Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tính chất và tầm vóc World Cup khác rất nhiều một giải đấu trẻ lứa tuổi U23 ở châu Á. Tuy nhiên, điểm tương đồng của 'hai chàng tí hon' chiến thắng 'những gã khổng lồ' khiến không ít người hâm mộ Việt Nam phải rùng mình.
Trong lượt sút luân lưu cuối, hậu vệ cánh Hakimi bình tĩnh thực hiện cú sục bóng đánh bại thủ môn Tây Ban Nha và điềm nhiên đứng chờ đồng đội lao vào ăn mừng. Hình ảnh này giống một cách kỳ lạ với dáng đứng 'lừng lững' của hậu vệ Văn Thanh sau khi thực hiện thành công quả luân lưu cuối đưa U23 Việt Nam vào bán kết U23 châu Á.
Ở vòng bảng World Cup 2022, Morocco cầm hòa Croatia, thắng Bỉ và Canada để dẫn đầu bảng đấu. Năm 2018, U23 Việt Nam cũng bất ngờ đánh bại Australia ở lượt trận thứ 2 vòng bảng, tạo tiền đề để giành vé vào tứ kết.
Một điểm chung nữa giữa Morocco và U23 Việt Nam là cả hai đội đều có những thủ môn xuất sắc. Nếu Bùi Tiến Dũng đã có một giải đấu ấn tượng với hàng loạt pha cản phá trên chấm luân lưu, thì thủ môn Yassine Bounou cũng cản được 13/50 quả phạt đền trong sự nghiệp trước khi đến World Cup 2022. Chưa hết, quốc kỳ của Morocco và Việt Nam đều là ngôi sao trên nền đỏ!
Chiến tích của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á năm 2018 thực sự là câu chuyện thần kỳ. Mới chỉ vài tháng trước đó, U23 Việt Nam dừng bước ở SEA Games 2017 từ vòng bảng. Tân HLV Park Hang-seo khi đó cũng chưa chiếm được niềm tin của người hâm mộ.
Nhưng 'chuyện cổ tích' không phải là từ phù hợp để miêu tả hành trình của đội tuyển Morocco ở World Cup 2022. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị nghiêm túc và một đội hình nhiều ngôi sao sinh ra và thi đấu ở châu Âu.
Hãy bắt đầu với cặp hậu vệ cánh, Noussair Mazraoui và Achraf Hakimi. Mazraoui thi đấu cho Bayern Munich ở vị trí hậu vệ phải và từng gây ấn tượng trong màu áo Ajax. Trong khi đó, Hakimi (PSG) đang là một trong những hậu vệ trái hay nhất thế giới. Romain Saiss (Besiktas), Sofyan Amrabat (Fiorentina) là những cái tên khác đang thi đấu ở châu Âu. Trên hàng tấn công, tiền vệ Ziyech thuộc biên chế Chelsea là cầu thủ luôn sẵn sàng bùng nổ vào những thời khắc quan trọng.
Với dàn cầu thủ có kinh nghiệm ở nước ngoài, Morocco thi đấu chắc chắn và kỉ luật không khác nào một đội bóng châu Âu. Trước Tây Ban Nha, họ chơi toan tính với cự ly giữa các tuyến chỉ khoảng 5m, phòng ngự triệt để và luôn sẵn sàng cho các tình huống phản công nhờ vào tốc độ và khả năng đi bóng của Boufal hoặc Hakimi.
Đại diện châu Phi biết mình phải làm gì, khác với hình ảnh Tây Ban Nha thực hiện hơn 1.000 đường chuyền và để thua. Morocco đặt mục tiêu vô hiệu hóa tiền vệ Sergio Busquets. Ngôi sao Barcelona bị hạn chế hoạt động vì luôn có từ 3 đến 4 cầu thủ Morocco sẵn sàng vây ráp. Chiến thuật 'biết mình biết người' từ HLV Walid Regragui cũng giúp cầu thủ tự tin hơn khi đối đầu với các ngôi sao Tây Ban Nha.
Về mặt tâm lý, Morocco lì lợm và lạnh lùng. Việc Hakimi sút luân lưu theo kiểu panenka trong thời khắc quan trọng nhất là minh chứng rõ nét nhất cho bản lĩnh và sự tự tin của Morocco. Đó là phẩm chất cần thiết cho vòng đấu loại trực tiếp, nơi chênh lệch về trình độ và lực lượng có thể được rút ngắn nhanh nhất.
Morocco lần đầu tiên lọt vào tứ kết World Cup nhưng chắc chắn đó không phải cái đích cuối cùng của họ. "Chúng tôi đến đây không chỉ là chứng tỏ rằng mình có khả năng làm được. Morocco đặt mục tiêu đi tiếp như bất kỳ đội bóng châu Âu hoặc Nam Mỹ nào khác", HLV Walid Regragui từng nói trước trận gặp Tây Ban Nha.
Đối đầu với một Bồ Đào Nha có hàng công bùng nổ sẽ là thử thách cho hàng phòng ngự của Morocco. Nhưng cũng sẽ là sai lầm với bất kỳ đội bóng nào nếu xem Morocco là một kẻ ăn may. Năm 2018, U23 Việt Nam đã vào đến trận chung kết sau hai lần chiến thắng trên chấm penalty. Liệu Morocco có thể làm nên lịch sử cho bóng đá châu Phi?
Theo Mạnh Tùng (Tiền Phong)