Bóng đá Argentina chưa bao giờ thiếu tài năng trẻ, nhưng Messi thì chỉ có một. Bài viết của Richard Fitzpatrick là lời lý giải thuyết phục nhất cho điều tưởng như nghịch lý này.
Trận đấu đầu tiên của Messi cho Newell’s là một chiến thắng 6-0, anh ghi được 4 bàn ngày hôm ấy. Messi trở thành gương mặt tiêu biểu cho lứa thế hệ nổi tiếng của bóng đá Rosario (Argentina) trong lịch sử, "La Maquina del ‘87", hay "Cỗ máy ‘87", gồm những cầu thủ cùng sinh năm 1987.
Khi đá sân 7 người, thế hệ này bất bại trong 3 năm liền. Đến khi lập đội 11 người, Messi và những người bạn tiếp tục càn quét các sân đấu ở Argentina, cho đến những giải đấu ngoài biên giới, như ở Peru. Năm 2000, Newell’s vô địch một giải trẻ với cách biệt đến 20 điểm. Gonzalo Mazzia, một thành viên của đội bóng bấy giờ, kể lại: "Chúng tôi chỉ thua đúng 3 lần trong suốt 5 hay 6 mùa giải".
Đôi lúc, thủ thành của Newell’s thảnh thơi đến độ anh ngồi bẹp xuống trước khung thành, nhìn đồng đội hủy diệt các đối thủ. Họ ghi 10, 12 đến 15 bàn mỗi trận, khiến một số đối thủ đặt ra giới hạn tỷ số là 6-0. Chỉ cần Newell’s ghi được 6 bàn, trận đấu được dừng lại.
Adrian Coria, người huấn luyện Messi vào năm cuối trước khi anh lên đường sang Barcelona vào năm 13 tuổi, khẳng định "ít nhất" Messi đã ghi trên 500 bàn cho Newell’s trong suốt những năm đó.
Franco Falleroni, một trong những đồng đội của Messi thời đó kể rằng: "Ngay cả khi đội bóng thắng 7-0, nhưng chỉ cần bản thân không ghi bàn, Messi sẽ phát điên lên. Và đừng hỏi chuyện gì xảy ra nếu cậu ấy không được chuyền bóng. Đó là cá tính nổi bật của Messi. Cậu ấy luôn muốn có bóng".
Những con đường ở quê nhà Chabas của Falleroni là nơi từng chứng kiến tình bạn lớn lên giữa đôi bạn Falleroni và Messi. Trên sân cỏ hay trên PlayStation, cả hai gần như không thể tách rời. Cũng chính cha của Falleroni đã dạy cho Messi lái xe năm anh 11 tuổi. "Cha tôi có một chiếc Peugeot 306. Chúng tôi phải lót thêm một cái gối trên ghế xe để Leo với tới vô-lăng", Falleroni vừa cười vừa kể lại.
Nơi Messi trưởng thành là nằm ở phía nam Rosario. Người dân vùng này phải làm lụng vất vả mới sống được qua ngày. Song, nó không đến nỗi tồi tàn khi thiếu cả điện lẫn nước như Villa Fiorito của Buenos Aires những năm 60 của thế kỷ trước, nơi Maradona trưởng thành.
Thuở nhỏ, Diego đã phải bới móc những bãi phế liệu để nhặt từng mẩu kim loại hay giấy bạc trong gói thuốc lá kiếm từng đồng peso. Messi thì ngược lại, anh không thiếu thốn gì, nói cách khác là được ăn học chu đáo. Và cũng chính vì điều đó, nhiều người Argentina chỉ thích một Maradona gian manh, một Maradona hứng gió bụi cuộc đời trên đường phố, thay vì một Messi ngoan hiền.
Falleroni và chiếc áo CLB Newell’s được Messi tặng. |
Sau vài mùa giải chơi cho Newell’s, CLB này liên hệ với vị bác sĩ Diego Schwarzstein để giúp Messi chữa chứng thiếu hormone tăng trưởng. Quique Dominguez, một trong những HLV tại Newell’s từng miêu tả: "Messi cứ như không có lồng ngực vậy, trông rất rùng rợn".
Chứng bệnh khiến Messi chỉ cao khoảng 1m2 khi anh gia nhập Newell’s, tức thấp hơn 15-20cm so với tiêu chuẩn. Newell’s như đặt hết hy vọng vào Schwarzstein: "Messi là cầu thủ hay nhất chúng tôi có được". Bản thân Messi thường được các đồng đội gọi bằng biệt danh "Pulga", tức "Bọ chét", nhưng trên thực tế, anh không hề thích cái tên ấy một chút nào.
