Lời tòa soạn: Gắn bó với trái bóng từ tuổi 15 và trải qua cuộc hành trình đủ thăng trầm trong nghề suốt 55 năm qua, câu chuyện về sự nghiệp của ông Phạm Ngọc Viễn mang tới những gam màu sáng tối đặc trưng của thời kì chuyển mình tiến lên chuyên nghiệp đầy gian nan của bóng đá Việt Nam.
Ở đó, với cương vị Tổng thư ký, Phó chủ tịch VFF, rồi sau này trở thành Tổng giám đốc công ty VPF, ông Phạm Ngọc Viễn đã phải kinh qua rất nhiều khó khăn, đôi lúc bị kẹp vào thế "đứng giữa hai làn đạn" của sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới.
Tất cả tạo nên những câu chuyện ồn ào mà cho đến tận bây giờ khi nhắc lại, vị quan chức kỳ cựu của bóng đá Việt Nam vẫn còn cảm thấy khó hiểu bởi sự bi hài trong cách nhìn nhận nhiều vấn đề ở thời kì "quá độ" của bóng đá Việt Nam.
THAI NGHÉN MỘT CÔNG TY TƯƠNG TỰ VPF TỪ CUỐI THẬP NIÊN 90, ĐẦU 2000
Trên thực tế, khi đảm nhận vai trò Tổng thư ký VFF trong giai đoạn 1997-2005, ông Phạm Ngọc Viễn vẫn được cho là người mạnh đối ngoại hơn so với đối nội. Trong hơn 7 năm đương chức, bằng sự vận động cá nhân và làm tốt vai trò Tổng thư ký của ông Viễn, VFF đã thiết lập được sợi dây liên kết chặt chẽ và hiệu quả với AFF, AFC và FIFA, qua đó nhận được khá nhiều khoản đầu tư từ các tổ chức này để phát triển bóng đá.
Ngoài ra, ông Viễn cũng mở ra giai đoạn Việt Nam đứng ra tổ chức, đăng cai các giải đấu quốc tế để khuấy động phong trào bóng đá trong nước. Bắt đầu bằng việc tổ chức thành công Tiger Cup 98 chỉ trong 2 tháng gấp rút chuẩn bị, những giải đấu sau đó như Dunhill Cup 1999, cúp Ba châu lục 1999, vòng loại Olympic Sydney 2000, vòng chung kết U16 châu Á năm 2000 đều được Việt Nam tổ chức thành công, dù còn điều kiện còn không ít khó khăn.
Tuy nhiên, ngoài những thành tích kể trên, không thể không nhắc đến đóng góp của ông Phạm Ngọc Viễn trong việc cải tổ hệ thống thi đấu trong nước để chuyển từ giai đoạn bao cấp sang chuyên nghiệp. Chính vị Tổng thư ký này là người chấp bút, khởi thảo Đề án phát triển bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam từ năm 1998 theo lộ trình chuyên nghiệp hóa bóng đá châu Á.
Chỉ có điều đến tận bây giờ khi nhắc lại, ông Viễn vẫn tiếc rằng giá như những đề xuất của mình được thực hiện ngay từ những ngày đầu, bóng đá Việt Nam đã có thể đi theo một lộ trình khác ít gập ghềnh hơn.
"Tôi là người đầu tiên làm đề án để trình lên về việc tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp. Đến năm 2001 thì được cho phép bắt đầu thử nghiệm tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên, xây dựng các quy chế để điều hành trong giai đoạn 10 năm (2001-2010).
Thực tế ngay từ đầu, trong đề án trình lên vào cuối thập niên 90, đầu 2000, tôi đã đề cập đến việc trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp cần phải có một công ty riêng để tổ chức giải đấu. Bởi vì tất cả các nước có nền bóng đá tiên tiến họ đều làm vậy. Tuy nhiên do nhiều vấn đề mà đề xuất này chưa được chấp thuận.
Thậm chí việc dùng tên gọi như thế nào cũng không phải đơn giản. Khi manh nha làm đề án, mình muốn dùng cách gọi đúng là "thể thao nhà nghề". Nhưng quan niệm ở những năm 1997,98 nó khác bây giờ. Người ta bảo tại sao lại coi cầu thủ giống như một món đồ để mua bán qua lại? Tranh luận cũng không đơn giản chút nào. Không cẩn thận mình lại còn bị cho là sai đường lối chủ trương.
