Lời tòa soạn: Gắn bó với trái bóng từ tuổi 15 và trải qua cuộc hành trình đủ thăng trầm với nghề trong suốt 55 năm qua, câu chuyện về sự nghiệp ông Phạm Ngọc Viễn mang tới những gam màu sáng tối đặc trưng cho thời kì chuyển mình tiến lên chuyên nghiệp đầy gian nan của bóng đá Việt Nam.
Ở đó, với cương vị Tổng thư ký, Phó chủ tịch VFF, rồi sau này trở thành Tổng giám đốc công ty VPF, ông Phạm Ngọc Viễn đã phải kinh qua rất nhiều khó khăn, đôi lúc bị kẹp vào thế "đứng giữa hai làn đạn" của sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới.
Tất cả tạo nên những câu chuyện ồn ào mà cho đến tận bây giờ khi nhắc lại, vị quan chức kỳ cựu của bóng đá Việt Nam vẫn còn cảm thấy khó hiểu bởi sự bi hài trong cách nhìn nhận nhiều vấn đề ở thời kì "quá độ" trong bóng đá Việt Nam.
VỤ THUA KIỆN HLV LETARD - "NỖI HỔ THẸN" CỦA BÓNG ĐÁ VIỆT NAM
Cho đến tận bây giờ, câu chuyện VFF thua kiện vì sa thải HLV Christian Letard và phải đền bù số tiền lên đến 197.800 USD vẫn là một trong những vụ việc "nhớ đời" của bóng đá Việt Nam.
Tháng 3/2002, ông Letard kí bản hợp đồng có thời hạn 2 năm với VFF để dẫn dắt U22 Việt Nam với mục tiêu giành HCV SEA Games 22. Tuy nhiên chỉ sau 4 tháng, vị HLV này đã phải nhận trát sa thải. Không đồng tình, ông Letard kiện lên Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (TAS) và đến ngày 30/9/2004 thì được xử thắng kiện.
Vụ việc ồn ào này khiến Tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn phải xin từ chức khi vụ việc gây xôn xao dư luận vào tháng 1/2005. Ông Viễn nhận lỗi rằng đã không bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình đến cùng, mặc dù đã dự tính trước việc sa thải sẽ khiến VFF gặp nhiều khó khăn về sau này.
Và đến bây giờ khi nhắc lại vụ việc sau gần 2 thập kỷ, vị cựu Tổng thư ký VFF đã có những chia sẻ chi tiết hơn về câu chuyện ồn ào này.
"Có 6 ứng cử viên lọt vào danh sách tuyển chọn HLV cho U22 Việt Nam chuẩn bị SEA Games 2003, trong đó ông Letard được đích thân cựu HLV trưởng đội tuyển Pháp Aimé Jacquet (vô địch World Cup 1998) giới thiệu. Chủ tịch VFF Hồ Đức Việt khi đó rất khoái ông Letard, bởi ông ta nói về triết lý bóng đá rất hay, hồ sơ lại đẹp.
Nhưng ông ấy không được cảm tình vì quyết định loại đi Văn Quyến. Lý do cũng rất đơn giản khi đội tập luyện tại TP HCM, HLV bảo chạy mà cầu thủ lại không chịu chạy. Ông ấy bảo triết lý của tôi, cầu thủ muốn đảm bảo thi đấu được 90 phút thì phải có sức bền, thể lực kém thì đá làm sao được. Có điều lúc ấy Văn Quyến đang nổi như cồn sau giải U16 Châu Á 2000, thuộc hàng sao số hàng đầu.
Cuối cùng HLV Letard vẫn loại Văn Quyến, khi các kết quả thực hiện các bài kiểm tra đều chỉ ra thông số rất kém, dẫu tài năng của Quyến thì không cần phải bàn cãi. Dù vẫn có lời khuyên cho ông ấy về trường hợp này, nhưng HLV Letard bày tỏ rằng khi nhận việc ông ấy đã trình bày triết lý của mình rồi, phải đảm bảo thể lực trước tiên, sau đó là chiến thuật theo ý HLV, còn kỹ thuật thì đó là tố chất sẵn có của cầu thủ rồi.
