Như đã đưa tin, ngành thể thao mới đây đã thông qua giới thiệu 3 cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý ra tranh cử ở Đại hội 8 VFF, gồm: Thứ trưởng Lê Khánh Hải (vị trí Chủ tịch), Vụ trưởng, Phó chủ tịch thường trực VFF khoá 7 (Phó chủ tịch chuyên môn) và Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa (Phó chủ tịch tài chính).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5 vừa qua, Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm củng cố, kiện toàn bộ máy lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 8, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, nhưng nội bộ VFF có dấu hiệu mất đoàn kết, đấu đá lẫn nhau. Nhìn từ chỉ đạo của Chính phủ thì việc ngành thể thao nhắm tới 3 chiếc ghế quan trọng nhất ở VFF, trong đó có chiếc ghế tài chính là rất khó hiểu.
Ở vị trí Chủ tịch, Thứ trưởng Lê Khánh Hải hiện là ứng viên duy nhất. Nếu nhìn vào lịch sử các kỳ đại hội VFF thì khả năng ông Lê Khánh Hải trúng cử lên tới 99%, nếu không nói là chắc chắn.
Tương tự, ghế Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, đương kim Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn cũng được đánh giá rất cao. Đối thủ của ông Trần Quốc Tuấn ở vị trí này chỉ là nguyên Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, vốn đã gần 70 tuổi! Một người khác là ông Dương Vũ Lâm lâu nay chỉ được biết tới với vai trò trưởng đoàn các đội tuyển trẻ. Dân bóng đá nói ông Dương Vũ Lâm “nhẹ vía”, thường mang vận may cho đội.
Chưa bầu, Bộ VH-TT&DL đã cầm chắc 2 ghế ở VFF. Thực ra chuyện một cán bộ nhà nước nắm ghế ở tổ chức xã hội nghề nghiệp, dù hiện nay không thực sự được khuyến khích nhưng nếu người đó làm được việc, hoặc có tiềm năng làm tốt thì chẳng đáng bàn. Khi đó thì Bộ nắm 3 hay thậm chí 4,5 ghế lãnh đạo VFF cũng không thành vấn đề.
Nhưng chuyện Bộ VH-TT&DL thông qua quyết định giới thiệu Giám đốc Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa tranh chiếc ghế Phó chủ tịch tài chính VFF thì thực sự gây ngạc nhiên, lẫn nghi ngại.
Dưới thời ông Cấn Văn Nghĩa, Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình thường xuyên gây lùm xùm vì hoạt động cho thuê mặt bằng để mở quán nhậu, bia hơi, dịch vụ massage… gây mất mỹ quan đô thị, từng bị chính quyền địa phương nhắc nhở nhiều lần. Hoạt động tài chính của Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình theo tìm hiểu gần đây, cũng đang có những vấn đề bất cấp chưa được làm rõ.
Báo Lao động vừa qua cũng đặt vấn đề rất đáng suy ngẫm, là ông Cấn Văn Nghĩa từng đảm trách các vị trí vận động tài trợ, tài chính ở Ủy ban Olympic Việt Nam và Hiệp hội thể thao dưới nước. Vậy thì ngành thể thao khi đưa người của mình ra, có xét tới hiệu quả công việc cán bộ, hay chỉ để “người nhà” tranh ghế với doanh nhân ngoài xã hội?
Cần nhắc lại là các nhiệm kỳ gần đây, Phó chủ tịch tài chính VFF thường do một doanh nhân lớn đảm nhận. Hiện tại là Chủ tịch tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức và trước ông Đức là ông Lê Hùng Dũng. Trong khi đó tháng 9 tới đây, ông Cấn Văn Nghĩa sẽ nghỉ hưu.
Nhìn sang một số liên đoàn như quần vợt, điền kinh, bắn súng… vị trí Chủ tịch đều là những doanh nhân tên tuổi. Ừ thì bóng đá có tác động lớn tới xã hội, nhiều doanh nhân lớn cũng đã từ chối dù được ngành thể thao ướm lời nên buộc Bộ VH-TT&DL phải đưa người ra nắm. Chuyện này thì có thể chia sẻ được, nhưng đến chiếc ghế tài chính vốn đậm chất doanh nhân lâu nay mà Bộ cũng muốn lấy cho bằng được thì ai còn muốn tranh?
Theo Bất Hoặc (Tiền Phong)