Trước đấy, Man City bị cáo buộc đã bắt tay cùng các nhà tài trợ nâng khống giá trị của các bản hợp đồng, qua đó làm đẹp hơn cho sổ sách tài chính của CLB. Đó là các thương vụ như 350 triệu bảng với hãng hàng không Etihad, 650 triệu bảng với hãng đồ thể thao Puma...
Theo cáo buộc, những nhãn hàng đã giúp Man City làm đẹp nguồn tiền của mình. Với suy nghĩ đó, Ngoại hạng Anh đã ngăn chặn CLB thành Manchester ký hợp đồng với 2 đối tác khác, ảnh hưởng lớn đến công việc kinh doanh của họ.
Ngoại hạng Anh cũng đưa ra “quy định APT” sau vụ các ông chủ Saudi Arabia mua Newcastle. Quy định này cản trở đáng kể những bản hợp đồng tài trợ giữa CLB với nhãn hàng có mối liên hệ mật thiết với chủ sở hữu của CLB.
Cho rằng cáo buộc là thiếu căn cứ, Man City đã kiện BTC Ngoại hạng Anh lên Tòa án trọng tài thể thao thế giới. Vụ kiện tụng này hoàn toàn độc lập với vụ Man City bị tố gian lận tài chính, đối diện 115 cáo buộc.
Hôm qua (7/10), Man City đã được thông báo thắng vụ kiện liên quan đến quảng cáo tài trợ. CAS tuyên bố: “Hệ thống APT thực sự không hợp pháp và Premier League đã sai khi chặn 2 thỏa thuận quảng cáo tài trợ của Man City”.
CLB vô địch nước Anh rất hài lòng với kết quả này. Họ gửi đi thông điệp: “CLB Man City cảm ơn các thành viên đáng kính của Tòa án trọng tài thể thao khi đã làm việc với tất cả sự tận tâm và hoan nghênh những phát hiện của họ”.
Với thay đổi vừa qua, Ngoại hạng Anh sẽ phải điều chính hoặc thậm chí bỏ quy định APT. Thực tế, quy định này đã bị chỉ trích nặng nề là vi phạm luật cạnh tranh. Thông qua Daily Mail, một cựu thẩm phán Anh cũng từng nói: "Việc làm của quan chức Premier League đã vi phạm đạo luật cạnh tranh”.
Và thay đổi này chắc chắn cũng được nhiều CLB ủng hộ. Man City, Newcastle hay các đội bóng muốn ký hợp đồng tài trợ với công ty của chủ sở hữu giờ sẽ không còn phải lo sợ nhiều như trước nữa.
Theo Đặng Lai (Tiền Phong)