1. Phút 16 của trận đấu, sau cú sút đưa bóng vào lưới thủ thành Shuichi Gonda, camera trên sân bắt được hình ảnh Công Phượng đưa tay lên tai. Có lẽ, chân sút HAGL này thanh minh với trọng tài rằng anh không nghe thấy tiếng còi báo hiệu mình đã rơi vào tư thế việt vị. Chỉ là thanh minh thôi, vì chắc hẳn khoảnh khắc tung chân sút, Phượng biết trọng tài đã cắt còi.
Nhưng Phượng vẫn sút, có lẽ bởi tiền đạo này quá tiếc nuối tình huống ấy. Đấy là tình huống mà HLV Park Hang-seo muốn thấy tiền đạo số 1 trong tay mình lúc này thể hiện trong trận đấu cực kỳ khó khăn và quan trọng này, và cậu đã suýt nữa làm được.
Pha bóng gây tiếc nuối ấy, lỗi không nằm ở Công Phượng. Tiền đạo này đã di chuyển cực kỳ "đúng bài" và cực kỳ ăn khớp với đường đi của bóng, để bỏ hậu vệ đối phương sau lưng mình khi nhận bóng. Có điều, đường chuyền của Huy Hùng cho Quang Hải hơi thừa lực, khiến tiền vệ số 19 của Việt Nam phải mất thêm một nhịp rướn trước khi chuyền bóng cho Công Phượng. Chỉ là một tích tắc, nhưng nó là khoảng cách giữa bàn thắng và pha "sập bẫy" việt vị.
Bàn thắng đầu tiên của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2019, Công Phượng là người gây sức ép sau pha chọc khe của Quang Hải, khiến hậu vệ Iraq phải luống cuống tự đưa bóng về lưới nhà. Bàn thứ hai, sau cú sút chân trái của Trọng Hoàng bị thủ môn đối phương đẩy ra, Công Phượng "mọc từ dưới đất lên", nhanh như cắt đệm bóng tung lưới nâng tỷ số lên 2-1.
Bàn thắng hạ gục Jordan để cân bằng tỷ số cho thầy trò HLV Park Hang-seo, trước khi thắng trên chấm luân lưu để vào tứ kết, cũng là bàn thắng thứ hai của Công Phượng là một pha chạy chỗ cực kỳ tinh tế, để đón đường lật bóng tầm thấp cực căng của Trọng Hoàng, vẩy má tinh tế chẳng kém, khiến thủ thành Amer Shafi chỉ còn biết bay người trong tuyệt vọng.
Trước Nhật Bản, ngoài cú chạy chỗ nhận đường chọc khe của Quang Hải ấy, là một Công Phượng "bay lượn" khiến hàng thủ đối phương không ít lần phải "chóng mặt". Trên đấu trường đẳng cấp đội tuyển quốc gia của châu lục, sự biến hóa, xuất thần của Công Phượng khiến các hậu vệ đối phương "chẳng biết đằng nào mà lần".
2. Từ giải U23 châu Á hơn một năm về trước, cho đến AFF Cup 2018, không ít lần Công Phượng gây thất vọng. Chức vô địch AFF Cup 2018, với sự bùng nổ của "chân sút già" Anh Đức là một sự trớ trêu cùng cực với Công Phượng.
Cái ngày mà cả HLV Hữu Thắng lẫn Công Vinh "liên thủ" loại Anh Đức ra khỏi đội tuyển quốc gia, gieo tiếng ác "không khát khao cống hiến cho đội tuyển quốc gia" cho tiền đạo Bình Dương này, những người làm chuyên môn đều biết động thái ấy không phải là để giành chỗ cho Công Vinh, mà thật ra là cho Công Phượng.
Anh Đức chia tay đội tuyển quốc gia sau AFF Cup 2018, để lại sau lưng mình hai giải đấu mang đậm dấu ấn của một trung phong hàng đầu. Là "người thay thế" ở vị trí ấy, với Công Phượng là nỗi lo, bởi cái bóng của người đàn anh là quá lớn, và những lời chỉ trích, mỉa mai sẽ lập tức đổ xuống nếu thêm lần nữa chân sút người Nghệ An không thể chứng tỏ được mình.