Nếu một cầu thủ không đáp ứng được thì sẽ phá vỡ hết các ý đồ. Bởi vậy ông ấy thẳng tay loại Văn Quyến. Mà với HLV nước ngoài, đã ký hợp đồng tức là phải trao hết quyền quyết định chuyên môn cho người ta", ông Viễn kể lại.
"HLV Letard cuối cùng cũng chỉ tại vị được 4 tháng. Ở giải giao hữu tại TP HCM, U22 Việt Nam thua U22 Singapore và U22 Ấn Độ, đội bị loại sớm. Theo lý luận của ông ấy, giải đấu giao hữu đó không quá quan trọng. Bởi vì đó chỉ là một bước trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 2003 nên không cần quá căng thẳng.
Nhưng với dư luận thì bất cứ giải đấu nào không có được thành tích tốt là mọi việc đều trở thành ồn ào. Cộng thêm việc loại Văn Quyến, áp lực dành cho HLV Letard càng lớn, dẫn đến quyết định sa thải ông ấy vào tháng 8/2002.
Ủy ban TDTT là nơi ra chỉ đạo xuống Liên đoàn việc sa thải ông Letard. Bởi vì thành tích ở SEA Games là mục tiêu quan trọng nhất. Bây giờ không sa thải, nếu SEA Games tổ chức ngay trên sân nhà mà Việt Nam không vượt qua vòng bảng thì chắc chắn dư luận không để yên.
Vấn đề sa thải HLV trong bóng đá là chuyện bình thường, nhưng đi kèm với đó thì phải đền bù hợp đồng cho người ta. Như bây giờ mọi việc có lẽ rất bình thường. Có điều ở thời kì quá độ lên chuyên nghiệp, người ta nhận thức chưa cặn kẽ về những chuyện như vậy, dư luận đẩy lên trở thành ồn ào.
Ở V.League sau này thiếu gì việc như vậy. Thanh Hóa kí với HLV Đức Thắng, nếu cậu ấy chủ động muốn ra đi thì không sao, nhưng nếu CLB muốn người ta đi thì phải đền bù hợp đồng. Hay HLV Lê Thụy Hải, bao nhiêu hợp đồng ở Thanh Hóa, Bình Dương… thì họ đều phải đền bù đó chứ.
Việc sa thải làm sao một mình tôi quyết định được. Phải có ý kiến của lãnh đạo ủy ban thể thao, họp với Liên đoàn rồi quyết định phải sa thải ông này. Nhưng ta đã không lường trước được các vấn đề, mặc dù đã nói sa thải thì phải đền bù hợp đồng cho ông ấy. Người ta cứ nghĩ nhiều tiền như thế thì cố gắng thương thuyết nhưng ông ấy không nghe.
Còn về các triết lý thì ngày đầu HLV Letard trình bày rất logic. Ông ấy nói rằng mục đích của tôi là SEA Games, giải giao hữu chỉ là nơi để tuyển chọn, thử quân. Bởi thế khi bị sa thải thì HLV này rất cay cú, dẫn đến việc bất hợp tác. Liên đoàn đề nghị bồi thường 3 tháng lương cho quyết định sa thải nhưng ông ấy không đồng ý, quyết đòi đủ số tiền của 2 năm hợp đồng", ông Viễn lý giải về nguyên nhân dẫn đến vụ thua kiện gây xôn xao dư luận của bóng đá Việt Nam.
SỰ VỤ ỒN ÀO TẠI CÚP BA CHÂU LỤC 1999
Ông Phạm Ngọc Viễn đảm nhận vai trò Tổng thư ký VFF được trong gần 2 khóa (1997-2005) và như ông nói, đó là thời kì mà những nhận thức còn mập mờ, không rõ ràng của dư luận khiến cho rất nhiều những vụ việc tưởng như bình thường lại trở thành ồn ào.