Cuối cùng để dung hòa các bên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự gợi ý nên dùng từ "chuyên nghiệp". Bây giờ tất cả mọi thứ rất bình thường, nhưng những giai đoạn "tranh tối tranh sáng" như thế thì có nhiều khó khăn lắm", ông Phạm Ngọc Viễn kể lại.
Ông nói tiếp: "Đầu tiên tôi đưa một bản kế hoạch tương đối đầy đủ. Nếu làm một bản kế hoạch ngay từ đầu như thế thì bóng đá mình có lẽ đã tiến xa rồi. Nhưng khi đưa ra thì có rất nhiều ý kiến, phải làm sao phù hợp với điều kiện hiện tại ở Việt Nam. Thế là mỗi năm lại có những sự thay đổi, sau 4,5 năm, đến năm 2005 thì quy chế so với ban đầu đã lạc hậu đi rất nhiều, bởi vì cứ mỗi năm lại cắt bớt đi một vài nội dung.
Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng điều kiện kinh tế của mình khác với các nước có nền bóng đá tiên tiến hơn. Bản chất của bóng đá chuyên nghiệp phải xuất phát từ nền kinh tế thị trường, trong khi chúng ta vẫn còn đang trong giai đoạn chuyển đổi và dần hoàn thiện.
Bóng đá chuyên nghiệp thì đứng sau mỗi CLB phải là một tập đoàn kinh tế vững chắc. Chúng ta tổ chức các chuyến đi để học hỏi xem cách làm bóng đá chuyên nghiệp ở nơi khác như thế nào, nhưng cái khó nằm ở chỗ phải áp dụng vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam ra sao.
Ví dụ như quy định về việc các CLB bắt buộc phải xây dựng hệ thống đào tạo trẻ, ban đầu đã có nhưng lại bị tiết giảm vì không có kinh phí để thực hiện được. Đến mãi thời gian gần đây mọi thứ mới dần được quy định rõ ràng hơn. Cho nên việc đó phá vỡ cả một lộ trình, dẫn đến một giai đoạn bùng nổ một cách quá mức để có được thành tích theo kiểu càng nhanh càng tốt.
Thời kỳ 2006-2010, các CLB bắt đầu mua bán đẩy giá cầu thủ lên quá mức, mọi thứ vượt ra khỏi vòng kiểm soát, không theo quy luật đáng lẽ phải có. Nó tạo thành tiền lệ để đến tận bây giờ việc này Liên đoàn vẫn không thể nào kiểm soát được. Đó là những khó khăn trong quản lý do vấn đề về nhận thức của những người quản lý.
Hoặc đôi khi xuất phát từ những vụ đầu tư vào bóng đá theo kiểu "ăn xổi", doanh nghiệp nhảy vào đầu tư, đạt được mục đích rồi thì rút chân ra, để lại đội bóng trong cảnh sống lay lắt. Phải mãi về sau mới có những nơi đầu tư cho đào tạo trẻ như HAGL, Hà Nội, Viettel… mới tạo được sự tác động tích cực lan tỏa đến việc chú trọng vào đào tạo ở các CLB khác. Nếu tất cả các CLB đều có một nền tảng đào tạo bài bản thì sẽ tạo ra được sự thúc đẩy và cạnh tranh, mang đến giá trị tích cực", ông Viễn chia sẻ.
TRỞ LẠI LIÊN ĐOÀN SAU 6 NĂM, NHẬM GHẾ TỔNG GIÁM ĐỐC VPF ĐỂ ĐẤU TRANH VỚI… CHÍNH VFF
Sau khi từ chức Tổng thư ký VFF vào đầu năm 2005 vì vụ thua kiện HLV Letard, ông Phạm Ngọc Viễn sang làm việc tại Viện khoa học TDTT (Viện phó) và sau đó đảm nhận vai trò Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội.
Đến năm 2011, ông trở lại VFF để đảm nhận vai trò Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, để rồi sau đó lại tiếp tục bước vào một cuộc cách mạng mới của bóng đá Việt Nam với sự ra đời của công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
"Cuối năm 2011, sau bài phát biểu đình đám của bầu Kiên, tôi lại thêm một lần soạn đề án để thành lập một công ty riêng để tổ chức các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp. Tôi đưa ra hai, ba phương án, nhưng Liên đoàn vẫn muốn có sự bao trùm trong việc quản lý. Mặc dù lúc ấy tôi đang nắm vai trò Phó chủ tịch VFF, nhưng cảm thấy điều đó không đúng với những gì đáng ra phải làm. Như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên đoàn vẫn chỉ đạo nhưng không tham gia quá sâu vào việc tổ chức giải. Mọi việc phải được hai bên phối hợp hài hòa.
