Sau lượt trận thứ 12 V-League 2015 (3/5), U23 Việt Nam sẽ hội quân để chuẩn bị cho chiến dịch đổi màu huy chương SEA Games 28 (Singapore, từ 29/5 đến 15/6/2015). Đây cũng là khoảng thời gian đội tuyển Việt Nam được triệu tập cho trận đấu vòng loại đầu tiên cực kỳ quan trọng: Gặp Thái Lan (ngày 11/6), khởi đầu chiến dịch vòng loại World Cup 2018 cũng như vòng loại Asian Cup 2019.
Khó có thể làm tốt 2 việc cùng một thời điểm, nên chúng ta phải hy sinh.
Biết rồi, khổ lắm nói mãi
Năm 2007, HLV Alfred Riedl đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi có công đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào đến tứ kết giải vô địch châu Á (Asian Cup), trong lúc đó, trợ lý HLV Mai Đức Chung giúp Olympic Việt Nam đi tới vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008, thành tích cũng gọi là vô tiền khoáng hậu. Nhưng cuối năm đó, U23 QG thua mất mặt tại bán kết và trận tranh HCĐ SEA Games 24 ở Thái Lan, khiến ông thầy người Áo “đứt gánh giữa đường”.
Lực lượng của Olympic Việt Nam tham dự chiến dịch vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 gần như là bản nháp của U23 Việt Nam đá SEA Games 24. Sau khi để thua U23 Myanmar ở bán kết, HLV Riedl bất ngờ rời đại bản doanh Nakhon Ratchasima, dẫn đến thất bại liên hoàn 0-5 trước U23 Singapore ở trận tranh HCĐ. Lý do được đưa ra lúc ấy là các cầu thủ bị quá tải dẫn đến chấn thương, khi các trận đấu vòng sơ loại thứ 3 Olymic Bắc Kinh 2008 chỉ kết thúc 8 ngày trước khi môn bóng đá nam SEA Games 24 khởi tranh.
HLV Toshiya Miura với bộn bề công việc ở cả ĐTQG lẫn U23 quốc gia. Ảnh: V.S.I |
Và thành tích các ĐTQG dưới thời HLV Calisto năm 2010 vẫn là rất đáng ngưỡng mộ. Tại Asian Games diễn ra ở Quảng Châu, trợ lý HLV Phan Thanh Hùng đưa Olympic Việt Nam vào chơi vòng 1/8, trong khi ĐTQG của ông Calisto dừng chân ở bán kết AFF Cup 2010.
HLV Miura chọn, VFF quyết?
Bóng đá Việt Nam không hẳn quá thiếu nhân tài để có thể thành lập cùng một lúc nhiều ĐTQG khác nhau, nhưng từ trường hợp của HLV Riedl của năm 2007 đến HLV Miura giai đoạn 2014 – 2015 đều có thể thấy rằng họ chỉ sử dụng một số lượng cầu thủ rất chừng mực, tức 1 cầu thủ có thể đá nhiều sân trong cách bày binh bố trận của HLV trưởng. Mô hình 2, thậm chí là “3 trong 1” đã bị nghi ngờ từ lâu, nhưng đã chỉ có rất ít những kinh nghiệm được rút ra. Sau HLV Riedl, các đời thầy ngoại như Calisto, Goetz và cả Miura lúc này vẫn kiêm nhiệm, tức là cùng một lúc nắm tới 2, 3 đội tuyển.
Trước Asian Games 17 và AFF Cup 2014, HLV Miura thậm chí đã cho đội tuyển Việt Nam và Olympic Việt Nam đá tập với nhau ở sân Hàng Đẫy.
Và người ta đã nói vui rằng, ông Miura hẳn đã thuộc làu môn võ gọi là “song thủ hỗ bác”, tay trái vẽ vòng tròn, tay phải vẽ hình vuông. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm và có lẽ chỉ có ở bóng đá Việt Nam.
HLV Miura: “Ở Đông Nam Á hay dùng 1 HLV cho 2 ĐTQG” HLV Toshiya Miura nói: “Tôi thấy ở nhiều nước Đông Nam Á đều sử dụng chỉ một HLV cho cả ĐTQG lẫn đội tuyển U23 nên tôi nghĩ mình có khả năng huấn luyện cùng lúc cả 2 đội tuyển. Chỉ có vấn đề là giai đoạn cuối của SEA Games lại trùng với một trận đấu ở vòng loại World Cup nên tôi nghĩ các Liên đoàn bóng đá cần phải làm việc với nhau để tìm ra giải pháp. Nếu như VFF coi SEA Games là mục tiêu quan trọng nhất thì tất cả những cầu thủ tốt nhất trong độ tuổi U23 sẽ được gọi tập trung cho SEA Games”. “HLV Miura sẽ không thể qua lại giữa 2 đội tuyển” “Chắc chắn HLV Miura sẽ chuẩn bị 2 giáo án khác nhau cho 2 đội tuyển và phần việc còn lại thuộc về các trợ lý đáng tin cậy thông qua các báo cáo hàng ngày. Tuy nhiên, tôi cho rằng giáo án tập luyện chỉ là phần cứng, còn việc đứng lớp mới là phần mềm quan trọng để nắm bắt tâm sinh lý, phong độ cầu thủ. HLV Miura sẽ không thể chạy đi chạy lại giữa 2 đội tuyển và nếu cố gắng, ông chỉ xuất hiện ở ngày diễn ra trận đấu. Thế nên, việc chọn mục tiêu chính cho từng sân chơi, từng giải đấu là yếu tố quan trọng đầu tiên”, ông Phan Thanh Hùng, cựu HLV trưởng ĐTQG, chia sẻ. |