Hiện có 4 ứng viên chạy đua cho chức Chủ tịch VFF gồm: Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, cựu TBT báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Cấn Văn Nghĩa và cựu Hiệu trưởng Đại học TDTT 2 Lê Quý Phượng. Theo đánh giá của nhiều người, hai ứng nặng ký nhất là các ông Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Công Khế.
Ông Tuấn nhiều năm qua gánh vác công việc ở VFF. Thành công của các các ĐTQG thời gian gần đây có dấu ấn đậm nét của người đang “nhiếp chính” ở VFF. Tuy nhiên, đi cùng với đó là muôn vàn chỉ trích nhắm vào ứng viên này.
Khi ông Tuấn đang phải đối mặt với muôn vàn áp lực thì đồng thời, có một làn sóng vinh danh ứng viên khác là ông Nguyễn Công Khế. Ông Khế nhận rất nhiều những lời khen ngợi là một nhân vật có tâm, có tầm, có chiến lược làm bóng đá thông qua những bài phỏng vấn. Hai làn sóng đối lập nhau xảy ra cùng lúc khiến nhiều người trong giới phải suy nghĩ.
Trong khi hai ứng viên hàng đầu khá ồn ào thì người ta cảm nhận được sự “im lặng” đáng ngạc nhiên của ứng viên Cấn Văn Nghĩa. Ông Nghĩa hầu như không xuất hiện chỗ đông người, không được báo chí nhắc tên nhưng đây chính là lợi thế cực lớn của ứng viên này. Phải chăng ông Nghĩa không muốn giành chiến thắng trong cuộc đua này? Hay sự “mất tích” của ông Nghĩa nằm trong một kế nhằm tránh để mình rơi vào cảnh “hòn tên mũi đạn”?
Nhìn tổng quan có thể nhận thấy, lúc này ông Khế đang được khen ngợi rất nhiều, ông Tuấn thì ra sức đỡ lại sự công kích của nhiều đội bóng. Và cũng lúc này, người ta bắt đầu nói về ông Nghĩa. Nên nhớ rằng, bỏ phiếu không phải là người hâm mộ, các chuyên gia hay nhà báo mà chính là các thành viên của VFF. Họ mới là những người quyết định cuộc chơi.
Đến đây, có thể khẳng định, ai quan hệ tốt, ai có tầm ảnh hưởng với các cử tri, người đó sẽ thắng. Sẽ sai lầm cực lớn nếu đánh giá thấp ông Nghĩa, một người tháng 8 tới về hưu nhưng lại có thâm niên hàng chục năm ở làng thể thao với những mối quan hệ thâm sâu, bền chặt.
Nhắc đến đây để thấy, chính ông Nghĩa mới là ứng viên nặng ký nhất cho chiếc ghế Chủ tịch VFF. Thời thế tạo anh hùng, sự ồn ào nơi trận tuyến lại là cơ hội để ứng viên này thu xếp chuyện hậu trường và sẽ chẳng ngạc nhiên nếu ông trúng cử.
Đại hội VFF khóa VIII sẽ là nơi quyết định cao nhất về nhân sự của cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Đại hội sẽ bầu ra 17 thành viên thuộc BCH (giảm 6 người so với nhiệm kỳ cũ), trong đó có 5 ủy viên thường trực bao gồm chủ tịch, 3 phó chủ tịch (phụ trách truyền thông, tài chính – vận động tài trợ và chuyên môn) và 1 uỷ viên thường trực. 12 ủy viên BCH còn lại sẽ được phân công vào các ban chức năng.
4 ứng cử viên cho vị trí chủ tịch VFF được đề cập nhiều trong thời gian qua là các ông Trần Quốc Tuấn (Phó chủ tịch chuyên môn VFF khóa 7), Nguyễn Công Khế (Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Thanh Niên), Cấn Văn Nghĩa (Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia) và Lê Quý Phượng (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học TDTT quốc gia TP HCM).
Trong 5 ứng cử viên được đề cử cho vị trí phó chủ tịch phụ trách truyền thông, ông Lê Thành Trung (Phó Tổng giám đốc HDBank) đã xin rút, chỉ còn các ông Nguyễn Xuân Gụ (Phó chủ tịch truyền thông khóa 7), Nguyễn Lân Trung (nguyên Phó chủ tịch truyền thông khóa 6), Nguyễn Văn Phú (Tổng biên tập báo Bóng Đá) và Cao Văn Chóng (nguyên Tổng giám đốc VPF).
2 ứng cử viên cho vị trí Phó chủ tịch chuyên môn là ông Dương Vũ Lâm (trưởng đại diện VFF tại TP HCM, nguyên Phó chủ tịch chuyên môn khóa 5) và ông Phạm Ngọc Viễn (nguyên Phó chủ tịch chuyên môn khóa 6).
Theo Nguyễn Nam (Thethao247.vn/Người Đưa Tin)