Người hâm mộ chào đón tuyển Việt Nam ở sân bay Nội Bài
Nguồn cảm hứng Park Hang-seo
Bạn đã 30 tuổi, và trong khi những người bạn cùng trang lứa đã yên bề gia thất, nhà lầu, xe hơi, tiền tỷ gửi ngân hàng, còn bạn thì vẫn lận đận với một công việc đủ ăn. Bạn cảm thấy bản thân thật thất bại.
Đừng lo. Bạn sẽ tìm được nguồn cảm hứng để thoát khỏi những suy nghĩ tự hạ thấp bản thân khi nhìn vào ĐT Việt Nam. Ông Park Hang-seo vốn dĩ chỉ là một người đàn ông vô danh, đã bước vào tuổi 58 khi mới đặt chân tới Việt Nam.
Ở quê nhà, ông dẫn dắt một đội bóng trung bình, gần như không được ai biết tới.
Thế rồi sau 1 năm tạo nên những điều thần kỳ cho bóng đá Việt Nam, ngài Park mỗi lần trở về quê nhà đều được chính truyền thông và người dân xứ Kim Chi chào đón như người hùng.
Sau khi cùng Việt Nam trải qua kỳ Asiad thành công, ông Park trở lại thăm ngôi trường xưa Sancheong và được tiếp đón như một biểu tượng của thành công, một nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ. Khi đó, ông đã 59 tuổi.
Chúng ta hãy làm một phép so sánh thế này: Điện ảnh Hàn Quốc đã vào Việt Nam từ vài chục năm trước. Những bộ phim dài tập như Anh em nhà bác sỹ, Giày thủy tinh… đã tạo ra một tầm ảnh hưởng nhất định, tạo đà cho cho âm nhạc Hàn (K-Pop) nối gót. Những ngôi sao Hàn được biết tới rộng rãi trên dải đất hình chữ S.
Nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam trong tâm trí người Hàn về cơ bản chỉ là một thị trường để khai thác. Nhiều ngôi sao ca nhạc nước ta đã sang Hàn Quốc và rồi cũng chỉ biểu diễn cho người Việt xem.
Đã bao giờ chúng ta thấy người Hàn khoe nhau chuyện xem một thứ gì đó liên quan tới Việt Nam trên sóng truyền hình của họ chưa? Đã bao giờ chúng ta thấy người Hàn tìm kiếm thông tin về Sơn Tùng, Đông Nhi… hay chưa?
Nhưng sau một năm toàn những điều thần kỳ, bóng đá Việt Nam đã tạo nên một chỗ đứng mà bất kỳ nỗ lực nào trước đó của các ngành giải trí, du lịch… chưa từng làm được trên đất Hàn.
Trước trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản, từ khóa Việt Nam đứng Top 2 bảng tìm kiếm trên trang Naver của Hàn Quốc.
Vào cái ngày Việt Nam đá chung kết lượt về AFF Cup với Malaysia, kênh SBS thậm chí đã quyết định dời lịch chiếu bộ phim "Số phận và giận dữ" để nhường chỗ cho thời khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Theo con số được Nielsen Hàn Quốc đưa ra, trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 vào hôm 15/11 chạm mức rating 4,706%, con số cao hơn bất kỳ chương trình thể thao nào khác được chiếu trên truyền hình cáp xứ kim chi kể từ năm 2010.
Nền bóng đá nhỏ bé của Việt Nam đã tạo được tầm ảnh hưởng còn hơn những điều mà âm nhạc, giải trí, du lịch đã nỗ lực hàng chục năm qua.
Việt Nam là Iceland của châu Á
Trên đất Nhật Bản – quốc gia có tới 44,5 triệu người là fan của bóng chày, tôi đã từng nhận được không ít câu hỏi về bóng đá Việt Nam từ những anh bạn người Mông Cổ, Iran, Thái Lan và cả Nhật Bản.
Ngày Việt Nam thi đấu với Nhật Bản, tự những fan Iran đã kéo tới đề nghị cùng xem trận đấu. Một anh bạn Hàn Quốc hỏi tôi lịch thi đấu để nhắn cho những người đồng hương khác bật tivi lên chờ Việt Nam tạo nên một cơn địa chấn.
Bạn hẳn cũng sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng để phấn đấu khi nhìn vào hình ảnh của thủ thành Văn Lâm. Như chính anh tâm sự: "đã từng có thời điểm ở Việt Nam không ai cần tôi".
Giờ đây, Văn Lâm chắc chắn sẽ là một trong những thủ môn được nhớ nhất lịch sử bóng đá nước ta. Anh được một đội bóng Thái Lan chiêu mộ vì họ thật sự cần tới tài năng của anh.
Và trên hết, một nền bóng đá từng xuất hiện trong những lời mỉa mai của Jose Mourinho, của Raul Albiol đã tạo được chỗ đứng, chí ít là trong khu vực.
Chúng ta đi lên từ những xuất phát điểm rất đỗi bình thường. Chúng ta không có những cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu, không có nhiều lò đào tạo được đầu tư nhiều triệu USD, không có một HLV tiếng tăm cỡ Carlos Queiroz (Iran), Marcello Lippi (Trung Quốc), Sven-Göran Eriksson (Philippines)… nhưng chúng ta đã làm được nhiều điều thần kỳ bằng nỗ lực và tiềm năng của chính mình.
Thế giới từng có một ĐT Iceland thoát khỏi sự khắc nghiệt và thiếu thốn do thời tiết gây ra để tạo tiếng vang ở sân chơi EURO lẫn World Cup thì châu Á hiện cũng có một nguồn cảm hứng mang tên Việt Nam.
Theo Thạch Long (Soha/Trí Thức Trẻ)