Tôi sang làm Tổng giám đốc VPF, định hướng đưa giải bóng đá chuyên nghiệp vào khuôn khổ. Mà đầu tiên mới sang đã có mâu thuẫn tranh chấp giữa VFF và VPF rồi", ông Viễn kể lại.
"Công ty điều hành giải bao giờ cũng phải có sự độc lập tương đối, đã giao cho người ta rồi thì phải để người ta làm. Ví dụ như bản quyền truyền hình là xương sống của giải đấu, luôn chiếm đến 45-65% tổng thu lại vẫn thuộc về Liên đoàn.
Tôi là người của Liên đoàn nhưng lại thấy có nhiều điều vô lý trong việc bán bản quyền truyền hình nên bắt buộc phải phá vỡ cái cũ đi. Hai bên phải cùng đứng ra để đảm bảo được quyền lợi của CLB, bởi vì thương quyền của CLB đã do công ty nắm thì phải đảm bảo được quyền lợi cho họ. Dần dần đến bây giờ mọi việc đã tốt hơn, công ty đã có thể chia tiền bản quyền cho các CLB. Tất nhiên cần phải có thời gian để những con số này dần tăng lên.
Tôi luôn ở trong những giai đoạn mà cái gì cũng là mới. Bao giờ cũng có hai luồng dư luận. Một là ủng hộ cái cũ, hai là muốn theo cái mới. Tôi luôn là người đứng giữa hai làn đạn. Đôi khi làm không khéo thì thành sai, nhưng tích cực quá nhiều khi cũng có những vấn đề này kia. Nhưng dù thế nào mình cũng phải làm để sao cho mọi thứ đi theo cái mới, chứ cứ theo lối cũ thì công ty VPF ra đời để làm gì, có khác gì Ban tổ chức thi đấu của Liên đoàn đâu. Mục đích của VPF là phải tổ chức được giải đấu chuyên nghiệp hơn, tạo ra được nguồn lợi kinh tế.
Như năm 2014, thời điểm hợp đồng với nhà tài trợ của giải chuẩn bị đáo hạn, tôi phải sang đi mấy nước, lăn lộn trong 3 tháng trời để thương thảo tìm phương án mới với Toyota. Đầu tiên mình sang Nhật Bản làm việc với công ty mẹ ở bên đó, xong lại về Singapore trao đổi tiếp với công ty Toyota phụ trách thị trường Đông Nam Á, được sự đồng ý thì cuối cùng mới chốt đàm phán với công ty Toyota Việt Nam.
Đơn vị này trước đó họ đã tài trợ cho Thai League, mình lại phải xem cách tổ chức giải của Thái Lan ra sao để đảm bảo yêu cầu quyền lợi từ nhà tài trợ sao cho hợp lý. Đây không phải họ cho mình tiền mà đó là đối tác thương mại, mình phải chăm sóc, đáp ứng nhu cầu quyền lợi của họ. Mà truyền tải được điều này để các CLB cùng hiểu không phải chuyện đơn giản bởi vì thời kì ban đầu bao giờ cũng có khó khăn. Nhưng nếu mình vạch ra được con đường đúng và kiên định đi theo con đường đó thì mọi việc sẽ xuôi".
VỊ TRƯỞNG GIẢI HỌC VIỆC VÀ CHUYỆN VPF BỊ CÁC CLB… "XÙ" TIỀN
Trong thời gian ông Phạm Ngọc Viễn làm Tổng giám đốc VPF, có thể thấy rõ những nỗ lực từ ông và công ty để kết hợp với các nền bóng đá tiên tiến, qua đó học hỏi kinh nghiệm quy hoạch được một hệ thống thi đấu quy củ cho các giải bóng đá chuyên nghiệp.
Theo chia sẻ của ông Viễn, Nhật Bản là nơi được AFC đưa ra khuyến nghị các liên đoàn thành viên nên học theo mô hình quản lý của họ. Lý do bởi đây là một quốc gia châu Á, có nhiều nét tương đồng gần gũi, dễ dàng hơn so với việc học tập các mô hình bóng đá của châu Âu.