Trước khi gặp phải vụ việc rắc rối với HLV Letard, sự cố tại cúp Ba châu lục 1999 cũng là một trong những vụ việc mà ông Viễn không hiểu sao nó lại có thể xảy ra được.
Đó là giải đấu được VFF tổ chức tại TP HCM với đội chủ nhà Việt Nam và hai khách mời là Ajax Amsterdam (Hà Lan) và Atletico Mineiro (Brazil). Và những ồn ào xảy ra liên quan đến vấn đề bản quyền truyền hình.
"Giải đấu năm đó tổ chức ở TP HCM, Đài truyền hình của thành phố (HTV) đòi vào quay, trong khi Liên đoàn đã ký hợp đồng với Đài truyền hình Việt Nam (VTV). HTV họ lý luận rằng tại sao giải đấu tổ chức ở địa phương chúng tôi mà đài truyền hình địa phương lại không được vào. Thế là họ cứ xông vào, thành ra phá vỡ thỏa thuận hợp đồng giữa VFF và VTV.
Nhưng lúc ấy báo chí của thành phố cứ nhấn mạnh vào việc đó. Mà vấn đề bản quyền ở Việt Nam thời kì chưa chuyên nghiệp có nhiều chuyện buồn cười lắm, giờ nghe lại đúng là chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Ngoại hạng Anh bây giờ không bỏ tiền ra mua bản quyền thì sao được phát. Ngay cả AFC Cup, CLB của Việt Nam đá trên sân nhà nhưng không có đài truyền hình nào mua bản quyền thì khán giả cũng phải xem qua kênh quốc tế đó thôi.
Nhưng ngày xưa thì lại ầm ĩ cả lên, rằng đội mình đá sân nhà sao không phát sóng. Trời ơi làm sao mà được, muốn phát sóng thì phải mua bản quyền chứ. Truyền thông lúc ấy đôi khi không có góc nhìn đầy đủ khiến dư luận có những nhìn nhận không hay.
Về sau gặp lại tôi, lãnh đạo phía bên kia cũng chia sẻ rằng lúc ấy được anh em tư vấn thôi chứ cũng không nắm được hết các vấn đề bản quyền. Theo thỏa thuận thì chỉ có 1 đài truyền hình được phép sản xuất, nhưng HTV họ cứ đưa máy vào thì rõ ràng vi phạm bản quyền.
Tuy nhiên, để bù đắp lại việc này, về sau họ quyết định tài trợ kinh phí cho đội U20 Việt Nam đi tập huấn tại Italia trong vòng 3 tuần vào đầu năm 2000".
TAI TIẾNG VIỆC ĐIỀU PHỐI TRỌNG TÀI CHUNG KẾT SEA GAMES 22
Ngoài ồn ào kể trên, ông Phạm Ngọc Viễn cũng bị quy trách nhiệm khi với cương vị là Điều phối viên AFC môn bóng đá ở SEA Games 22, đã ngoảnh mặt làm ngơ để AFC bố trí trọng tài Malaysia Salleh và Giám sát Thái Lan Pirom làm nhiệm vụ trong trận chung kết SEA Games 22 giữa Việt Nam và Thái Lan.
Dư luận khi ấy cho rằng, Việt Nam vừa đánh bại Malaysia tại bán kết nhưng lại để một trọng tài người Mã cầm còi rõ ràng là điều không nên và đáng ra vị Tổng thư ký VFF, lại là Điều phối viên AFC như ông Phạm Ngọc Viễn cần phải có ý kiến. Giờ đây nhắc lại câu chuyện này, ông Viễn giãi bày:
"Ở SEA Games, nước chủ nhà mang tính chất phối hợp, tức là Ban tổ chức địa phương cùng với Ban tổ chức của Đông Nam Á cùng nhau tổ chức một kỳ đại hội. Môn bóng đá nam thì AFC đảm nhận việc tổ chức.
