LỜI THAN CỦA PHÓ CHỦ TỊCH VFF
“Nhìn từ 4 vòng đấu vừa qua, một vấn đề là các cầu thủ ở V.League câu giờ quá nhiều. Bóng lăn trên sân quá ít, làm giảm chất lượng trận đấu. Chúng tôi sẽ họp với trọng tài, quán triệt phải bù giờ cho đủ, phải triệt tiêu việc cầu thủ giả vờ chấn thương, triệt tiêu bạo lực”.
Đó là phát biểu thẳng thắn của Phó chủ tịch VFF kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VPF Trần Anh Tú tại diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024 diễn ra vào hôm qua (17/10). Trong vai trò lãnh đạo ở 2 cơ quan điều hành, tổ chức V.League, ông Tú đã chỉ thẳng vào 1 trong những vấn đề ảnh hưởng tới chất lượng giải đấu.
Chưa dừng lại ở đó, ông Trần Anh Tú còn nhắc đến một vấn đề gây nhiều bàn tán trong những vòng đấu vừa qua, đó là việc các trọng tài vẫn tạo nên tranh cãi vì quyết định sai dù đã có VAR hỗ trợ.
“Rất nhiều tình huống đáng lẽ thẻ đỏ, trọng tài kể cả có kiểm tra VAR không rút thẻ”, ông Trần Anh Tú nói.
TRỌNG TÀI VÀ VAR “NHÀ NGHÈO”
Trên thực tế, câu chuyện về trọng tài và VAR có 2 vấn đề. Đầu tiên phải nói đến chất lượng trọng tài. Có thể kể đến câu chuyện trọng tài Lê Vũ Linh xem VAR tỉ mỉ, sau đó chỉ rút thẻ vàng trong tình huống Giáp Tuấn Dương (CLB CAHN) dùng cả hai gầm giày đạp vào chân cầu thủ CLB Bình Dương ở vòng 3 gây bức xúc dư luận. Chỉ 1 ngày sau, Ban kỷ luật VFF ra án phạt 15 triệu đồng và cấm thi đấu 2 trận với Giáp Tuấn Dương, còn trọng tài Lê Vũ Linh không có tên trong danh sách phân công nhiệm vụ ở vòng tiếp theo.
Tiếp theo, phải nói đến chất lượng VAR ở V.League. HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hải Phòng từng phải thốt lên rằng “chưa có giải nào kiểm tra VAR lâu như V.League”. Câu nói này xuất phát từ việc ở trận Bình Dương gặp Hải Phòng, trọng tài kiểm tra VAR tới 10 phút.
Nguyên nhân của hạn chế nói trên xuất phát từ gói VAR mà ban tổ chức V.League đang sử dụng chỉ có 8 máy quay cho cả sân. Đây là gói VAR Light, có chi phí thấp nhất trong các gói VAR được FIFA cấp phép. Trong khi đó, gói VAR hoàn chỉnh có thể lên đến 42 camera nhưng chi phí hơn rất nhiều.
Tuy chỉ là gói VAR “nhà nghèo” nhưng chi phí cho mỗi xe VAR tại V.League cũng dao động trong khoảng 9-11 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí vận hành, nhân sự và các khoản phát sinh. Theo tìm hiểu, để đưa được VAR vào áp dụng tại V.League 2023/24, con số ban tổ chức phải bỏ ra rơi vào khoảng 3 triệu USD (hơn 70 tỷ đồng).
FIFA chia việc cấp phép VAR thành các gói để mỗi giải đấu có thể lựa chọn theo mức ngân sách của mình. Tổ chức này cũng quy định rất nghiêm ngặt, khiến các liên đoàn thành viên buộc phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn, đồng thời chỉ được sử dụng các thiết bị đến từ 2 nhà cung cấp do FIFA chỉ định.
Còn nhớ trong lần đầu được áp dụng tại World Cup 2018, chi phí cho VAR ở mỗi trận đấu rơi vào khoảng 700.000 USD (hơn 17 tỷ đồng). Khi ấy, chủ nhà Nga triển khai VAR với 33 camera đặt quanh sân.
Tuy nhiên đó là con số rất lớn và không phải đơn vị tổ chức nào cũng kham nổi. Tại AFC Champions League 2023/24, gói VAR được LĐBĐ châu Á sử dụng cũng chỉ có 16 camera.
Rõ ràng dù đã có VAR hỗ trợ, tuy nhiên việc có ít góc máy khiến các trọng tài không phải lúc nào cũng có thể xem được chi tiết các tình huống gây tranh cãi.
Cộng dồn của nhiều yếu tố, từ việc cầu thủ câu giờ đến chất lượng của VAR và trọng tài, vô tình đang đẩy V.League vào cảnh không thu hút được khán giả. Và trong bối cảnh niềm tin của người hâm mộ đang tụt dốc vì kết quả không tốt của ĐTQG, đây thực sự là câu chuyện đáng bàn.
"Sự hấp dẫn của V.League là có, nhưng làm thế nào để tăng lên, để người hâm mộ cảm thấy thiếu khi không có giải V.League? Để làm được như vậy là rất nhiều vấn đề", ông Trần Anh Tú nhấn mạnh.
Theo Linh Đan (Nguoiduatin.vn)