Cũng bởi vậy mà công ty VPF muốn có sự kết hợp sâu với LĐBĐ Nhật Bản (JFA) và công ty tổ chức giải J.League. Điều này dẫn đến việc vào năm 2014, lần đầu tiên V.League có Trưởng ban tổ chức giải là người Nhật Bản, ông Tanaka Koji. Tuy nhiên những đóng góp của chuyên gia này trong 1 năm làm việc đã không đạt được kì vọng như mong đợi. Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc này, ông Phạm Ngọc Viễn chia sẻ:
"VPF tổ chức ký hợp tác với JFA từ năm 2012, trước VFF đến 2 năm. Ông Koji sang đây làm Trưởng giải cũng là một trong những động thái hợp tác giữa hai bên.
Có điều ông ấy là một cầu thủ, từng làm bình luận viên nhưng chưa bao giờ làm tổ chức giải cả. Sang đây hầu như ông ấy là người học việc. Mối quan hệ này phần nhiều cũng để tạo điều kiện cho mình gần gũi hơn với LĐBĐ Nhật Bản. Đôi khi mọi việc nó là như thế.
Tiếng Anh của ông ấy không giỏi. Có nói được nhưng không phải là người có thể thuyết trình được toàn bộ các vấn đề. Các thứ đều có người dịch lại và để ông ấy kí thôi, chứ ông ấy không phải một chuyên gia tổ chức thực sự.
Điều hành đáng lẽ phải là một người đã có kinh nghiệm ở J.League cơ, tuy nhiên nếu có thì chắc họ sang Việt Nam làm cũng khó. Các điều kiện giữa hai nước không đồng nhất, ở Việt Nam rõ ràng không được như Nhật Bản được. Việc tác động để thay đổi dần sẽ có hiệu quả, nhưng nó không thể đến ngay được. Mọi việc phải cần rất nhiều thời gian, không phải một người từ Nhật Bản sang là có thể giải quyết hết được. Chúng ta phải hiều điều đó. Các CLB phải có sự nhất quán, BTC giải phải đủ mạnh về chuyên môn để có thể đảm nhận được các công việc. Chứ cứ "bình mới rượu cũ" thì khó lắm".
Trên thực tế, những khó khăn mà ông Viễn đề cập hoàn toàn có thể hiểu được. Bóng đá Việt Nam thời điểm những năm 2013, 2014 dù tiếng là lên chuyên nghiệp từ lâu nhưng việc các CLB bất ngờ biến mất hoàn toàn lại chẳng phải là chuyện hiếm. Những Ninh Bình, Kiên Giang, Sài Gòn XT xuất hiện ồn ào và rồi ra đi cũng đầy chóng vánh.
Thậm chí, ở giải hạng Nhất còn xảy ra chuyện VPF bị "xù" tiền lệ phí tham dự giải do CLB xuống hạng và không còn khả năng tài chính để chi trả.
"Giai đoạn có một số CLB V.League giải thể hay rút lui khỏi giải, người ta có lo lắng rằng các đội bóng này có nợ tiền lệ phí tham dự giải với ban tổ chức hay không. Thực ra với mấy đội bóng đó thì khoản tiền 500 triệu không có gì to tát. Chỉ có mấy đội hạng Nhất, còn thuộc quản lý của địa phương thì gặp khó về kinh phí. Việc giải ngân đôi khi mất thời gian, tiền ăn của đội có khi hết giải mới được duyệt chi. Giờ lấy tiền đâu để đội bóng di chuyển, ăn ở, đi lại nữa là đóng lệ phí kia. Nhưng đó là nguyên tắc, tham gia giải thì phải đóng lệ phí.
Ở Việt Nam thì đôi khi các đội được du di, thông cảm, cho nợ lại đóng sau. Nhưng tất nhiên cũng chỉ một vài trường hợp thôi. Có điều đôi khi đội bóng khó khăn, thành tích không tốt, bị xuống hạng thế là họ xù tiền luôn.
Lúc ấy HĐQT lại phải xét duyệt, những trường hợp khó khăn quá thì coi như là hỗ trợ, bù lại bằng khoản đáng lẽ họ được chia từ bản quyền truyền hình, thương quyền quảng cáo.