Mỗi ngày, Messi tự mình tiêm thuốc vào chân. Cũng trong suốt 4 năm điều trị cho Messi, Schwarzstein trở nên thân thiết với cầu thủ người Argentina. Bản thân Schwarzstein cũng là một fan cuồng của bóng đá, thậm chí còn là hội viên của chính CLB Newell’s. Khi Messi sang Barcelona đầu năm 2001, anh để lại một chiếc áo đấu Newell’s kèm theo chữ ký cho vị bác sĩ này.
Trong mắt Schwarzstein, Messi là một cậu bé có cá tính nổi trội: "Cậu ấy rất dễ thương. Cứ mở đầu bằng những câu chuyện về bóng đá là Messi sẽ trở nên thoải mái ngay. Messi là kiểu người không nhút nhát, nhưng là sống khép kín. Cậu ấy thích giữ những chuyện của bản thân cho riêng mình, vì nếu mở lòng, cậu ấy sợ sẽ nói ra những điều không nên".
Sergio Maradona, một thành viên của Newell’s thế hệ '88, nhưng từng cùng "La Maquina del '87" đến Buenos Aires cho một giải đấu trẻ, khẳng định: "Không có chuyện Messi nhút nhát hay rụt rè như mấy tay nhà báo thêu dệt. Trong gia đình hay với bạn bè, Messi là một cậu bé vui tính, biết quan tâm, lễ phép, lại giản dị và khiêm tốn".
Giống như Messi, Maradona mắc chứng thiếu hormone tăng trưởng. Và anh cũng được bác sĩ Schwarzstein điều trị. Maradona cũng có tài năng xuất sắc như Messi. "Thời kỳ đó, ai cũng nói về hai chúng tôi. Là Messi và tôi - Messi thế hệ ’87 và Maradona thế hệ ’88", chính miệng Maradona nói.
Chỉ có điều, sự nghiệp của anh đầy lận đận. "Vấn đề là tôi thiếu kỷ luật", anh bảo thế. Cha của Maradona từng từ chối lời đề nghị từ CLB của Tây Ban Nha là Villarreal vì lúc đó anh mới chỉ 11 tuổi, và còn quá trẻ để xa gia đình.
Đến khi Maradona thi đấu chuyên nghiệp, anh lại bôn ba khắp các giải đấu của Nam Mỹ như một tay lính đánh thuê. Cứ đến đâu là anh đều có con ở đấy. Hiện Maradona có bốn người con - một ở Mexico, hai ở Bolivia và một ở Argentina. "Xét ở khoản đó, tôi đích thị là Maradona", anh vừa nói vừa cười.
Bản thân Maradona từng khiến cho con gái của ông chủ một CLB ở Mexico mang bầu, khiến anh phải lập tức chạy về Argentina nếu không muốn bị ông chủ ấy - vốn là một tay buôn ma túy, giết chết.
Bác sỹ Schwarzstein - người chữa chạy cho Messi từ những ngày đầu sự nghiệp. |
Gustavo "Billy" Rodas cũng từng là một ngôi sao ở Newell’s thế hệ ’86. Anh có màn ra mắt đội một vào năm 16 tuổi, nhưng cũng là một cầu thủ có sự nghiệp chông chênh. Sergio Almiron, người từng cùng Argentina vô địch World Cup năm 1986, làm Giám đốc kỹ thuật tại học viện đào tạo của Newell’s vào thời điểm cả Messi và Rodas còn chơi cho đội trẻ của CLB, chỉ ra:
"Nhà Billy quá nghèo, và cậu ấy không được cha mẹ chăm lo chu đáo. Cậu ấy vướng vào quá nhiều rắc rối trên đường phố. Cậu ấy từng rời bỏ CLB, sau này tôi mang cậu ấy trở lại, nhưng Billy lại mất tích, rồi cậu ấy trở lại và lại ra đi. Messi thì luôn có cha bên cạnh và chăm lo. Họ luôn hy vinh và mong muốn những thứ tốt đẹp nhất cho Messi. Ở Argentina, chỉ có gia đình mới có thể giúp bạn tránh xa những điều tồi tệ".
