Trong chiến thắng lịch sử 2-1 của tuyển nữ Colombia trước Đức, đội bóng giàu thành tích thứ nhì lịch sử World Cup, Leicy Santos chính là “kiến trúc sư”. Cô đã vẽ nên một đường cong tuyệt đẹp để Vanegas đánh đầu ấn định tỷ số 2-1. Với pha bóng ấy, cùng với những đóng góp to lớn trong chiến thắng trước Hàn Quốc, Santos tiếp tục chứng tỏ rằng cô là nhạc trưởng tài ba của tuyển nữ Colombia.
Nhưng có lẽ sẽ không có Leicy Santos của ngày hôm nay nếu như cha mẹ không hy sinh vì cô. Câu chuyện thú vị về một hành trình ly kỳ cùng trái bóng tròn của cầu thủ sinh năm 1996 này vừa được kể bởi chính cô, trong bộ phim tài liệu được Warner Bros thực hiện.
Sự hy sinh của cả gia đình
Santos sinh ra tại San Sebastian, một ngôi làng chài nhỏ, hẻo lánh ở Cordoba, nơi người dân quanh năm suốt tháng bám biển. Lênh đênh trên những con thuyền, lũ trẻ cũng hiếm khi được học hành tử tế. Thú vui gần như duy nhất của chúng ngoài những giờ theo cha mẹ ra khơi có lẽ là trái bóng tròn.
Santos kể lại rằng mỗi khi ngồi trước hiên nhà cho mẹ tết tóc, cô chỉ ước mình là con trai để có thể cùng lũ trẻ chạy theo trái bóng tròn. Cô rất muốn được chơi, nhưng mẹ Santos thì một mực từ chối. Bà nói rằng con gái là phải mặc đẹp, phải thuỳ mị nết na, không được lăn lê trên những sân bóng bụi bặm.
Nhưng bà không thể làm vơi đi cơn khát bóng đá trong tâm trí cô bé. Ngày qua ngày, niềm đam mê bóng đá lớn dần trong cô. Chứng kiến lũ bạn chơi, rồi thi thoảng trốn mẹ ra chơi cùng, cứ mỗi lần như thế Santos lại nhìn thấy tiềm năng trong mình trỗi dậy. Và rồi một ngày, cô quyết định thổ lộ tất cả ước mơ với bố mẹ.
Ban đầu ngăn cản, nhưng trước tâm huyết và tiềm năng của Santos, bố mẹ cô cũng đành nghe lời, nhất là khi một tuyển trạch viên nhìn thấy tương lai của cô bé lúc đó mới 12 tuổi này.
Khó khăn bắt đầu đến từ đây. Vì nếu muốn trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, cô phải khăn gói đến thủ đô Bogota, khi ấy gần như là nơi duy nhất trên đất nước Colombia nhận đào tạo những cô bé đá bóng.
Gia đình Santos lại không hề khấm khá, nếu không muốn nói là nghèo. Cha cô đánh cá còn mẹ cô ở nhà nuôi trồng. Cha của cô nhớ lại: “Chúng tôi không muốn, nhưng dù sao chúng tôi cũng đành gửi con bé đi”.
Và để có lộ phí cho Santos, cha mẹ cô đã phải bán non đàn lợn mà họ dự tính năm sau mới thu hoạch. "Tôi đã bán gần hết đàn lợn. Đó là tài sản duy nhất chúng tôi có vào thời điểm đó, vì nhà chẳng còn xu nào", cha của ngôi sao tuyển Colombia bùi ngùi.
Sau 18 giờ đi xe bus đến thủ đô của Colombia, Santos nhanh chóng bắt tay vào tập luyện. Qua 2 tuần trầy trật tại đây, cô mới hiểu ra rằng để theo bóng đá chuyên nghiệp không hề đơn giản. Cô phải tập mỗi ngày. “Khi nghe HLV bảo thế, tôi đã nói: 'Tôi sẽ làm được!' Tôi thực sự muốn trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp".
'Canh bạc' cuộc đời
Vì con, cả gia đình cô thực hiện một lựa chọn đầy phiêu lưu. Họ quyết định đến định cư ở Bogota để Santos có điều kiện theo đuổi ước mơ. Vào thời điểm đó, không có giải đấu chuyên nghiệp dành cho phụ nữ, không có đầu tư từ chính phủ và càng không có gì đảm bảo rằng con đường của Santos sẽ thành công.
“Mọi người bảo chúng tôi bị điên”, Santos nói. “Tôi nhớ có một lần, bố tôi đi làm về và thấy tôi và anh trai đang ăn tối chỉ có cơm và cà phê. Điều đó khiến ông ấy rất đau lòng”.
Không muốn cả gia đình khổ sở tại Bogota, cha của Santos từ bỏ việc bán cá để trở thành một công nhân xây dựng với mức lương trung bình, mẹ của cô từ bỏ đàn lợn lên thủ đô chạy việc vặt mỗi ngày. Bên cạnh công việc bếp núc, bà luôn sẵn lòng làm giúp việc theo giờ, giặt là hay trông hàng, bất cứ việc gì có thể làm ra tiền, bà đều không chê.
Và nỗ lực của cả gia đình Santos cuối cùng được đền đáp. Cô được gọi vào tuyển U17 Colombia ở tuổi 15. Đà thăng tiến của cô gái có đôi chân khéo léo này lên như diều gặp gió. Đến năm 2016, khi 20 tuổi, Santos trở thành cầu thủ thường xuyên đá chính cho đội tuyển quốc gia, đại diện cho Colombia dự Olympic Rio.
Màn thể hiện ấn tượng của Santos tại sân chơi này cũng giúp cô vượt Đại Tây Dương sang Atletico Madrid. Khi đó là năm 2019 và thời khắc này đưa Santos đi vào lịch sử. Cô trở thành cầu thủ nữ đầu tiên của Colombia được một đội bóng châu Âu chiêu mộ. Không lâu sau đó, cô là cầu thủ nữ Colombia đầu tiên ghi bàn ở Champions League. Bây giờ, cô là nhạc trưởng, đạo diễn nên hai chiến thắng của Colombia trước Hàn Quốc và Đức tại Cúp thế giới 2023.
Từ một ngôi làng chài bé nhỏ đến sân chơi World Cup, từ một cô gái bị ngăn cấm đá bóng đến đẳng cấp ngôi sao, Santos đã đi trên một hành trình ly kỳ như thế. Và để hành trình ấy không đứt đoạn, chắc chắn cô phải cảm ơn... đàn lợn nhà mình.
Theo Đặng Lai (Tiền Phong)