Làm bóng đá trong giai đoạn chập chững những bước đầu bao giờ cũng nhiều khó khăn. Theo đà phát triển kinh tế đất nước, mức độ đầu tư cho bóng đá thì nền bóng đá thực sự chuyên nghiệp có lẽ cũng phải sau năm 2030. Việc đưa một CLB thực sự trở thành một doanh nghiệp và có thể tự nuôi sống được mình cần rất nhiều thời gian nữa", ông Phạm Ngọc Viễn kể lại.
LỜI KẾT
Cuối năm 2015, sau 4 năm hoạt động và đã có được nền tảng vững chắc, việc trẻ hóa nhân sự ở bộ máy lãnh đạo VPF được HĐQT công ty đưa vào Nghị quyết. Ông Phạm Ngọc Viễn chuyển sang với vai trò Phó Chủ tịch Thường trực VPF, để lại chiếc ghế Tổng giám đốc cho người trẻ tuổi và được đánh giá cao trong năng lực quản lý bóng đá là ông Cao Văn Chóng.
Ở tuổi gần 70, ông Viễn dần lùi về hậu trường khi những công việc tại VPF được bàn giao và tiếp quản trong êm thấm. Thế nhưng thôi đảm nhận công tác không đồng nghĩa với nghỉ ngơi. Vị quan chức kỳ cựu của bóng đá Việt Nam vẫn tích cực tham gia đóng góp cho bóng đá nước nhà bằng việc tham gia giảng dạy ở các trường Đại học TDTT trên cả nước và hiện tại đang viết chương trình đào tạo bóng đá trẻ cho Thanh Hóa.
Chia sẻ với người viết về những tâm niệm của mình với trái bóng, ông Viễn bộc bạch rằng đã có thời điểm, người ta coi những lộ trình cho kế hoạch phát triển bóng đá Việt Nam do ông vạch ra là ảo tưởng. Nhưng rồi theo thời gian, mọi thứ đang đi đúng theo những dự tính của ông, bởi ông luôn tâm niệm đã làm việc thì phải nhìn về những cái đích ở xa, chứ không được để tư duy nhiệm kỳ bó hẹp định hướng phát triển của cả một nền thể thao.
"Tôi là người chắp bút và viết chiến lược, làm đề án trình lên Chính phủ và bây giờ đang tổ chức thực hiện. Sau nhiều khó khăn thì bây giờ mọi thứ đang tốt dần lên, công tác đào tạo trẻ phát triển. Nếu năm nay chúng ta đạt được mục tiêu SEA Games nữa thì coi như hoàn thành trọn vẹn bước đầu của chiến lược, khi Việt Nam vô địch các giải đấu khu vực và các cấp độ đội tuyển tiến sâu tại giải châu lục. Mọi thứ đều phải có định hướng, chấp bút vạch ra rõ ràng chứ nếu cứ ngồi nói không với nhau thì khó.
Tất nhiên ngay cả lúc đưa ra để bàn luận, rồi trình các bên thông qua thì có những ý kiến cho rằng mình đang xây dựng những lộ trình ảo tưởng. Nhưng bây giờ mọi thứ đang được thực hiện gần như trọn vẹn.
Bao giờ làm đề án cũng phải hướng đến một cái đích ở tầm xa, chứ nếu cứ nhìn ngay trước mắt thì làm sao thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ được. Như thế rất nguy hiểm và không thể thúc đẩy sự phát triển. Một đoàn tàu muốn chạy được nhanh thì phải có đầu tàu đủ mạnh để kéo tất cả đi đúng con đường.
Ví dụ như nếu FIFA chốt phương án tăng số đội dự World Cup 2026 lên 48, đồng nghĩa châu Á có 8,5 suất thì rõ ràng đó là cơ hội lớn cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên quan trọng là chúng ta phải có nền tảng sẵn rồi, chứ chờ đến lúc họ chốt phương án mình mới cuống cuồng chuẩn bị thì làm sao mà kịp được. Cơ sở hạ tầng bóng đá của chúng ta đang tốt dần lên, tất nhiên so với châu Âu thì khó nhưng phải khẳng định rằng nó đang tốt lên, bước đầu như vậy là quá ổn rồi. Tương lai của bóng đá Việt Nam giờ đang rộng mở ở phía trước".
Theo Linh Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)