiền (karate- hạng cân dưới 68kg nữ) - Nguyễn Minh Phụng (karate- hạng cân 75kg nam) - Lâm Tiến Nhật (đấu kiếm- kiếm 3 cạnh nam) - Hà Minh Thành (bắn súng- 25m súng ngắn bắn nhanh nam) - Đinh Phương Thành (TDDC- xà kép) - Lê Thanh Tùng (2 HCV TDDC-nhảy chống nam, xà đơn) - Lê Tú Chinh (2 HCV điền kinh-100m, 200m nữ) - Nguyễn Thị Huyền (2 HCV điền kinh- 400m rào nữ, 400m nữ) - Nguyễn Thị Thi (bi sắt) - Nguyễn Thị Hồng Anh (karate- kumite 68kg nữ) - Nguyễn Thị Như Hoa (kiếm- kiếm 3 cạnh nữ) - Đặng Nam (TDDC- vòng treo) - Dương Thúy Vi (2 HCV wushu - thương thuật, kiếm thuật nữ) - Nguyễn Thị Thật (2 HCV đua xe đạp - vòng tròn, 101 km đồng hàng nữ) - Vũ Thành An (đấu kiếm- kiếm chém nam) - Phương Giang (wushu - côn thuật nữ) - Chu Đức Anh (bắn cung - cung 1 dây nam) - Đồng đội nam Thể dục dụng cụ. |
Theo Thùy Linh (Dân Trí)