1. Trong số 300 người Maroc tập trung tại một nhà hàng ở Parla, đô thị thuộc Madrid (Tây Ban Nha) vào chiều thứ Ba (giờ địa phương) để chứng kiến đội tuyển của họ tiến xa hơn bao giờ hết tại World Cup, có một người bán hàng rong từ Getafe cũng đến xem con trai mình trên truyền hình.
Hassan Hakimi, 54 tuổi, mái tóc bạc trắng và nụ cười lịch lãm, thân thiện, có vẻ ngoài thư sinh choàng lên chiếc áo truyền thống djellaba theo quốc kỳ Maroc khi trận đấu vừa kết thúc.
Con trai của người bán hàng này cùng người phụ nữ làm công việc dọn dẹp nhà cửa đang trên đường được thừa nhận như cầu thủ Maroc xuất sắc nhất mọi thời đại. "Đây là một giấc mơ trở thành sự thật", Hassan say sưa nói trong khi uống ly trà bạc hà.
Rất ít cuốn tiểu sử có thể gói gọn niềm tự hào của cả một lục địa tốt hơn cuộc đời của Achraf Hakimi, ngôi sao PSG và đội tuyển Maroc, người thực hiện pha luân lưu quyết định vào lưới Tây Ban Nha.
Từ những người nhập cư không có giấy tờ cho đến đỉnh cao bóng đá, Hakimi - được gọi "Ronaldo Maroc" - sở hữu các danh hiệu nổi tiếng của bóng đá châu Âu và sự hào nhoáng của một ngôi sao ở tuổi 24, nhưng không quên xuất thân chính mình.
Cha của Achraf, Hassan Hakimi, gốc vùng Atlas, đến Tây Ban Nha cùng vợ là Saida vào năm 1988 khi họ mới 20 tuổi. Cặp đôi định cư ở Getafe rồi vài năm sau Achraf, Nabil và Widad ra đời. Trong gần ba thập kỷ, gia đình kiếm sống bằng việc người chồng bán trái cây và quần áo ở các quảng trường hoặc chợ thuộc Cộng đồng Madrid, còn người vợ thì nhận dọn dẹp nhà cửa.
2. Thứ Ba vừa qua, trong khi người cha xem trận đấu ở một bàn đông đúc với một chiếc tivi bị mất tín hiệu, mẹ của Achraf được xem cú đá mà người con trai thực hiện ngay tại Qatar.
Một trong những hình ảnh gây xúc động nhất là khoảnh khắc Hakimi rời xa các đồng đội trong lễ ăn mừng, tiến lên khán đài, tiến lại gần người phụ nữ nhỏ nhắn với chiếc khăn trùm đầu sinh ra trên cánh đồng Maroc và trao cho cô ấy nụ hôn. Đối với bà, đó là cả thế giới.
Một người bạn của gia đình Hakimi nói bà Saida là một người phụ nữ rất "đơn giản, tình cảm và thực tế".
Làm thế nào mà họ đến được Tây Ban Nha? "Chà, giống như tất cả mọi người", người bạn tổng kết mà không muốn cung cấp thêm chi tiết nào.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Hakimi tóm tắt cuộc sống gia đình: "Mẹ tôi dọn dẹp nhà cửa. Cha tôi là một người bán hàng rong. Việc tôi có thể chơi bóng đá là sự nỗ lực và hy sinh to lớn từ họ. Anh em tôi cũng đã phải hy sinh bản thân mình. Chúng tôi rất nghèo. Bây giờ tôi chiến đấu vì họ".
Cũng chính chiếc Renault 21 với tấm bìa cứng trên cửa sổ mà Hassan dùng để di chuyển quanh chợ vào buổi sáng, buổi chiều ông dùng đưa con trai đến tập luyện với Real Madrid ở trung tâm Valdebebas từ năm 9 tuổi.
Năm 20 tuổi, Real Madrid cho Dortmund mượn anh. Đến lúc trở lại Madrid, CLB lại bán anh cho Inter Milan với giá 45 triệu euro.
Đó là mùa hè đầu tiên của đại dịch Covid-19, Real Madrid cần kiếm tiền nên phải bán Hakimi. Một năm sau, Achraf ký hợp đồng với PSG, nơi anh mang lại những kết quả tuyệt vời nhờ khả năng chạy cánh phải xuất sắc.
LĐBĐ Tây Ban Nha liên hệ với Hakimi rất nhiều lần từ vài năm trước để tìm hiểu về lựa chọn của anh. "Tôi đã trả lời các cuộc gọi của Liên đoàn trong một thời gian dài. Đã có những liên hệ và Achraf đã đến tập luyện vài ngày ở Las Rozas, nhưng nó muốn thi đấu cho Maroc", người cha giải thích bằng tiếng Tây Ban Nha.
"Tôi không cảm thấy như ở nhà", Hakimi nói về việc khước từ khoác áo Tây Ban Nha trong một cuộc trò chuyện với Marca. "Không có bất cứ điều gì cụ thể, nhưng vì những gì tôi cảm thấy, bởi vì đó không phải là những gì tôi được sống như ở nhà, đó là văn hóa Ả Rập, là người Maroc. Tôi muốn đá cho Maroc".
3. Gần đây, Hassan Hakimi không còn đi từ chợ này sang chợ khác bằng chiếc xe cũ kỹ để kiếm sống. Ông và vợ sống trong một biệt thự trang nhã ở Getafe. Hai anh em, Nabil, 25 tuổi, là cầu thủ bóng đá ở Getafe còn Widad đang học đại học.
Ngoài tấm gương gia đình, Hakimi là niềm tự hào của đất nước, là một trong những hình mẫu cho một thế hệ thanh niên mê bóng đá ở Ả Rập và châu Phi.
Khi loạt sút luân lưu đến, ông bố uống trà và không hề mất bình tĩnh dù tín hiệu tivi liên tục bị ngắt. Vài giây trước khi con trai ông thực hiện quả phạt đền, tivi tắt.
Tuy nhiên, hàng trăm người vây quanh Hassan theo dõi trận đấu trên điện thoại di động của họ đã hét lên về bàn thắng. Khi tín hiệu trở lại, từ đường phố đến nhà hàng là một bữa tiệc và người cha chỉ có thể nhìn thấy con trai mình ăn mừng chiến thắng trên màn hình.
Parla và Maroc đã kết nối trong không khí sôi động bởi một gia đình và một sự cố kỹ thuật.
Theo Ngọc Huy (VietNamNet)