Sự khăng khít nói trên chủ yếu thể hiện qua việc ban huấn luyện tạo ra một môi trường cho phép cầu thủ tự do tranh luận, đưa ra những ý kiến nguyên bản. Truyền thống hiểu biết sâu sắc và kỹ lưỡng về chuyên môn của các cầu thủ Hà Lan nhờ thế mà phát huy tối đa.
Quan trọng hơn cả là những thủ lĩnh của đội tuyển sẽ cùng với huấn luyện viên trưởng (HLV) đưa ra lựa chọn về con người và lối chơi. Họ nhận trách nhiệm xây dựng đội tuyển và hiện thực hóa nó một cách hiệu quả nhất, còn người huấn luyện viên gần như chỉ đóng vai trò “bôi trơn” các mắt xích này và thoải mái đặt chế độ “tự lái” khi bước vào giải đấu lớn.
Tuy nhiên, không phải khi nào nhu cầu tự chủ của các thủ lĩnh cầu thủ cũng mang đến lợi ích. Nổi tiếng nhất phải kể tới những kỳ World Cup 1990, Euro 1996 và 2012. Mâu thuẫn dễ dàng hình thành nếu như HLV trưởng không đồng thuận với ý kiến chuyên môn của nhóm thủ lĩnh cầu thủ. Tranh cãi thi thoảng lại diễn ra giữa chính những người mặc quần đùi áo số bước vào sân, chủ yếu bởi vấn đề chia chác tiền thưởng.
Thay vì tạo ra một môi trường tích cực, bầu không khí của Hà Lan trở nên vô cùng độc hại, đặc biệt trong suốt phần lớn thập niên 1990. Khởi đầu vào World Cup 1990, khi thế hệ của những Marco Van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard, Ronald Koeman, Jan Wouters, Hans Van Breukelen, John Van ‘t Schip đang đồng loạt ở đỉnh cao sự nghiệp.
Mùa hè Italy chứng kiến đầy đủ toàn bộ các mâu thuẫn chính nảy sinh: trụ cột đối đầu, tập thể cầu thủ không tin cậy HLV trưởng và ngược lại, còn Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) chẳng thể minh bạch các vấn đề cho người trong cuộc.
Quãng thời gian đầu thập niên 1990 cũng là thời điểm Rinus Michels được FIFA tôn vinh là “HLV của thế kỷ”. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian ông bị giới chuyên môn trong nước nghi ngờ nhiều nhất. Michels thường được nhắc tới với tư cách là người “khai sinh” ra Bóng đá Tổng lực, đỉnh cao đầu tiên là ngôi Á quân World Cup 1974. Nhưng trên thực tế, càng về sau này, người ta càng nhận ra sự ảnh hưởng to lớn của Johan Cruyff trong đó, ngay từ khâu lựa chọn cầu thủ đá chính.
Ví dụ, Hà Lan 1974 có hai thủ môn nổi tiếng về khả năng phản xạ cổ điển là Eddy Treijtel và Piet Schrijvers. Nhưng chính Cruyff là người đã yêu cầu HLV Michels để Jan Jongbloed được đá chính, vì khả năng chơi bóng bằng chân thủ người gác đền sinh năm 1940 này.
Tương tự, thế hệ vô địch Euro 1988 nhận ảnh hưởng rõ ràng của một nhóm cầu thủ vẫn được coi là “truyền nhân” của Johan Cruyff, được chính Cruyff dẫn dắt và chỉ giáo tại CLB Ajax Amsterdam, như Van Basten, Rijkaard, Van ‘t Schip, Gullit, Wouters…
|
Thế hệ 1988 của bóng đá Hà Lan rất “nặng mùi Cruyff” – Ảnh: dutchreview |
Cũng vào năm 1988, HLV Michels đưa ra quyết định áp dụng sơ đồ 4-4-2 đang dần trở thành thời thượng tại châu Âu khi ấy. Quyết định này không được báo chí trong nước ủng hộ, bất chấp nó mang đến chức vô địch Euro 1988. Nhưng quan trọng hơn cả, thủ lĩnh chuyên môn Van Basten không đồng tình với sơ đồ 4-4-2 sau giải đấu này. Anh cho rằng sơ đồ 4-3-3 của Ajax nên được áp dụng, nhất là kể từ khi Dennis Bergkamp nổi lên tại Ajax.
Michels bị đặt vào tình thế buộc phải lắng nghe. Một cuộc tranh luận nội bộ được tổ chức. Ở đó, các cầu thủ PSV – những người đang chơi 4-4-2 ở cấp CLB – đã bị áp đảo về ý kiến của “phe Ajax” vốn chiếm số đông trong đội hình chính. Thijs Libregts thay thế Michels sau khi ông từ chức, chẳng bao lâu sau đó Leo Beenhakker được KNVB bổ nhiệm theo lời khuyên của Michels, bất chấp sự không hài lòng của tập thể cầu thủ (họ muốn Johan Cruyff hơn). Chừng ấy cũng đã là đủ để kỳ World Cup 1990 bị phí phạm.
Michels sau đó trở lại, nhưng lần này ông dường như đã “hết phép”. Việc Marco Van Basten đánh mất phong độ đúng vào Euro 1992 cũng khiến cho Hà Lan một lần nữa gây thất vọng.
Dick Advocaat là người kế nhiệm Michels để dẫn dắt Hà Lan tới World Cup 1994. HLV này chính là trợ lý số một của Michels ngay trước đó, và cho tới nay cũng thường được coi là học trò hàng đầu của vị HLV trứ danh. Advocaat tuy tạo điều kiện cho các cầu thủ tự lựa chọn lối chơi, nhưng ông cũng không có một kế hoạch dự phòng cho các biến cố.
Bắt đầu từ 1994, một thế hệ mới bắt đầu bước lên. Van Basten sớm đi vào hồi kết sự nghiệp với những chấn thương, trong khi đó đội trưởng Gullit gây tranh cãi khi từ chối theo đội tuyển đến Mỹ vào năm 1994. Gullit tiết lộ điều này trong một buổi họp báo và cho biết sẽ đưa ra lý do sau khi World Cup kết thúc.
Hơn hai mươi năm sau, anh vẫn im lặng. Việc này khiến cho những cái tên như Dennis Bergkamp, anh em Frank và Ronald De Boer, Marc Overmars buộc phải bước lên để trở thành thủ lĩnh. Nhưng sau khi cố gắng hết sức, mùa hè 1994 cũng kết thúc sau khi họ thất thủ trước Brazil – đội sau đó đăng quang vô địch.
|
Hà Lan tới Mỹ hè 1994 với đội hình trẻ trung – Ảnh: imgur |
Ngay sau khi World Cup 1994 khép lại, HLV Advocaat chấp nhận một lời mời đậm màu tiền bạc để dẫn dắt PSV. Guus Hiddink lên thay thế ở ĐTQG. Khi ấy, Hiddink được biết tới nhiều nhất chủ yếu bởi chức vô địch châu Âu năm 1988 cùng PSV. Nhưng đây cũng là khởi đầu cho một trong những sự kiện đáng xấu hổ nhất của bóng đá Hà Lan.
(còn tiếp)
Theo Dũng Lê (4231)