Tại SEA Games 31, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đặt mục tiêu giành 140-150 HCV để xếp nhất toàn đoàn. Dù ở kỳ đại hội này hàng loạt ngôi sao như Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Lê Tú Chinh, Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thu Nhi... không tham dự, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, vị trí đứng đầu của chủ nhà Việt Nam là nằm trong tầm tay.
Trong các môn, điền kinh gánh trọng trách giành thành tích cao nhất, với 15-17 HCV. Đội tuyển điền kinh cũng phấn đấu lần thứ 3 vượt qua Thái Lan để xếp nhất toàn đoàn.
Với 64 VĐV, điền kinh là môn có nhiều VĐV nhất của đoàn TTVN tại SEA Games 31. Xếp ngay sau là đội tuyển thể thao điện tử với 61 VĐV.
Theo chỉ tiêu HCV mà các đội tuyển đăng ký, sau điền kinh là những thế mạnh như aerobic, bơi, đua thuyền canoeing, đua thuyền rowing, khiêu vũ thể thao, pencak silat, thể dục dụng cụ, wushu... Các môn này phấn đấu giành từ 7-9 HCV.
Nhóm tiếp theo đặt mục tiêu giành 5-7 HCV là bắn cung, bắn súng, cử tạ, đấu kiếm, judo, karate, quyền anh, taekwondo, thể hình, vật...
Tại SEA Games 31, lặn chính là thế mạnh nổi bật của đoàn TTVN. Lần đầu xuất hiện tại Đại hội thể thao Đông Nam Á ở kỳ SEA Games lần thứ 22 vào năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam, các kình ngư nước chủ nhà đã xuất sắc giành đến 13 HCV trong tổng số 16 bộ huy chương.
Các VĐV lặn của Việt Nam thực tế có trình độ hàng đầu châu lục, nên việc lấy HCV ở SEA Games không gặp nhiều khó khăn.
Ở SEA Games 31, bộ môn lặn có 13 bộ huy chương. Chỉ tiêu của đội tuyển lặn Việt Nam là 6-8 HCV, tuy nhiên thành tích thực tế có thể cao hơn nhiều, bởi như đã nói trình độ của các VĐV chúng ta vượt trội so với khu vực.
Ngoài lặn, những "mỏ vàng" của TTVN không thể không nhắc tới vovinam, vật, cờ vua, cờ tướng...
Đoàn TTVN có nhiều nội dung thế mạnh, nhưng chắc chắn 2 tấm HCV được chờ đợi nhất SEA Games 31 là bóng đá nam-nữ, khi cả hai đều đều đang là đương kim vô địch.
Theo Diệp Chi (VietNamNet)