CLB TPHCM sẽ giảm 30% lương trong tháng 4. Đồng nghĩa Công Phượng mất 40 triệu đồng so với tiền lương ban đầu là vào khoảng 120 triệu đồng/tháng. Tiền đạo người xứ Nghệ vẫn bỏ túi 80 triệu/tháng dù không thi đấu.
Theo kịch bản dự kiến nếu V.Leahue 2020 tiếp tục hoãn thì Công Phượng sẽ còn bị giảm thu nhập. Cụ thể, Công Phượng sẽ bị giảm 40% lương trong tháng 5, 50% lương trong tháng 6 nếu như V.League chưa lăn bóng. Tức Công Phượng có thể rơi vào cảnh chỉ nhận được 50% lương (60 triệu đồng) trong kịch bản V.League nghỉ đến hết tháng 6.
Dù có giảm như thế nào, kể cả chỉ nhận 50% lương thì con số thu nhập của Công Phượng chắc chắn là mơ ước của tất cả cầu thủ Việt Nam. Bởi nhiều cầu thủ đang trong cảnh bị giảm lương dù mức thu nhập chỉ bằng 1/10 (có những cầu thủ trẻ thu nhập chỉ ở mức 8-10 triệu đồng) so với ngôi sao tuyển Việt Nam.
Cũng chính vì có những cầu thủ nhận lương thấp nên nhưng một số đội bóng tính toán chuyện giảm lương theo các mức riêng. Ví dụ CLB Hà Tĩnh giảm 30% lương những thành viên có thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên, mức lương từ 20 – 29 triệu đồng bị giảm 25%, còn dưới 20 triệu sẽ giảm 20%.
Trong khi đó, CLB Khánh Hòa (hạng Nhất) đã phải “thắt lưng buộc bụng” từ tháng 1 với việc cầu thủ tạm ứng 50% lương, còn trong tháng 4 tiếp tục bị giảm 10% lương.
Bầu Nhiệm (CLB Long An) chia sẻ với Saostar là đội bóng tính đến phương án giảm lương 30% trong tháng 4 nhưng cần tỉ mỉ, tính toán hợp lý để các cầu thủ không bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Ví dụ những cầu thủ trẻ có mức lương 10 triệu đồng thì không bị giảm.
Có thể nói, từ câu chuyện tiền lương của Công Phượng đến bức tranh toa hơn là cả bóng đá Việt Nam, chuyện cầu thủ giảm lương là một bài toán không hề đơn giản, dù hoàn cảnh hiện tại bóng đá “đóng băng” thì nhiều đội cần cầu thủ chung tay để san sẻ khó khăn.
Theo Hoài Anh (Saostar.vn)