SEA Games trên sân nhà nhưng bên kia họ điều hành, quyết định việc điều phối xem ai là trọng tài, ai là giám sát. Chứ đâu phải giải đấu tổ chức ở Việt Nam thì chúng ta được phân công đâu. Nếu tất cả việc phân công đều do nước chủ nhà lo thì còn gì là giải đấu do Đông Nam Á tổ chức nữa. Mình chỉ có thể có ý kiến, còn thay đổi hay không thì đó là việc của họ, ta không thể làm việc theo kiểu ra yêu cầu được".
Rõ ràng đối với ông Phạm Ngọc Viễn, thời kì đầu tiên làm việc tại VFF (sau đó ông Viễn trở lại nhận công tác với cương vị Phó chủ tịch VFF vào năm 2011), luôn là những câu chuyện không suôn sẻ xảy đến từ chuyện dư luận nhận thức chưa đầy đủ mọi mặt của vấn đề.
Tuy nhiên, những chuyện kể ở trên vẫn chưa phải điều làm ông canh cánh trong lòng nhất. Bởi với một người mang học vị Phó giáo sư, Tiến sĩ như ông Phạm Ngọc Viễn, có một câu nói mà người ta vẫn truyền tai nhau về VFF đáng ra cần phải được đính chính từ lâu.
"MẶT BẰNG VFF THẤP HƠN MẶT BẰNG XÃ HỘI"
Đó là câu nói được liệt vào dạng châm ngôn của bóng đá Việt Nam mà lâu nay người ta vẫn bảo nhau rằng được Nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực (nhiệm kỳ 2003-2005) thốt ra khi còn đương chức.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Phạm Ngọc Viễn, sự thật không phải như vậy.
"Câu nói ấy thực ra không đúng. Mọi việc chính xác nó hoàn toàn khác với những gì người ta vẫn nghe.
Đó là quãng thời gian năm 2004, Tổng thư ký VFF là tôi và Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực có trao đổi về các vấn đề liên quan đến Liên đoàn, trong đó có chuyện về báo Bóng đá (cơ quan ngôn luận của VFF).
Ngày ấy báo Bóng đá có lượng phát hành rất lớn. Trong buổi làm việc giữa hai người, tôi khi ấy đang đảm trách cả vai trò Tổng biên tập của báo có chia sẻ về sự phát triển, thịnh hành trong xã hội. Bác Trực có nói rằng một số tờ báo thuộc về phân khúc dành cho trí thức, còn báo Bóng đá là dành cho tất cả mọi người, tầng lớp thị dân.
Ở đây thị dân hiểu theo nghĩa những người dân lao động thì nó rất bình thường, nhưng nhiều người lại phân tích nó là sự thấp kém. Xong rồi chuyện đó lan ra ngoài, tự nhiên lại bị thổi lên thành cái gì mà thấp hơn mặt bằng xã hội. Nhưng ông Mai Liêm Trực lại không cải chính, chứ còn chưa bao giờ ông ấy phát ngôn chính thức với báo chí về mặt bằng của Liên đoàn thấp hơn mặt bằng xã hội. Chuyện nó chỉ liên quan đến phân khúc độc giả của tờ báo Bóng đá thôi chứ có gì đâu", ông Viễn kể lại.
Trải qua gần 2 nhiệm kỳ, ông Phạm Ngọc Viễn từ chức Tổng thư ký VFF vào đầu năm 2005 sau vụ việc liên quan đến HLV Letard. Tuy nhiên ít ai biết rằng, một trong những đề xuất quan trọng liên quan đến sự phát triển bóng đá Việt Nam trong thời này giúp ông Viễn trở lại Liên đoàn vào năm 2011 với vai trò Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn và sau đó được tin tưởng giao đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc khi công ty VPF ra đời vào cuối năm đó sau bài phát biểu gây chấn động của bầu Kiên.
Chặng đường cống hiến cho bóng đá Việt Nam của ông Phạm Ngọc Viễn vẫn chưa dừng lại. Và ở đó, lại một lần nữa viễn cảnh "đứng giữa hai làn đạn" đang đón chờ ông.
Còn tiếp…
Theo Linh Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)