Giải mã cách ăn mừng bàn thắng của các CLB: Lý do Ngoại hạng Anh tăng thời gian bù giờ như World Cup 2022

14/09/2023 13:30:00

Việc các đội trung bình dành hơn một phút để ăn mừng bàn thắng là một phần nguyên nhân khiến LĐBĐ Anh (FA) tăng thời gian bù giờ và kéo dài trận đấu từ Ngoại hạng Anh mùa 2023-2024.

Trước mùa 2023-2024, LĐBĐ Anh (FA) thông báo Ngoại hạng Anh sẽ áp dụng một loạt quy định mới, trong đó có thay đổi luật gây chú ý. Đó là "Luật 7 - Thời lượng của trận đấu. 'Ăn mừng bàn thắng' trở thành một gạch đầu dòng riêng trong danh sách các nguyên nhân kéo dài thời gian mà trọng tài phải bù giờ".

Nói một cách đơn giản, các trọng tài giờ sẽ được khuyến khích tăng thời gian bù giờ vào mỗi hiệp từ những màn ăn mừng bàn thắng.

Giải mã cách ăn mừng bàn thắng của các CLB: Lý do Ngoại hạng Anh tăng thời gian bù giờ như World Cup 2022
Thời lượng bóng thi đấu trong trận của các CLB mùa trước

Kéo dài thời gian là chủ đề được quan tâm mùa trước, với sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thời gian trung bình của trận đấu giữa Man City (60 phút, 32 giây) và Newcastle (51 phút, 14 giây), ở các đầu tương ứng của thang đo.

Mùa 2022-2023, tỷ lệ trung bình số phút bóng sống chỉ là 55,7% thời gian - thấp nhất trong thập kỷ qua tại Ngoại hạng Anh. Tất nhiên, việc bóng chết có thể vì nhiều lý do trong trận, với các quyết định của VAR, chấn thương, phạt thẻ vàng, thẻ đỏ không phải lúc nào cũng nằm trong tầm kiểm soát của một trong hai đội, nhưng một số yếu tố thì có.

Việc trì hoãn trước khi thực hiện quả phát bóng, ném biên, phạt trực tiếp hay những lần đi bộ kinh điển trên sân khi các CLB đang dẫn bàn thay đổi người. Nhưng hiếm khi người hâm mộ để ý tới thời gian bóng chết từ những lần các cầu thủ ăn mừng bàn thắng.

"Hãy làm điệu macarena với một lời chào nhỏ ở cuối". Đó là thử thách mà Michail Antonio đặt ra cho Callum Wilson để thử cách ăn mừng bàn thắng mới trong một tập của kênh Podcast The Footballer's Football. Sau khi "xé lưới" West Ham của chính Antonio vào tháng 4, Wilson đã thực hiện thử thách này, chạy phía sau khung thành để biểu diễn điệu nhảy pop Tây Ban Nha.

Một cơ hội để tận hưởng khoảnh khắc, giao lưu với người hâm mộ, chia vui cùng các đồng đội, và đã có rất nhiều màn ăn mừng đáng nhớ ở mùa giải trước, gồm việc Bukayo Saka chạy tới cột cờ góc tái hiện màn ăn mừng kinh điển của huyền thoại Thierry Henry. Màn ăn mừng chỉ tay vào vùng thái dương, mắt nhắm lại ám chỉ "sức mạnh tâm lý" của Marcus Rashford hay những cú lộn của Luke Ayling sau khi ghi bàn vào lưới Wolves làm gợi nhớ tới màn ăn mừng của cựu tiền đạo Robbie Keane.

Giải mã cách ăn mừng bàn thắng của các CLB: Lý do Ngoại hạng Anh tăng thời gian bù giờ như World Cup 2022 - 1
Thời lượng trung bình các CLB ăn mừng mỗi bàn thắng

Trung bình, mất 75,9 giây từ khi cầu thủ ghi bàn đến khi bóng được đặt vào vòng tròn giữa sân và trận đấu tiếp tục tại Ngoại hạng Anh mùa trước. Trong đó, người hâm mộ Crystal Palace có thời gian chờ đợi lâu nhất để tiếp tục theo dõi trận đấu sau khi đội nhà ghi bàn, với trung bình 85 giây từ thời điểm ghi bàn cho đến khi đối phương giao bóng.

Điều bất ngờ là Newcastle - CLB nhiều lần bị HLV Erik ten Hag chỉ trích về thói câu giờ - dành ít thời gian nhất để ăn mừng mùa trước, với trung bình 66,6 giây từ khi ghi bàn cho đến khi đối phương bắt đầu trận đấu. Xếp sau Newcastle là Man City và Tottenham với trung bình thời gian ăn mừng chưa đầy 68 giây.

