Đã 500 ngày trôi qua kể từ buổi chiều đầy nắng ở Navi Mumbai, Ấn Độ, nơi khoảnh khắc lịch sử được tạo ra: ĐT nữ Việt Nam lần đầu giành vé tới World Cup.
Đó là phút 56, từ xa bên cánh trái, Thái Thị Thảo phất đường bóng dài nhắm thẳng vào khu cấm địa Đài Bắc - Trung Hoa. Là tiền vệ phải và thích thâm nhập vòng cấm, Nguyễn Bích Thùy luôn chờ đợi những tình huống như vậy. Khi nó tới, cô biết phải làm gì. Pha hãm bóng bằng chân phải đồng thời mở ra không gian và góc sút phù hợp, tiếp theo là cú dứt điểm tinh tế bằng chân trái tạo nên bàn thắng lịch sử.
Các tuyển thủ nữ Việt Nam, từ những người trên sân lẫn trong khu kỹ thuật đều vỡ òa vui sướng, ùa chạy theo Bích Thùy, người cũng đang bùng nổ cảm xúc. Với đôi tay dang rộng, cô ngửa mặt lên trời và hét lên như thể nói với cả thế giới: “World Cup 2023, chúng tôi tới đây”.
1. Bích Thùy chia sẻ rằng sau này có con, chắc chắn sẽ kể cho chúng nghe về hành trình tới World Cup 2023. Khi nhìn lại, đây thực sự là một hành trình siêu thực. Ngay cả ở điều kiện lý tưởng cũng thật khó để giành vé tới ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, trong khi ĐT nữ Việt Nam lại rơi vào tình cảnh vô cùng ngặt nghèo. Hơn nửa đội mắc Covid-19, tạo nên bầu không khí hoang mang và lo lắng. Là một trong những người bị nặng nhất, Bích Thùy nói rằng cô và các đồng đội như bị đẩy vào đường cùng. Ý nghĩ rời Asian Cup 2022 cũng bắt đầu xuất hiện.
Nhưng cũng chính vào lúc ấy, giấc mơ World Cup lại bùng lên mạnh mẽ, thổi bùng ý chí chiến đấu ở mỗi cầu thủ. Họ biết đây là cơ hội cuối để đạt được ước mơ cả đời.
“Từ lúc bốc thăm, mặc kệ mọi người nói về bảng đấu khó khăn, tôi giỡn với Huỳnh Như, Như à, sao em tin kỳ này mình đi World Cup quá. Chị Như trả lời, tao cũng tin vậy đó. Rồi cả đội hạ quyết tâm phải làm cho kỳ được. Thế hệ trước đã bỏ lỡ World Cup, thế hệ chúng tôi phải làm điều gì đó để sau này không hối tiếc”, Bích Thùy chia sẻ với Báo Tiền Phong.
Ngày lên máy bay sang Tây Ban Nha tập huấn, bắt đầu hành trình săn vé World Cup 2023, Bích Thùy khẽ đặt tay lên ngực, thầm nói với người ba đã mất: “Ba ơi, đi với con nhé. Ba con mình sẽ cùng làm nên lịch sử”. Năm 2014 khi thất bại với mục tiêu giành vé đến World Cup 2015, chính ba đã nói với cô, “con vẫn còn cơ hội, ba tin một ngày nào đó chính con là người chinh phục nó”.
2. Mỗi khi nhắc tới ba, Thùy luôn cố để nước mắt không rơi. “Mong ước lớn nhất của ba là được nhìn thấy tôi chạy trên sân với chiếc áo đội tuyển, phía trước là lá cờ Tổ quốc và tên mình gắn ở phía sau”, cô nghẹn ngào khi hồi tưởng lại những năm tháng tuyệt vời với ba, “Tôi đã hứa sẽ giúp ba thỏa ước nguyện. Chỉ tiếc, ngày làm được điều đó cũng là ngày ba rời xa tôi”.
Thời gian ba lâm trọng bệnh, Bích Thùy được phép về thăm. Những ngày trong viện, ba nói cô hãy đi, sớm trở lại đội tuyển để biến giấc mơ của hai ba con thành sự thật. “Dù sao con đi cũng chỉ 10 ngày, ba chờ con được”, ông nói. Và Thùy gạt nước mắt, nhắc đi nhắc lại ba cố chờ con.
Sang Trung Quốc, Thùy được ra sân ngay trận đầu tiên. Còn phải nói cô đã hạnh phúc thế nào. “Còn trẻ mà được lên tuyển, lại đá chính và đá tốt, được bác Chung khen, các chị cũng khen, tôi sung sướng lắm. Dù đội thua nhưng tôi không thể kiềm chế được sự phấn khích, lên xe cứ cười nói mãi, chỉ mong mọi người tiếp tục nói về trận đấu, về màn trình diễn của mình”, tuyển thủ sinh năm 1994 nhớ lại, “Cho đến khi người chị chung phòng nhìn Thùy, nói, em bình tĩnh chưa?”.
Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, tim Thùy bắt đầu đập loạn. Cô biết điều khủng khiếp nhất đã xảy ra.
3. Như Thùy kể, bình thường mỗi buổi sáng thức dậy cô luôn với tay lấy điện thoại, kiểm tra tin nhắn để nắm bắt bệnh tình của ba. Nhưng hôm định mệnh ấy cô dậy trễ. Và lúc báo thức reo, chưa kịp tắt thì người chị cùng phòng đã với lấy điện thoại và xem được tin thông báo, ba Thùy mất lúc 2h00 sáng.
Vốn biết ước mơ lớn của ba Thùy là được thấy con gái khoác áo đội tuyển quốc gia, chị đã không nói lại cho Thùy biết, sợ cô ảnh hưởng tâm lý. Trận đấu hôm đó diễn ra lúc 20h00. Khi tất cả xong xuôi, chị mới nói cho cô biết. Đang muốn gọi điện về cho ba mừng, từ thiên đường, mọi thứ dưới chân bỗng sụp đổ, Thùy rớt thẳng xuống vực thẳm.
“Tôi không biết diễn tả chính xác tâm trạng khi ấy, chỉ biết rằng đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất, một trải nghiệm tôi không bao giờ muốn lặp lại. Tôi nhớ mình đã khóc, khóc thật to và khóc rất nhiều. Tôi muốn trở về nhà ngay lúc ấy, dù biết khi ấy là quá muộn. Rồi tôi trách bản thân, tại sao mình lại ở đây, tại sao lại bỏ lỡ tin nhắn…”.
“Và tôi nhớ lại những kỷ niệm về ba, về những lần ba động viên cổ vũ tôi theo đuổi con đường bóng đá. Bố cũng nói với tôi rằng hãy cháy hết mình với đam mê. Lại nhớ có lần cả gia đình quây quần bên chiếc TV, vừa nhậu vừa xem tôi đá. Rồi khi tôi ngã, mẹ lại la, coi kìa, em nó té ở trỏng mà ngoài này mấy người ăn nhậu vui sướng quá. Mẹ rất sợ tôi đau. Vì lẽ đó, thoạt đầu bà không muốn tôi đá bóng. Sau này mẹ cũng sợ đến sân, bởi bà sẽ khóc mỗi khi tôi ngã. Còn ba, nghe mẹ la lại càng cười dữ”.
“Giờ thì những ngày tháng ấy không còn nữa, khi ba đã rời xa chúng tôi”.
4. Khi đã bình tâm lại, Thùy nhận ra ba sẽ không vui nếu thấy cô như thế này. Trong mắt ba, con gái của ba luôn là người mạnh mẽ nhất. Vì vậy Thùy gạt nước mắt, chấp nhận sự thật và ở lại, chơi tốt nhất có thể. Cô phải tiếp tục với con đường đã chọn, và ba tin cô sẽ thành công.
Thùy nói rằng con đường này khá là chông gai. Ngay từ đầu không ai trong gia đình ủng hộ, bởi phải xa nhà, lại dãi nắng dầm mưa và thiệt thòi đủ thứ. Mẹ Thùy, như đã biết, không chịu nổi cảnh con đau đớn. Chưa kể khi ấy Thùy đã 16 tuổi, thời điểm định hình tương lai cũng như nghề nghiệp.
So với các nữ cầu thủ khác, Thùy đến với bóng đá muộn nhất. Cô gái quê Quảng Ngãi chỉ chơi bóng đá ở trường, tham gia Hội khỏe Phù Đổng, vô tình lọt mắt xanh thầy giáo thực tập, được thầy giới thiệu lên CLB TP.HCM. Cuối cùng thấy Thùy đam mê quá, gia đình phải chiều lòng với lời nhắn nhủ “thành hay bại cũng đừng hối tiếc”.
Ai dè mới được một tuần, Thùy đã hối tiếc. Sau khi bị nỗi nhớ nhà xâm chiếm, cô xin về các thầy cho về chơi rồi ở lại hẳn. Có điều trở lại với cuộc sống bình thường, Thùy chợt nhận thấy bóng đá mới là nơi cô thuộc về. Thêm các cuộc điện thoại tác động từ phía thầy cô trên trung tâm, Thùy quyết định quay lại đội để cháy hết mình với đam mê.