Từ xã hội đến sân bóng, Argentina đầy rẫy những vấn đề. Maradona miêu tả: "Nền bóng đá Argentina đầy những xung đột và bạo lực. Đối phương không ngại phạm lỗi hay chơi xấu. Các hậu vệ ở Argentina sẽ làm mọi cách để triệt tiêu bạn: từ nhổ nước bọt, dùng tay chọc, cho đến tìm cách đâm bạn bằng những vật nhọn".
Nhưng với Messi, đối đầu trước những hậu vệ đá rát không thành vấn đề. Trong những trận đấu trước đại kình địch Central của Newell’s, Messi luôn bị chơi xấu. Có lần ở một trận derby nọ, Messi làm động tác "sombreros" - gắp bóng cầu vồng qua đầu đến 5 lần. Nhìn thấy vậy, từ trên khán đài, cha của một hậu vệ bên phía Central tức giận hét lớn: "Giết nó! Đập nó cho tao!"
Falleroni nhớ lại, ở Rosario từng có một cầu thủ rất hằn học với Messi. Cầu thủ này phát ngán với việc ai nấy cũng nói Messi sẽ trở thành một Diego Maradona mới. "Hắn ta từng hỏi ‘Messi là thằng nào? Chúng mày nói nhiều về nó lắm rồi đấy. Giỏi mang nó ra đây!’ Vậy là chúng tôi tổ chức một trận đấu nhỏ. Trong đúng một pha bóng, Messi "xâu kim" tên này đến hai lần. Đến hai lần cơ đấy. Từ đó về sau, hắn không còn dám hé nửa lời".
Còn theo lời của HLV Adrian Coria, một trong những phẩm chất khác của Messi chính là khả năng bùng nổ: "Cậu ấy có thể lên đồng từ 0 đến 100 trong tích tắc, giống như khởi động một động cơ vậy.
Để có được nguồn năng lượng làm điều đó, cậu ấy phải tập luyện rất vất vả, nhất là ở thể lực. Thường thì những cầu thủ có kỹ thuật và khả năng khống chế bóng tốt lại không có tốc độ. Nhưng Leo thì vừa có kỹ thuật, vừa có tốc độ siêu hạng, và điều đó khiến cậu ấy trở nên khác biệt".
Sergio Maradona (giữa). |
Khi "thế hệ ’87" chọn ra thủ quân của đội, thường thì Messi được chọn, đôi lúc là Lucas Scaglia, anh họ của Antonella Roccuzzo, người mà vào ngày 30/6 tới sẽ kết hôn với Messi tại Rosario. Cả hai đã biết nhau từ khi mới 5 tuổi.
Falleroni kể: "Leo từ xưa đến mãi sau này đều luôn chỉ mê Antonella, mặc dù khi họ còn nhỏ, cô ấy có bao giờ để ý nhiều đến Messi đâu. Chúng tôi thừa biết Messi chết mê chết mệt vì cô nàng. Tôi còn nhớ một ngày nọ, khi chúng tôi đến nhà của Lucas ở Funes vào dịp cuối tuần, Antonella cũng có mặt ở đấy, và cứ mỗi lần Messi nhìn thấy cô ấy, cậu ta lại đỏ mặt!"
Những lúc Messi không nghĩ về Antonella, anh nghĩ về bóng đá. Dù tập luyện hay thi đấu, Messi luôn tỉ mẩn trong khâu chuẩn bị. Cho dù mới chỉ 5 tuổi và còn chơi cho Grandoli trước khi đến Newell’s, Messi đã có thói quen này. Anh thường lau chùi đôi giày sạch sẽ trước mỗi trận đấu bằng bàn chải và vải, cũng như quấn băng quanh mắt cá chân trước khi ra sân.
Messi trong đội hình La Maquina del '87. |
"Messi đã suy nghĩ như một cầu thủ chuyên nghiệp từ khi còn bé", Bruno Milanesio, người từng chơi hậu vệ tại Newell’s thời Messi, cho biết. "Cậu ấy cứ như phát cuồng vì bóng đá. Từ khi còn rất nhỏ, Messi đã luôn nghĩ làm thế nào để rê bóng vượt qua cầu thủ. Mỗi ngày, cậu ấy tập luyện để thành thạo hơn. Cậu ấy đặt bóng đá lên trên mọi thứ".