Ngay sau Asiad 2018, cựu trợ lý Lê Huy Khoa tiết lộ một điều chấn động về việc HLV Park Hang-seo không cho Công Phượng ra sân ở trận tranh huy chương đồng, bởi buổi tập trước trận, tiền đạo HAGL toàn sút bóng bằng chân trái, và nhà cầm quân người Hàn Quốc nghĩ rằng cậu đau chân phải và cố che giấu.
Lời tiết lộ ấy khiến cho người hâm mộ chân sút này thực sự lo lắng cho Công Phượng, bởi rõ ràng giữa anh vào ông thầy người Hàn có sự "lệch pha" nhất định.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Hàn Quốc ở ngày đầu năm mới, HLV Park Hang-seo từng tâm sự: "Tôi luôn nói không với mánh khóe. Tôi thành thật với tất cả, nhất là các học trò của mình". Và với việc đem Công Phượng trở lại, giới thiệu với cả châu Á một "sát thủ" đầy tài năng, ông đã làm đúng như những gì mình nói.
Công Phượng là một tài năng đích thực, không ai nghi ngờ điều đấy cả. Chỉ có điều, lối chơi và sự quyết tâm của tiền đạo người Nghệ An này quá phụ thuộc vào môi trường và người truyền cảm hứng cho mình. HLV Miura đã từng đánh giá rất cao Công Phượng. Ông cũng biết phải làm thế nào để đưa chân sút này vào "đúng quỹ đạo" để dứt mác "sao trẻ", để trưởng thành. Nhưng tiếc thay, ông thầy người Nhật "đứt gánh giữa đường" quá sớm.
Sự cưng chiều của bầu Đức, của HLV Hữu Thắng đã "làm hại" Công Phượng suốt một quãng thời gian dài. Và HLV Park Hang-seo, với sự kiên nhẫn của mình đã chỉ ra cho Phượng thấy để trưởng thành, phải qua đào luyện, phải nỗ lực và kiên nhẫn đến thế nào.
Năm năm sau ngày "bước ra ánh sáng", hơn 2 năm sau ngày ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển quốc gia trên Mỹ Đình, Công Phượng "trở lại" rực rỡ trên đấu trường châu Á ở cấp độ cao nhất - đội tuyển quốc gia. Với người hâm mộ nước nhà, nếu như Quang Hải là ngôi sao sáng nhất, tài năng nhất, thì sự trở lại của Công Phượng là "món quà" đầy bất ngờ mà "ma thuật" của HLV Park Hang-seo tặng cho bóng đá Việt Nam.
Công Vinh từng mất 855 ngày để ghi 8 bàn thắng đầu tiên của mình trong màu áo đội tuyển quốc gia. Mười hai năm sau, Công Phượng chỉ mất có 804 ngày để hoàn thành cột mốc ấy, trong đó có 2 bàn ở sân chơi hàng đầu châu lục.
Kỷ lục 51 bàn thắng ghi cho đội tuyển quốc gia Việt Nam của Công Vinh vẫn là cột mốc cao vời vợi cho bất kỳ chân sút nào, không những của Việt Nam. Nhưng với sự ra đi của Anh Đức, giờ đây Công Phượng với vị thế là chân sút sáng giá nhất của đội tuyển quốc gia đang làm cho người hâm mộ nước nhà dần quên đi Công Vinh.
Trước mặt Công Phượng, kỷ lục ấy của người đàn anh đồng hương vừa là thách thức, vừa là động lực cho chân sút này nỗ lực từng ngày. Và quan trọng nhất, tiền đạo HAGL này có được sự tin tưởng của HLV Park Hang-seo, với "ma thuật" có thể đánh thức mọi niềm năng ẩn giấu của các học trò.
Đến lúc "làm người lớn" rồi, Công Phượng!
Theo Tâm Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)