Xuất phát điểm trễ, thậm chí còn chưa hiểu luật việt vị khi mới bắt đầu, lại bất lợi về mặt hình thể và lơ ngơ nhà quê ra tỉnh, bị chúng bạn ghẹo giọng miền Trung, song chính tất cả những điều ấy lại trở thành động lực để Thùy cố gắng. Cô luôn chăm chỉ hơn bất cứ ai, cả trên sân lẫn trong phòng tập thể lực. Cô đi bơi, chống đẩy, tập cơ đùi và chạy rất nhiều. Thùy cũng nỗ lực tạo dựng những lợi thế cho riêng mình, như kỹ thuật và sự nhanh nhẹn, khả năng tư duy và nhận biết cơ hội. Cô phải trở nên tốt hơn, và tốt hơn nữa.
“Tháng lương đầu tiên ở CLB TP.HCM, tôi có mua cho mình một chiếc xe đạp để tiện đi học. Sau khi tốt nghiệp, tôi gửi tặng cho mấy em khóa sau. Tôi luôn suy nghĩ, ngày xưa mình mới lên trung tâm khó khăn vất vả thế nào, mấy em lên sau cũng tương tự. Vì vậy phải có trách nhiệm hỗ trợ các em, như các chị lớn từng hỗ trợ mình. Đáng tiếc là chiếc xe đó các em xài rồi không may làm mất”, Nguyễn Bích Thùy.
5. “Bước cùng đam mê và tạo nên tuổi trẻ tuyệt vời”, những lời động viên của ba luôn văng vẳng bên tai Thùy, và nghịch cảnh cũng không làm cô chùn bước.
Năm 2018, Bích Thùy dính chấn thương dây chằng rất nặng. Với một người luôn chơi với khát khao chiến thắng vô tận và cống hiến hết mình trong từng giây có mặt trên sân, không gì đau khổ hơn việc bị biến thành người ngoài cuộc. Tệ hơn, vì nhiều lý do, quá trình hồi phục của Thùy kéo dài tới 8 tháng.
Tuy nhiên, chính quãng thời gian ấy lại hun đúc nên một Bích Thùy mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Cô học được tính nhẫn nại, sự từng trải và cả những kỹ năng mới. Cô thậm chí còn làm được những điều mà trước đây không dám làm. Ví dụ, cô vốn rất nhát đánh đầu, nhưng ngay trận đầu tái xuất gặp Hà Nội I ở giải VĐQG 2018, Thùy đã có pha lập công bằng đầu vô cùng ấn tượng. Trận bán kết với Than khoáng sản, cô lại làm điều đó thêm lần nữa khiến ai cũng ngạc nhiên, sau đó ngước nhìn cô gái cao 1m53 với sự ngưỡng mộ.
Theo năm tháng, cô không chỉ là trụ cột của CLB TP.HCM I mà còn trở thành nhân tố không thể thiếu của ĐT nữ Việt Nam, một mũi khoan phá bên hành lang phải. Hoặc cô sẽ cung cấp những đường chuyền chất lượng cho Huỳnh Như hay Hải Yến hoặc thâm nhập vòng cấm và tự mình ghi điểm, như bàn thắng vào lưới Đài Bắc Trung Hoa, đưa Việt Nam tới World Cup 2023.
“Bàn thắng ấy sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời, bởi nó mang quá nhiều ý nghĩa. Và không chỉ cho riêng tôi”, Bích Thùy chia sẻ. Đó là lý do khi nhìn lại, Thùy luôn cảm thấy mình may mắn khi lựa chọn đúng, sống trọn vẹn với đam mê và tạo nên năm tháng tuổi trẻ không thể nào quên. Theo cách nói của cô, bóng đá đã cho cô tất cả.
Nhưng nó còn lâu mới dừng lại. Cô gái nhỏ bé quê Quảng Ngãi vẫn tiếp tục tiến lên. Bước tiếp theo là chinh phục đỉnh cao World Cup 2023 tại Australia & New Zeeland. Thùy nói: “Đã tới được đây, bất chấp đối thủ là ai, tôi và các đồng đội sẽ quyết tâm hơn 100% sức lực, sự máu lửa cùng nhiệt huyết, cho cả thế giới thấy người phụ nữ Việt Nam có thể làm được những gì”.
Thùy cứ chiến đấu và biết cô sẽ không cô đơn. “Tôi tin mình đã khiến ba tự hào. Và trên thiên đường, ba chắc chắn luôn dõi theo, cổ vũ tôi”, cô cho biết.
“Bàn thắng của Bích Thùy ghi được rất đẹp, rất đúng lúc. Quan trọng hơn đó là bàn thắng có giá trị quý như vàng, mang lại tấm vé lịch sử World Cup cho bóng đá nữ Việt Nam. Vào lúc trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, cảm xúc của tôi và mọi người đều vỡ òa sau những vất vả bao lâu nay, không thể kìm nổi vui mừng”, HLV Mai Đức Chung
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)