Tuy nhiên, thời kỳ đó, không ai dám nghĩ Messi sẽ trở thành Messi của ngày hôm nay. Chỉ có cha của Messi, ông Jorge, người đóng vai trò tối quan trọng trong sự phát triển của anh, thì lại luôn có niềm tin vào thành công của cậu con trai.
"Mọi ông bố đều tin con trai họ là Diego Maradona, song không phải ai cũng trở thành như thế", Ruben Horacio Gaggioli, người đại diện cầu thủ trong việc mang Messi đến Barcelona, chia sẻ.
"Với Jorge Messi, ông ấy không bao giờ nói với mọi người rằng con trai mình rồi sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, hay trở thành một cầu thủ vĩ đại. Nhưng ông tin chắc con trai mình là một cậu bé đặc biệt. Jorge từng có những lo ngại về thể hình Messi, nhưng ở khía cạnh chơi bóng, ông không bao giờ mất niềm tin vào cậu con trai".
Song, Messi khi còn bé ở Newell’s chỉ là một trong rất nhiều những cầu thủ Argentina được các CLB châu Âu săn đón. Chẳng hạn ở Rosario bấy giờ còn có trường hợp của Leandro Depetris, trẻ hơn Messi một tuổi và được AC Milan mang về vào mùa hè năm 2000, khi anh mới 12 tuổi.
Falleroni thuật lại: "Depetris năm 11 tuổi còn nổi tiếng hơn cả Messi. Chẳng ai biết đến Messi ngoại trừ chúng tôi. Đến cả Chủ tịch của Newell’s là Eduardo Jose Lopez còn không biết về Messi lúc đó.
Tôi còn nhớ có lần Depetris chơi ở một giải đấu tại Cordoba trước Newell’s trong trận chung kết. Depetris đối đầu Messi và đội của anh ta thắng. Sau trận đấu, tất cả đám phóng viên đều vây lấy Depetris. Thật nhảm nhí, bởi trong mắt chúng tôi, Messi xuất sắc hơn Depetris vạn lần".
Nhưng Barcelona thì biết. Tháng 9/2000, Messi cùng cha bay đến Barcelona cho 2 tuần kiểm tra bóng đá đầu vào. Không một ai ở Newell’s biết chuyện này. Thậm chí, có tin đồn ở Rosario nói rằng Messi bị viêm gan.
"Một tháng trôi qua mà không ai nhìn thấy Messi", Falleroni thuật lại. "Chúng tôi tập luyện mà không có thông tin gì về Messi. Nhà tôi rất thân với gia đình cậu ấy, nên cha tôi gọi điện tới.
Mẹ cậu ấy, bà Celia nghe máy. Cha tôi hỏi ‘Thằng Leo nó gặp chuyện gì à? Sao nó không đến sân tập.’ Bà ấy mới trả lời rằng Messi không đến tập vì bị ốm. Thêm một tuần nữa trôi qua, và họ vẫn cứ nói Messi chưa khỏi bệnh. Thật hoang đường, cậu ấy đã biến mất".
"Sau một tháng, Messi trở lại, và thật kỳ lạ, dáng người cậu ấy cao to hơn một chút. Chúng tôi hỏi ‘Leo, cậu có sao không?’ Và cậu ấy trả lời ‘Mình khỏe lắm.’
Chúng tôi lại tập luyện cùng nhau, nhưng rồi đến một ngày, mẹ cậu ấy tới sân tập và nói ‘Leo, đi thôi. Chúng ta phải đi ngay.’ Messi đáp lại ‘Không. Con muốn ở lại thêm nữa với các bạn.’ Nhưng mẹ của Messi cứ nắm lấy tay và dẫn cậu ấy đi. Họ không bao giờ xuất hiện lần nữa. Sau này, chúng tôi mới hay tin là Messi đã ở Barcelona".
Với Milanesio, anh không ngạc nhiên khi một cậu bé mới chỉ 13 tuổi lại có thể giữ kín bí mật to lớn ấy khỏi những bạn bè thân nhất. Bởi, "Ở tuổi đó, Messi đã suy nghĩ như một cầu thủ chuyên nghiệp".
Điều bất ngờ lớn nhất, như Sergio Maradona nói, không phải là việc Messi được chơi cho một siêu CLB như Barcelona, mà là anh đã tiến về phía trước thật nhanh, cũng như không ngừng khiến cả thế giới phải bất ngờ đến tận ngày nay, khi Messi đã 30 tuổi.
Theo Hoàng Thông (Trí Thức Trẻ)