Tuy nhiên, dù Man City có tỷ lệ thời gian kiểm soát bóng cao nhất mùa trước, nhưng số bàn thắng mà họ ghi được - 2,5 bàn mỗi trận - đồng nghĩa với việc đoàn quân dưới trướng Pep Guardiola mất trung bình gần ba phút để ăn mừng mỗi trận. Tổng cộng, Man City ăn mừng 105 phút và 45 giây cho 94 bàn thắng. Đây là thời lượng nhiều hơn thời gian thi đấu chính thức của một trận, dù ít hơn tổng thời lượng gần hai giờ của Arsenal.

Giải mã cách ăn mừng bàn thắng của các CLB: Lý do Ngoại hạng Anh tăng thời gian bù giờ như World Cup 2022 - 2
Tổng thời gian các CLB ăn mừng bàn thắng mùa trước

Khoảng thời gian này không chỉ để các đội ăn mừng bàn thắng, mà cũng là cơ hội để các CLB thủng lưới tập hợp, động viên và thúc đẩy nhau. Về khía cạnh này, West Ham mất nhiều thời gian nhất để tiếp tục trận đấu sau khi thủng lưới, với trung bình 90 giây. Xếp sau lần lượt là Brentford và Newcastle - hai đội nhiều lần hứng chịu chỉ trích về phong cách thi đấu câu giờ.

Ngược lại, Southampton là đội bắt đầu trận đấu nhanh nhất sau khi thủng lưới, với trung bình 61,2 giây trong mùa giải họ xuống hạng. The Athletic bình luận vui rằng điều này xuất phát từ việc Southampton thủng lưới 73 bàn - thống kê tệ chỉ kém 78 bàn thua của Leeds - đã "quen với việc nhận bàn thua đến mức họ đã thành thạo kỹ năng đưa bóng từ cầu môn trở lại vạch giữa sân nhanh hơn bất kỳ đội nào khác".

Man City và Liverpool mất chưa đầy 70 giây để tiếp tục trận đấu sau khi bị thủng lưới, cho thấy việc hai CLB này muốn nhanh chóng lấy lại thế trận và không muốn mất nhịp thi đấu.

Giải mã cách ăn mừng bàn thắng của các CLB: Lý do Ngoại hạng Anh tăng thời gian bù giờ như World Cup 2022 - 3
Các CLB mất bao lâu để tiếp tục trận đấu?

Dù nguyên nhân của việc kéo dài thời gian là gì, thì có một vấn đề rộng, nghiêm trọng hơn về thời gian trôi qua trong các màn ăn mừng bàn thắng và mức độ ảnh hưởng của thời gian bù giờ của trọng tài.

Cựu trọng tài lừng danh Pierluigi Collina, hiện làm Trưởng ban Trọng tài FIFA, Pierluigi Collina nhấn mạnh trận Liverpool đè bẹp Man Utd 7-0 là ví dụ thích hợp cho điều này. "Có tổng cộng bốn phút bù giờ, một phút trong hiệp một và ba phút trong hiệp hai. Nhưng đã có sáu bàn được ghi trong hiệp hai", Collina nói.

Với thời gian trung bình của giải đấu là 76 giây ăn mừng cho mỗi bàn thắng, thời gian bù giờ từ sự chậm trễ này lẽ ra phải gần chín phút ở trận đấu tại Anfield. "Việc thể hiện đúng thời lượng khi tỷ số là 7-0 là điều khó hiểu", Collina giải thích. "Trong một số giải đấu, hiệu số bàn thắng bại có thể quyết định đến thứ hạng cuối cùng. Vì vậy, ngay cả một bàn thắng được ghi hay không được ghi cũng có thể tạo ra sự khác biệt".

Hiệu số bàn thắng bại từng là yếu tố định đoạt ngôi vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2011-2012, với bàn thắng kinh điển của Sergio Aguero vào lưới QPR giúp Man City cân bằng thành tích 89 điểm của Man Utd nhưng xếp trên với hiệu số bàn thắng bại là 64-56.

Xa hơn, Arsenal có cùng hiệu số bàn thắng bại với Liverpool, nhưng ghi nhiều bàn hơn để vô địch giải VĐQG Anh năm 1989.

"Sự khác biệt là rất nhỏ, đặc biệt ở nhóm những CLB dẫn đầu, và thời gian trận đấu chính xác hơn có thể đồng nghĩa với pha bóng hấp dẫn hơn, giải trí nhiều hơn, nhưng cuối cùng là nhiều công bằng hơn cho tất cả các đội", The Athletic bình luận.

Hồng Duy (SHTT)

Nổi bật