Thậm chí, tin tức tiết lộ CFA còn chấp nhận trả cho ông Hiddink mức lương “khủng” 4,7 triệu USD/năm cho mỗi mục tiêu chỉ giúp đội U.21 nước này từ nay đến năm 2020 phải góp mặt ở vòng chung kết giải U.23 châu Á và lấy vé tham dự kỳ Olympic tại Nhật Bản.
Với những mức lương kiểu này xưa nay chỉ dùng để trả cho các HLV dẫn dắt đội tuyển quốc gia, hoặc cho các nhà cầm quân làm việc dài hạn để hoạch định chiến lược phát triển lâu dài cho một nền bóng đá. Trong khi, CFA trả cho ông Hiddink chỉ với một mục tiêu gói gọn cho chiến dịch góp mặt ở Olympic 2020.
Điều này cho thấy, bóng đá Trung Quốc phải quay lại lối mòn cũ đó là chọn cách “nuôi gà chọi” để tìm kiếm thành tích, giữa lúc kế hoạch quy mô vô địch World Cup hoặc làm chủ nhà World Cup từ năm 2030 cũng như trở thành siêu cường bóng đá thế giới vào năm 2050 mà CFA từng công bố hồi năm 2013 thực hiện đến giờ chưa thấy có kết quả gì khả quan.
Có thể, những ý định xây dựng lại bóng đá Trung Quốc sẽ giúp nền bóng đá nước này có cải thiện trong vòng 20 năm tới, nhưng theo các chuyên gia phân tích như cây bút Mary Gallagher viết trên tờ The National của UAE: “Những ý định như trở thành siêu cường bóng đá thế giới hay vô địch World Cup là gần như không thể. Đơn giản, vì Trung Quốc không có lịch sử văn hóa bóng đá. Ngay cả nước Mỹ cũng trải qua mấy chục năm trời để xây dựng văn hóa bóng đá.
Mỹ đã tổ chức World Cup năm 1994, và sắp tới là 2026. Giải MLS chuyên nghiệp của Mỹ bắt đầu từ năm 1988, nhưng phải đến những năm 90 thì giải đấu mới thành hình với các CLB và các sân vận động thực thụ ra đời. Đến sau này, khi những ngôi sao như Beckham hay HLV Klinsmann xuất hiện thì dần dà tới nay MLS mới thực sự thu hút người xem và tạo ra văn hóa bóng đá ở Mỹ”.
Trong khi đó Trung Quốc đặt tham vọng rất lớn, nhưng lại không tạo ra văn hóa bóng đá và phát triển đồng bộ khi chỉ tập trung ở các thành phố lớn, nên đến nay vòng quay vẫn luẩn quẩn.
Những gì người ta thấy chỉ là bóng đá Trung Quốc chi rất nhiều tiền, thậm chí một số công ty hay doanh nhân còn mua và sở hữu các CLB ở Anh, Ý… nhưng chỉ là lấy tiếng, sau 1-2 năm phải bỏ chạy hoặc tính chuyện bán đi.
Giải VĐQG Trung Quốc thì tràn ngập các sao ngoại, nhiều HLV ngoại và được trả lương “khủng”, nhưng không giúp ích gì cho bóng đá nước này. Hệ quả là gần đây tuyển Trung Quốc còn không thắng nổi các đối thủ như Qatar (thua 0-1) và hòa cả Bahrain, khiến HLV danh tiếng như Marcello Lippi đứng ngồi không yên và nếu lại sa sút ở Asian Cup sang năm thì coi như mọi thứ kết thúc với nhà cầm quân từng đưa tuyển Ý vô địch World Cup 2006.
Hồi đầu năm nay, Trung Quốc tổ chức giải U.23 châu Á nhưng đội U.23 nước này bị loại ngay vòng bảng. Đây là giải đấu mà tuyển U.23 Việt Nam đã thắng tiến đến trận chung kết một cách oanh liệt. Chưa kể, tại ASIAD mới đây, đội Olympic Trung Quốc cũng “rơi đài” từ vòng 16 đội, trong khi Olympic Việt Nam vào đến bán kết. Ở các giải trẻ của châu Á khác như U.16 thì tuyển Trung Quốc cũng không vượt qua vòng loại, và chỉ còn mỗi đội U.19 dự vòng chung kết tại Indonesia trong tháng 10.
Bởi vậy gần đây, người hâm mộ Trung Quốc quá bất mãn đã chỉ trích CFA dữ dội và đòi giải tán từ đội tuyển cho đến các đội trẻ.
Theo Giang Lao (Thanh Niên Online)